Diên Hương - một người tình đằm thắm

12/04/2007 22:23 GMT+7

Người thứ hai có tiếng trong giới cầm bút ở Sài Gòn trước kia đã yêu thương thắm thiết hoa khôi Trần Ngọc Trà là nhà văn Diên Hương Trần Ngọc Án (1889-1963) - tác giả các cuốn Thành ngữ điển tích và Thi pháp.

Cụ Vương Hồng Sển cho biết ông Diên Hương học trường thuốc Hà Nội, trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên "vào ngạch bác sĩ ngang hàng với (bác sĩ) Pháp". Dầu hành nghề trong ngành y nhưng tâm hồn ông rộng mở sang lĩnh vực thi ca, thích làm thơ và có mối tình nghệ sĩ rất dịu dàng với Trà một thuở...

Hai bên gặp nhau lúc cô Trà bước sang tuổi 18 và còn đang chua xót vì cuộc tình tan vỡ với Toàn. Để Trà vui, ông cho tài xế lái xe riêng của mình chiều chiều đón Trà đánh một vòng qua phố. Và  Trà, với sắc đẹp rạng rỡ "đi giữa hoàng hôn" ấy, ngày này qua ngày khác, đã thu hút hàng trăm, hàng nghìn ánh mắt nhìn theo và không khỏi khơi dậy ngọn lửa khao khát trăng hoa nơi những tay giàu có, trẻ trung hơn. Không thiếu người theo đuổi và lôi cuốn Trà khỏi tầm tay của ông bác sĩ đa tình lớn hơn Trà mười mấy tuổi. Biết vậy song ông vẫn một mực tin yêu đem Trà về ở đường Richaud sát trung tâm đô hội. Lại còn gửi gắm Trà cho "dì Tư Ăng-lê" coi sóc.

Đến chỗ này thì ông có sai lầm vì đã giao cô hoa khôi vào cửa ăn chơi của dì ấy. Nguyên dì Tư là người sành điệu, lão luyện, quen biết rộng rãi trong giới phong lưu ở Sài Gòn và cả những ông hội đồng hiếu sắc, những tay ăn chơi vượt rào từ lục tỉnh lên. Để đón họ, dì đứng ra mở sòng bạc tại nhà mình - chính ở đây Trà đã lây và ngày càng lậm sâu hơn "vào vòng đổ bác". Cũng từ địa chỉ này, công tử Georges Phước và công tử Bạc Liêu tìm tới tán tỉnh Trà. Ngoài lần đi chơi riêng với Georges Phước vào khách sạn Bangalow dưới Cần Thơ như kể ở kỳ trước, có lúc vui vẻ Trà còn đi chung với hai công tử xuống đó một lượt, không phải để "ăn nằm tay ba" mà để kiếm sòng bạc mới đánh chơi cho... lạ. Nào ngờ, khi vào khách sạn xong, thay vì dẫn Trà thăm các sòng "trên bến Ninh Kiều", hai công tử lại thỏa thuận mở canh bạc tay ba tại chỗ. Chia bài xong, cả hai giả vờ thua để tranh nhau chung tiền cho Trà. Hắc công tử chung 1 đồng thì Bạch công tử chung 2 đồng. Bạch công tử chung 5 đồng thì Hắc công tử chung 10 đồng! Mỗi lần như vậy chỉ để mong được thấy Trà cười... Chưa có canh bạc nào lạ đời đến thế! Đánh bạc ai cũng muốn thắng nhưng ở đây hai công tử người nào cũng tranh nhau... thua.

Tan sòng, số tiền Trà ôm về Sài Gòn quá đỗi lớn. Song cô cũng không giữ cho ấm tay, cứ vung ra tiêu xài, cho người này giúp người khác, hoặc mua thứ này, sắm thứ kia, chất đầy đồ đạc mới toanh trong nhà khiến ông Diên Hương cũng ngạc nhiên và... nghi ngờ. Ở đoạn này, khi kể cụ Vương Hồng Sển nghe, cô Ba Trà bộc lộ tình cảm trân trọng và cám ơn đối với ông Diên Hương trước thái độ điềm tĩnh đằm thắm của ông. Thoạt đầu ông hỏi Trà đi đâu cả ba tuần qua không thấy mặt ở nhà dì Tư? Trà làm thinh không trả lời. Ông lại nhắc: "Em đi đâu? Ở đâu?". Trà đáp gọn lỏn: "Không đi đâu hết". Lại hỏi: "Bộ em ngủ ngoài trời hay sao?".

Hỏi đi hỏi lại cô Trà cứ lấp lửng là mình ngủ ở nhà người bồi của dì Tư để trốn chủ nợ đang truy đòi 3.000 đồng do cô đánh bạc thua phải vay. Ông nói: "Em trốn chủ nợ rồi trốn anh nữa sao em? Hay là em có mèo? Em lỡ thương ai cứ nói thiệt cho anh biết đi". Cô đáp "tôi có đi chơi với họ mà không thương ai hết!". Lạ hông? Bấy giờ có tiếng xe dừng ngoài cửa, ông giả đò nói lớn: "Xe của cậu Tư Georges Phước đến!". Nghe thế, Trà bật dậy chạy đến cửa dòm ra. Như thói thường chắc ông Diên Hương phải nổi ghen, hoặc tỏ thái độ lập tức. Nhưng đằng  này ông vẫn ôn tồn bảo Trà ngồi xuống: "Không sao đâu em. Hai ngày nữa anh sẽ đem tiền đến để em trả nợ". Đã không gắt gỏng, lại còn dịu dàng thông cảm với trái tim từng trải những giờ phút cô độc và đau buồn từ thuở thiếu thời, cũng như những cuộc hôn nhân bẽ bàng của Trà khi mới lớn. Ông im lặng ra về, hai ngày sau cho người đem tiền đến đủ 3.000 đồng để Trà trả nợ. Món tiền này theo thời giá lúc bấy giờ ước chừng bốn mươi mấy, năm mươi cây vàng. Ông bỏ qua tất cả, không hậm hực, trách móc gì, cho đến dịp chở Trà ra Vũng Tàu tắm biển. Ngồi trên bờ, nhìn quanh, bỗng Trà bật khóc. Ông hỏi vì sao. Cô đáp vì nhớ nhà. Ông lại hỏi nhà ai? Ở đâu? 

Đoạn đối thoại tiếp đó do cụ Vương ghi lại theo lời kể của cô Ba, là: "Thú thật với anh, tôi nhớ chồng tôi lắm! - Chồng nào nữa? - Dạ thưa, người chồng ở Phan Rang! Tại sao em ra đây với anh, em lại nhớ chồng Phan Rang? - Tại vì ra đây thấy núi thấy biển tôi bỗng nhớ anh Toàn ở xứ Phan Rang. Xứ ấy cũng có biển có núi như vầy". Tới nước này, ông Diên Hương biết đã  đến lúc mình cần phải chia tay với người tình đa cảm này. Ông lặng lẽ rút lui không trách một lời. (Còn nữa) 

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.