Điện lực miền Nam trả lời cử tri về cung ứng và đầu tư ngành điện

27/06/2018 11:15 GMT+7

Các công ty thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cử tri về cung ứng điện và đầu tư các công trình điện tại địa phương.

Theo báo cáo của EVN SPC, qua các buổi tiếp xúc cử tri của 21 công ty thành viên, hầu hết cử tri không có thắc mắc gì lớn đến hoạt động của ngành điện. Chỉ có 29 ý kiến xoay quanh vấn đề đầu tư cấp điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa; phản ánh tình trạng điện áp thấp, thiếu ổn định của các hộ câu phụ (câu đuôi, chia hơi)…
Cử tri quan tâm đưa điện về nông thôn
Tại tỉnh Long An, cử tri đưa ra các kiến nghị như kéo điện khu vực kênh Cần Đước, nâng cấp lưới điện 3 pha khu vực kênh Cây Khô Lớn (H.Mộc Hóa) để phục vụ sản xuất nông nghiệp; kéo lưới điện hạ thế rạch Bắc Chan (TX.Kiến Tường)... Về vấn đề này, ngành điện cho hay vốn đầu tư, nâng cấp lưới điện là rất lớn và đã được đăng ký trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo (Dự án 2081). Tuy nhiên, dự án hiện chưa được triển khai do nguồn vốn từ ngân sách chưa phân bổ. Do vậy, trước mắt, Điện lực Mộc Hóa sẽ phối hợp với địa phương khắc phục các đường dây, khảo sát xác định nhu cầu và đăng ký kế hoạch đầu tư lưới điện thời gian tới. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có thể kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn, nâng cấp lưới điện, trạm bơm để phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Tại tỉnh Kiên Giang, cử tri kiến nghị ngành điện kéo điện đến các vùng lõm thuộc H.Giang Thành như kênh Út, kênh Kiểm Lâm để cấp điện cho hơn 30 hộ dân chưa có điện; ấp Tà Phô, xã Phú Mỹ (60 hộ); ấp Thuận Án, xã Phú Mỹ (150 hộ). Trả lời vấn đề này, ngành điện cho biết sẽ theo dõi thực hiện khi các dự án được triển khai, cấp vốn. Bởi khu vực này thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Kiên Giang (Dự án 2081), đã được Bộ Công thương phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng chưa được bố trí vốn.
Ngành điện mong được sự hỗ trợ của địa phương
Đại diện EVN SPC cũng kiến nghị UBND các tỉnh bố trí quỹ đất theo các công trình điện đã được duyệt trong quy hoạch, nhằm sớm thông qua vị trí và hướng tuyến xây dựng các công trình điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án, kịp thời cấp điện. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư cho lưới điện là rất lớn nên EVN SPC cần sự hỗ trợ từ phía địa phương trong việc huy động nguồn vốn đầu tư lưới điện từ ngân sách tỉnh, vốn ứng trước của địa phương nhằm bổ sung vốn đầu tư còn thiếu giai đoạn 2018 - 2020.
Đối với việc cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh ven biển ĐBSCL, EVN SPC đề nghị các tỉnh có kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho khu vực nuôi tôm. Đưa nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh vào Đề án phát triển ngành tôm quốc gia VN giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở nguồn tổng giá vốn được bố trí của tỉnh thuộc đề án, Chính phủ có cơ chế thực hiện cho phần đầu tư lưới điện. Cụ thể, giao ngành điện tiếp nhận vốn và tổ chức triển khai đầu tư đồng bộ với kế hoạch phát triển ao nuôi tôm công nghiệp hoặc giao cho UBND tỉnh thực hiện chung đề án và sau khi hoàn tất giao cho ngành điện vận hành, sửa chữa để đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2017, EVN SPC đã cấp điện cho 2.513/2.513 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%). Số hộ dân có điện là 7,67 triệu hộ, đạt 99,4%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện 5,11 triệu hộ, đạt 99,18%. Các công ty điện lực thành viên EVN SPC đã phối hợp tốt với các Sở Công thương xây dựng phương án cung cấp điện khi mất cân đối cung cầu; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách phụ tải ưu tiên cung cấp điện làm cơ sở thực hiện giải pháp cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.