Điện than ngày càng đắt đỏ

11/04/2017 10:00 GMT+7

Chiến lược phát triển điện của VN ngược chiều thế giới đang trở nên rõ ràng hơn, bởi giá thành sản xuất điện than ngày càng tăng trong khi giá thành sản xuất điện năng lượng tái tạo ngày càng giảm.

Các dự án điện than hiện nay đều dựa vào nguồn than nhập khẩu, giá than tùy thuộc vào loại sử dụng và nguồn nguyên liệu mua ở đâu. Các nhà máy ở miền Bắc sử dụng nguồn than trong nước có giá bán điện 5,5 - 6,2 cent/kWh (1 cent tương đương 0,01 USD), còn các nhà máy mới ở miền Nam do sử dụng nguồn than nhập khẩu nên giá cao hơn từ 1,5 - 2 cent/kWh.
Đắt gấp 2,5 lần điện gió
Hiện nay VN vẫn nói nhập than từ Úc, Indonesia, Nam Phi... nhưng chưa có một hợp đồng dài hạn nào để nhập khẩu than cho tương lai vì vẫn chưa xác định nguồn nhập khẩu than từ nước nào, sẽ thỏa thuận nhập khẩu với giá bao nhiêu, tất cả đều là ẩn số và chứa đựng nhiều bất trắc
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)
Ủng hộ phát triển nhiệt điện than nhưng PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, cũng thừa nhận chi phí cho điện than ngày càng tăng và sẽ làm tăng giá điện. Cụ thể, theo dự toán cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý môi trường một số nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, phải tốn hàng ngàn tỉ đồng cho mỗi nhà máy, khiến giá điện phải đội thêm từ 58 - 83 đồng/kWh tùy dự án. Đơn cử Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 là 1.347 tỉ đồng, giá điện phải tăng thêm 83 đồng/kWh; Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng cần 1.570 tỉ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý môi trường, giá điện tăng thêm 58 đồng/kWh; tương ứng Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh là 1.740 tỉ, giá điện đội thêm 64 đồng/kWh; Nhà máy nhiệt điện Uông Bí là 1.314 tỉ đồng, đẩy giá điện tăng thêm 76 đồng/kWh.
Ông Tobias Cossen, Trưởng dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại VN thuộc chương trình Hỗ trợ phát triển năng lượng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại VN, cho biết thêm rằng ngoài các chi phí thường tính, nhiệt điện than còn có các chi phí ngoại biên như chi phí để làm sạch môi trường (thuế CO2), chi phí y tế do môi trường ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người... Đây là những chi phí vô hình nhưng rất lớn và thường bị gạt ra ngoài khi tính giá thành sản xuất điện than.
“Theo một nghiên cứu được công bố trong Biên niên sử của Viện Hàn lâm khoa học New York (Mỹ), tổng chi phí ngoại biên dao động từ khoảng 9 - 27 cent/kWh, tính trung bình khoảng 18 cent/kWh. Cộng với giá bán điện than hiện tại của VN là 7 cent thì chi phí của nó lên đến 25 cent. Trong khi đó, con số mà chúng tôi kỳ vọng Chính phủ VN đồng ý mua điện gió với giá chỉ có 10,4 cent. Điều này có nghĩa là nếu tính đúng, tính đủ giá thành điện gió rẻ hơn điện than khoảng 2,5 lần”, ông Cossen nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) phân tích, theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2030, tổng công suất điện than sẽ đạt khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỉ kWh, chiếm hơn một nửa sản lượng điện toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm. Khi đó, VN sẽ phải nhập khoảng 85 triệu tấn than/năm.
“Hiện nay VN vẫn nói nhập than từ Úc, Indonesia, Nam Phi... nhưng chưa có một hợp đồng dài hạn nào để nhập khẩu than cho tương lai vì vẫn chưa xác định nguồn nhập khẩu than từ nước nào, sẽ thỏa thuận nhập khẩu với giá bao nhiêu, tất cả đều là ẩn số và chứa đựng nhiều bất trắc. An ninh năng lượng rõ ràng là rất quan trọng, nhưng liệu chúng ta có bảo đảm được nó khi phải dựa vào nguồn than nhập khẩu? Khi đó giá cả của nó sẽ như thế nào?”, TS Tuấn trăn trở.
Phá hủy môi trường biển
Ngày 22.3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực (EVN) phải trình kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trước 25.3. Tuy nhiên kịch bản này đã không được trình đúng hạn định. Giải thích về việc này, EVN cho là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá than. Theo đó, giá bán than cho điện từ 24.12.2016 sẽ tăng 7%, ngành điện ước tính tổng chi phí đội lên khoảng 4.692 tỉ đồng. Liệu điều này có phải là căn cứ dẫn tới giá điện sẽ tăng trong tương lai
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết: Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước chiếm đến 86% công suất xây dựng điện than toàn cầu giai đoạn 2006 - 2016. Giữa tháng 3.2017, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đóng cửa tổ máy cuối cùng của Nhà máy điện Hoa Năng nhằm đối phó với nạn ô nhiễm không khí trầm trọng tại đây và đô thị này trở thành nơi đầu tiên tại Trung Quốc chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá. Từ tháng 3.2016, Trung Quốc đã dừng phê duyệt nhà máy nhiệt điện mới tại 13 tỉnh và dừng khởi công tại 15 tỉnh. Bên cạnh đó, nước này ban hành hàng loạt chính sách đóng cửa nhà máy cũ, hủy các dự án mới, hủy quy hoạch nhiệt điện... Tổng cộng trong thời gian qua, Trung Quốc đã dừng 300.000 MW ở tất cả các giai đoạn, giảm 85% cấp phép cho các nhà máy mới. Ấn Độ cũng đề ra các chính sách cắt giảm nhiệt điện than; nhiều nhà máy nhiệt điện than phải tạm ngưng xây dựng do các tổ chức tài chính hạn chế đầu tư, tổng công suất tạm ngừng lên đến 13.000 MW.
Lý do Trung Quốc cắt giảm năng lượng hóa thạch đến 1/3 so với kế hoạch trước đó, theo bà Khanh, vì nước này đã phóng đại về nhu cầu điện của họ và giá thành sản xuất năng lượng tái tạo đã đạt mức cạnh tranh so với năng lượng hóa thạch. Hiện tại chính Trung Quốc mới là nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. “Đó là bức tranh tổng thể về năng lượng của Trung Quốc và cả Ấn Độ. Liệu chúng ta sẽ học và muốn học gì từ họ? Ở VN, nhu cầu điện là có thật nhưng liệu điện than có phải là ưu tiên lựa chọn?”, bà Khanh đặt câu hỏi. Bổ sung cho ý kiến này, TS Tuấn nhấn mạnh: Ở VN người ta cứ nói năng lượng tái tạo đắt đỏ... nếu thật sự như vậy tại sao nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn muốn đổ tiền vào đó?
Ngoài câu chuyện ô nhiễm đất, nước, không khí..., các chuyên gia lo ngại nhiệt điện than dọc bờ biển sẽ phá hủy môi trường biển. Điều này trước nay ít người đề cập đến, tuy nhiên đó là hiểm họa thật sự. Bởi môi trường biển bị hủy hoại sẽ không có cách nào phục hồi. Dẫn Maldives đã từng sai lầm trong vấn đề môi trường và sau đó họ phải tiêu tốn 10 triệu USD cho mỗi ki lô mét bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy, TS Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), khuyến cáo cần tính đủ cái giá mà chúng ta phải trả khi tác động đến môi trường. Chúng ta phải có cân nhắc kỹ cho sự phát triển bền vững.
Nhận định nhiệt điện than là câu chuyện “đã rồi”, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, thuộc Khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng vấn đề hiện nay là làm sao để giảm thiểu tác hại, ô nhiễm đến mức thấp nhất. Muốn vậy, có 2 vấn đề phải thay đổi. Thứ nhất là mức độ tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp. Cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay không hiệu quả. Thay vào đó, phải là cam kết kiểu “nếu anh vi phạm quy định môi trường, anh phải chịu bị xử lý như thế nào”. Thứ hai, từ những bài học vừa rồi, chúng ta thay đổi thế nào để bảo đảm rằng việc tuân thủ của doanh nghiệp được bảo đảm hơn, có gì mới để bảo đảm hay chỉ là tinh thần “chúng tôi sẽ quyết tâm" mà không biết dựa trên cái gì. “Tác động tích lũy phải được tính đến. Phải có quy định về tổng lượng thải. Hiện nay chúng ta hở cả kỹ thuật và chính sách”, TS Hồi kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.