Diễn đàn về an toàn thực phẩm: Hãy là "người tiêu dùng khôn ngoan" để tự cứu mình

04/08/2005 00:33 GMT+7

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: "Phải thường xuyên kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm" Hà Nội hiện có khoảng 10.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong những năm qua thành phố đã thường xuyên tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và vệ sinh thực phẩm đường phố. Chúng tôi nêu cao trách nhiệm của chính quyền xã, phường và vai trò liên ngành trong kiểm tra thức ăn đường phố, thường xuyên tuyên truyền, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố.

 

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải thường xuyên kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm và kiểm soát về mặt kiểm dịch thú y để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra nhiều hộ kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội, cho thấy hầu hết họ đều xuất trình được hợp đồng mua bán gốc của họ, từ đó chúng ta có thể kiểm tra ngược lại làm rõ nguồn gốc của loại thực phẩm đó. Tại các cơ sở kinh doanh phục vụ cho nhiều người ăn, chúng tôi hướng dẫn, yêu cầu họ phải lưu mẫu thức ăn để phục vụ cho kiểm tra. Nhìn chung trong thời gian qua, các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Hà Nội xảy ra không nhiều và chưa bao giờ lên tới 3 con số, thường chỉ khoảng hai chục người trở xuống bị ngộ độc. Chúng tôi thường chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các bếp ăn tập thể, nên thời gian qua Hà Nội chưa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

 

Việt Chiến (ghi)

 

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM: “Phải có văn bản pháp luật rõ ràng để xử lý người sản xuất sản phẩm kém chất lượng”

 

Từ góc độ của người tiêu dùng thì đây không phải là vấn đề của riêng ai mà là vấn đề cả xã hội phải quan tâm vì nó liên quan đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng mà cụ thể là cơ quan y tế từ trung ương đến địa phương, nơi được giao nhiệm vụ quản lý vấn đề này phải kết hợp với các cơ quan chức năng khác kiểm soát gắt gao và phải có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng vệ sinh thực phẩm không an toàn đang diễn ra tràn lan. Đặc biệt, có một số người sản xuất vì ham lợi,  sẵn sàng đưa những chất độc hại vào thực phẩm, những chất này gây hại trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng. Dưới góc độ giao lưu quốc tế thì hiện nay Việt Nam đang mở cửa, nhiều nước đến Việt Nam mà thấy tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm kém thì sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến du lịch, hợp tác... nên càng cần phải có ngay những  giải pháp quyết liệt. Giải pháp đó là luật phải kiện toàn, phải có những văn bản pháp luật với những điều khoản rõ ràng để xử lý người sản xuất sản phẩm kém chất lượng không bảo đảm an toàn vệ sinh. Nếu nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì xử lý hình sự, chứ nhiều vụ như gà thối, gà nhiễm H5N1 nghiêm trọng như thế mà chỉ xử lý hành chính không thể xử lý hình sự được vì luật chưa quy định là quá bất cập. Hiện nay, với những quy định hiện hành, nếu những cơ sở sản xuất hàng kém chất lượng mà không được cấp phép thì có thể xử lý hình sự về tội sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng nhái. Nếu được cấp phép mà sản xuất không đạt chất lượng thì có thể xử lý hành chính và phải bồi thường, nếu người tiêu dùng khởi kiện.

 

Lê Nga (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.