Người dân Hà Nội chen nhau mua vàng dù giá đã vọt lên hơn 44 triệu đồng/lượng - Ảnh: Lê Quân |
Tại thị trường vàng Hà Nội, cơn mưa tầm tã buổi sáng không ngăn được dòng người đổ xô, chen chúc nhau đi mua vàng, còn các DN cũng toát mồ hôi khi liên tục thay đổi giá niêm yết. Dù mức giá có lúc lên tới hơn 44 triệu đồng/lượng, nhiều người dân vẫn tỏ ra không hề e ngại. Chị Xuân Lan, nhà ở khu vực Cầu Giấy nói: “Chẳng có gì đầu tư lãi bằng vàng lúc này. Hôm trước mua vàng có 41 triệu đồng/lượng, hôm sau bán ra đã lãi vài triệu”.
Giới đầu cơ đang cố tình làm giá, đẩy giá vàng lên cao, kéo chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước xa hơn |
||
TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư |
||
Tại TP.HCM, thị trường vàng cũng sôi động không kém. Có mặt lúc 9 giờ tại trụ sở SJC trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM, chị Hương, một người dân cho biết, cuối tuần qua chị mua 8 lượng với giá gần 42 triệu đồng/lượng. Sáng hôm qua, thấy giá mua của công ty lên trên 43 triệu đồng/lượng, chị đi bán vàng nhưng cũng đang do dự không biết nên bán tất hay chừa lại vài lượng "biết đâu ngày mai vàng lại tăng giá". Ở bàn bên kia, chị Nga (Q.7, TP.HCM) định mua 1 lượng vàng, cô nhân viên SJC báo giá 44,1 triệu đồng/lượng. Chị Nga vẫn quyết mua 1 lượng cất giữ. Cô nhân viên chưa kịp viết xong giấy biên nhận thì giá đã giảm xuống 44 triệu đồng/lượng... Kẻ bán, người mua vàng trong sáng 8.8 khiến không khí ở lầu 1 của SJC sôi động, náo nhiệt...
Vàng khan hiếm?
Giá USD biến động mạnh Giá vàng SJC liên tục biến động quanh mức 44 triệu đồng/lượng trong ngày 8.8. Khi khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước càng cao thì giá USD biến động mạnh. Giá USD trong và ngoài hệ thống NH tăng nhanh từ 100 - 200 đồng/USD so với giá cuối tuần qua. Giá USD trên thị trường liên NH ngày 8.8 lên 20.680 - 20.720 đồng/USD, đến chiều giá tăng lên 20.800 đồng/USD. Giá bán USD trong hệ thống NH lên 20.810 đồng/USD (gần đụng giá trần). Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng lên 20.800 - 20.850 đồng/USD. T.X |
Theo một lãnh đạo của Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý (Hà Nội), lượng khách hàng mua vào quá đông, công ty cũng không có đủ lượng vàng tức thời để cung ứng. Đây cũng là tình trạng xảy ra ở Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ - TP.HCM), bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc PNJ cho biết sáng 8.8, có 1 lệnh hỏi mua vàng với khối lượng 1.000 lượng, trong khi nguồn hàng công ty mua được không mấy dồi dào. Cầu lớn hơn cung đã đẩy giá vàng trong nước tăng cao. Hôm qua, PNJ đã bán ra 1.350 lượng vàng, còn số vàng mua được trên thị trường chỉ ở mức 450 lượng.
Giải thích về việc tới 9 giờ vẫn chưa niêm yết giá, các công ty vàng này cho biết, niêm yết giá là phải mua phải bán chứ không được găm hàng, khách vào bán phải mua, khách đến mua thì phải bán. Nhưng hôm qua, giá vàng biến động quá nhạy cảm, ngay đến các DN kinh doanh vàng cũng không có khả năng bao quát giá thị trường, nên chưa dám niêm yết giá trước 9 giờ.
Vàng bị làm giá
Thời điểm các công ty nghỉ trưa, giá vàng SJC bị thị trường đẩy lên 44,6 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới tăng lên 1.714 USD/ounce. Giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới từ 1 - 2 triệu đồng/lượng. Lãnh đạo của một DN kinh doanh vàng tại Hà Nội cho rằng, giá vàng trong nước đột ngột tăng cao là do giá vàng thế giới vọt lên gần 1.700 USD/ounce, thế nhưng mức chênh đến 2 triệu đồng/lượng là do giới đầu cơ cố tình làm giá. Vị lãnh đạo này nói và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cho nhập khẩu vàng, vì lượng vàng trong nước không còn nhiều, nhu cầu người dân lớn.
Theo TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, giới đầu cơ đang cố tình làm giá, đẩy giá vàng lên cao, kéo chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước xa hơn. Tất cả chiêu này cộng với trào lưu giá vàng thế giới tăng cao, tâm lý hưng phấn quá đà của ngày hôm qua đã tạo ra phản ứng thái quá cho thị trường vàng trong nước.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng, vàng tăng do cả thế giới đang đổ xô vào vàng, các nhà đầu tư trên thế giới nhìn thấy USD mất giá, Mỹ bị đánh tụt điểm xếp hạng, vấn đề khủng hoảng nợ công. Trong nước, chứng khoán khó khăn, không có lối thoát, bất động sản trầm lắng, lạm phát cao nên người dân săn lùng mua vàng, găm giữ và DN cũng như vậy. Nhiều DN lớn đang cố tình găm giữ hàng với khối lượng lớn để đẩy giá lên cao. Theo ông Kiêm, NHNN và Bộ Công thương phải phối hợp để cùng can thiệp và bình ổn thị trường. “Giá vàng sẽ còn tăng, và sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ thị trường vàng sẽ diễn biến bất ổn, phức tạp ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Kiêm nói.
Sẵn sàng cho nhập vàng để bình ổn thị trường Trước biến động dữ dội của giá vàng, hôm qua 8.8, NHNN đã phát đi thông điệp cảnh báo người dân thận trọng trong giao dịch do đang có hiện tượng đầu cơ, làm giá vàng. NHNN cho biết sẵn sàng cho nhập vàng để bình ổn thị trường, chống đầu cơ bảo vệ quyền lợi của người dân. Theo NHNN, từ đầu tháng 8 đến nay, đặc biệt trong ngày 8.8, giá vàng trong nước tăng đột biến và có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới quy đổi, chủ yếu do diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới. Ngoài ra, lợi dụng tình hình này, giới đầu cơ vàng trong nước cũng tiến hành đầu cơ, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân mặc dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao. NHNN nhấn mạnh, chính sách nhất quán là ổn định giá trị đồng VN. Với mức tỷ giá ổn định trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, người dân đang được hưởng lợi từ việc nắm giữ đồng VN so với nắm giữ USD và vàng. Anh Vũ |
Thanh Xuân - Anh Vũ
Bình luận (0)