Bán đất mua vàng
“Trước đây, người dân miền Trung vốn ít đầu tư vào vàng vì tính cách chắc chắn. Họ thường mua vàng để cất làm tài sản chứ không phải để đầu tư mua bán. Nhưng vài năm trở lại đây, thị trường vàng sôi động. Người dân Đà Nẵng đã coi vàng là một loại hàng hóa đầu tư sinh lợi!”- ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc chi nhánh SJC tại Đà Nẵng chia sẻ. Chỉ cần nhìn vào con số thống kê của SJC Đà Nẵng sẽ thấy rõ được điều ấy: doanh thu vàng ngày càng tăng mạnh, từ năm 2007 chỉ là 700 tỷ; đến năm 2010, doanh thu đã đạt lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Trong tháng 9.2011, có ngày lượng vàng miếng bán ra lên đến 1000 lượng.
Vàng cũng như một loại hàng hóa khác, khi cung vượt quá cầu thì tuân theo quy luật thị trường, giá sụt giảm nhanh chóng trở lại
|
|
Ông Nguyễn Văn Lý - Giám đốc chi nhánh SJC tại Đà Nẵng |
Chị Nguyễn Thị Kim L., trú tại đường Lương Nhữ Học (Đà Nẵng) là một trong những người nắm cơ hội đầu tư từ vàng. Chị dùng tiền mua một căn nhà để ở; số còn dư chị quyết định đầu tư vào bất động sản để kiếm lời. Theo quan sát của chị, từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản không còn kiếm lời dễ dàng nữa, trong khi đó, nhiều người bạn của chị tư vấn, giá vàng dễ kiếm được lợi nhuận nếu có tiền “lướt sóng”, nên chị quyết định bán miếng đất ở KDC số 5 Nguyễn Tri Phương để đầu tư vào vàng. Và hằng ngày, thay vì theo dõi giá bất động sản, nay chị chỉ chăm chăm vào mức lên xuống của giá vàng. “Từ 4 tháng nay, với số tiền hơn 1 tỷ đầu tư vào vàng, tôi đã thu lợi 200 triệu đồng!” - chị L. tự tin tiết lộ.
Thời điểm cuối tháng 9, giá vàng từ đỉnh điểm hơn 48 triệu đồng, tụt xuống mức giá dưới 45 triệu đồng, đã kéo lượng người mua vàng miếng tại các cửa hàng của SJC miền Trung tăng vọt. Có những người dân quyết định rút tiền tiết kiệm hàng tỉ đồng mua vài chục cây vàng để kiếm lời. Nhiều người mua 30 đến 50 cây vàng trong một buổi sáng. “Riêng những ngày vàng lao dốc cuối tháng 9, mỗi ngày chúng tôi bán ra hàng ngàn cây vàng! Việc một người dân ở Đà Nẵng mua 100-200 lượng vàng không còn là chuyện đáng ngạc nhiên như trước đây nữa!”, ông Lý cho biết. Không chỉ người dân ở khu vực trung tâm Đà Nẵng mà ngay cả những người dân ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng tìm ra Đà Nẵng để mua vàng.
|
Cẩn trọng
Giá vàng nhảy múa, khiến rất nhiều người đổ xô đầu tư vào vàng. Có tiền đầu tư như chị Kim L. thì dù giá vàng có đảo chiều, cũng có thể lựa chọn thời điểm vàng có lãi để mua hoặc bán để kiếm lời. Nhưng có nhiều người, dù không có tiền cũng vay mượn để đầu tư. Trường hợp của chị N.L.H không hề cá biệt. Là một thủ quỹ của công ty xây dựng, chị thấy giá vàng trong ngày đang đà tăng, mang tiền công ty đi “lướt sóng” trong vòng 1 ngày để kiếm lời, nhưng không ngờ giá vàng ngày hôm sau sụt giảm, trong vòng 1 ngày mất gần chục triệu đồng, chị phải lấy tiền lương tháng để bù vào thay vì nghĩ sẽ kiếm được tiền lời.
Theo các chuyên gia, rất dễ nhận biết người vay mượn để “lướt sóng” vàng, nếu đến các cửa hàng vàng vào những ngày giá vàng sụt giảm. Vào thời điểm giá vàng sụt giảm (khoảng 2-3 ngày giảm cả triệu đồng/lượng), họ sẽ phải bán vàng ra, thay vì mua vào bởi sợ lỗ quá nhiều, giữ lại càng không có tiền trả lãi. Thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm “lướt sóng” vàng, trong khi giá nhảy múa không điểm dừng như hiện nay, đã khiến không ít người dân miền Trung lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
“Vàng cũng như một loại hàng hóa khác, khi cung vượt quá cầu thì tuân theo quy luật thị trường, giá sụt giảm nhanh chóng trở lại. Cần phải nắm vững thông tin thị trường một cách kỹ lưỡng, không chỉ trong nước mà thị trường các nước, mới có thể biết được việc tăng - giảm của giá vàng. Như thế mới trở thành nhà đầu tư thông minh được!”, ông Lý với kinh nghiệm hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, có lời khuyên dành cho những nhà đầu tư muốn phất lên nhanh chóng từ... vàng.
Diệu Hiền
Bình luận (0)