Điều gì sẽ xảy ra ở Thái Lan?

03/12/2008 17:33 GMT+7

(TNO) Bất ổn, bạo động và không lường trước được! Theo Reuters, hôm nay 3.12, tất cả những người biểu tình thuộc Liên minh dân chủ Nhân dân (PAD) đã rời khỏi hai sân bay ở Bangkok (Thái Lan) sau 8 ngày chiếm đóng, mở đường cho việc mở cửa lại các sân bay, nơi đã trở thành “trại tị nạn” với hàng chục ngàn hành khách trong những ngày qua.

 
 Một người biểu tình của PAD vác chiếu rời khỏi sân bay Suvarnabhumi hôm 3.12 - Ảnh Reuters

Những người biểu tình hoan hỉ ra mặt vì yêu cầu của họ đã được đáp ứng: chính phủ bị giải thể, thủ tướng phải từ chức. Trước đó, PAD cũng đã rời khỏi dinh Thủ tướng sau mấy tháng trời làm chủ ở đây. Chính trường Thái Lan đã có lối thoát? Câu trả lời là không thể! Hai từ “nội chiến” thậm chí còn được nhắc đến rất nhiều sau những gì đã xảy ra ở vương quốc đầy bất ổn chính trị này.

PAD - thùng thuốc nổ khổng lồ

 
 Cuộc đối đầu giữa PAD và cảnh sát - Ảnh: Reuters

PAD là ai?

Là một tổ chức lỏng lẻo chỉ mới được thành lập để chống lại ông Thaksin. PAD bao gồm những doanh nhân giàu có, những người thuộc tầng lớp trung lưu ở thành thị và sau này lôi kéo được sự tham gia của nhiều nhân viên làm việc trong các cơ quan nhà nước. PAD cho rằng thành phần dân chúng ở nông thôn (vốn chiếm đa phần tại Thái Lan và là lực lượng ủng hộ Thaksin mạnh mẽ) học hành thấp kém và dễ bị mua chuộc nên không thể sáng suốt khi đi bầu. PAD muốn xóa bỏ cơ chế bầu cử “mỗi người một lá phiếu” hiện nay, thay vào đó là cơ chế hầu hết các dân biểu được bầu chọn dựa trên nghề nghiệp của họ và do các tổ chức xã hội bầu ra. Tuy nhiên, PAD không đưa ra được một cơ chế hoạt động rõ ràng của hệ thống này và cũng không giải thích được tại sao cơ chế của họ lại khó bị mua chuộc hơn hệ thống “mỗi người một lá phiếu”.

Quang cảnh tại hai sân bay ở Bangkok trông chẳng khác nào một lễ hội rất lớn hay một buổi lễ kỷ niệm quan trọng nào đó. Người của PAD reo hò, nhảy múa, ca hát suốt đêm qua trước khi đồng loạt thu dọn chiếu gối, hành trang đi về nhà. Nhiều người không giấu giếm cảm giác luyến tiếc khi phải rời khỏi nơi đây, ráng nấn ná lại xin chữ ký, chụp ảnh với các lãnh đạo biểu tình, quyến luyến chia tay nhau!

“Tạm biệt, chúng tôi sẽ lại có mặt khi đất nước cần”, một người biểu tình hô to khi tay nải tay xách leo lên xe rời khỏi sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

PAD rất có lý do để mà ăn mừng: chỉ là một tổ chức rất lỏng lẻo và chẳng có đường lối chính trị gì rõ ràng, thông qua những hành động vi phạm luật pháp như chiếm cứ dinh Thủ tướng và phong tỏa sân bay, họ đã làm cho hai thủ tướng mà họ chống mất chức qua con đường rất hợp hiến: bị tòa án sa thải!

Các lãnh đạo của PAD nay tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc biểu tình gây áp lực hàng ngày mà họ đã duy trì suốt mấy tháng qua sau “chiến thắng vang dội” kể trên. Nhưng điều đó không có nghĩa là bình yên đã trở lại trên đất nước du lịch nổi tiếng này: “PAD sẽ trở lại nếu một chính phủ bù nhìn (của ông Thaksin) khác lại được thành lập hoặc có bất kỳ ai tìm cách sửa đổi hiến pháp hoặc luật lệ để tẩy xóa tội lỗi của một số chính khách nào đó hoặc tìm cách chống lại quyền lực hoàng gia”. Hãng tin AP dẫn lời Sondhi Limthongkul, một lãnh đạo của PAD phát biểu như trên.

Chống PAD - thêm một thùng thuốc nổ khác

Đối lập lại với PAD là lực lượng ủng hộ chính phủ, trong đó bao gồm tầng lớp nông thôn đông đảo như đã nêu trên. Người dân nông thôn ngưỡng mộ Thaksin vì hàng loạt chính sách phúc lợi xã hội có lợi cho nông dân mà ông đã áp dụng trong thời gian cầm quyền từ 2001 đến 2006.

Những diễn biến chính trị quan trọng:

- Tháng 9.2006: Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị quân đội đảo chính lật đổ
- Tháng 2.2008: Ông Samak Sundaravej tuyên thệ nhậm chức thủ tướng
- Tháng 8.2008:  PAD chiếm lĩnh tòa nhà chính phủ, đòi chính phủ phải từ chức
- Tháng 9.2008: Ông Samak bị phế truất. Somchai Wongsawat, em rể của cựu Thủ tướng Thaksin lên nắm quyền.
- Tháng 10.2008: Thaksin bị tuyên án 2 năm tù giam vì tội tham nhũng. Ông không có mặt tại tòa và hiện vẫn đang tị nạn ở Anh.
- Ngày 26.11.2008: PAD chiếm lĩnh sân bay lớn nhất Bangkok.
- Ngày 2.12.2008: Tòa án ra phán quyết giải tán đảng cầm quyền, Thủ tướng Somchai bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm.
- Ngày 3.12.2008: PAD rời khỏi 2 sân bay ở Bangkok.
Đó cũng  chính là lý do PAD ghét Thaksin. Sự ủng hộ sâu rộng của dân nghèo với Thaksin khiến tầng lớp giàu có hơn cảm thấy mình bị đe dọa. PAD cho rằng căn cứ quyền lực của Thaksin quá lớn và PAD cáo buộc Thaksin là tham nhũng, chuyên quyền.

Dù sự biểu dương lực lượng của phe ủng hộ chính phủ không được rầm rộ và không bền bỉ như PAD nhưng những gì xảy ra trong thời gian qua cho thấy phe chống PAD cũng không kém phần “hăng”, kể cả chuyện gây bạo động. Cũng cần phải nhắc lại rằng đã có ít nhất 6 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vì biểu tình trong thời gian vừa qua.

Theo AFP, sáng nay (3.12), lãnh đạo 3 đảng bị tòa án hiến pháp cấm trong phán quyết ngày hôm qua đã nhóm họp và quyết định chọn Phó Thủ tướng Chaowarat Chandeerakul làm thủ tướng lâm thời thay cho ông Somchai.

Ông Chaowarat sau đó tuyên bố đã bàn bạc với Chủ tịch Quốc hội Chai Chidchob, quyết định nhóm họp Quốc hội vào ngày 8 và 9.12 tới để bầu chọn thủ tướng chính thức.

Và ngòi nổ

“Người dân sẽ không ngồi im đó mà nhìn thêm một chính phủ dân cử khác bị lật đổ. Quyết định của tòa án là sai lầm và chúng tôi nghi ngờ điều đó”, AP dẫn phát biểu của một kỹ sư điện tại Chiang Mai.

 

 Hối hả cân hành lý tại Sân bay quốc tế Suvarnabhumi - Ảnh: Reuters

Chaturon Chaisaeing, một cựu thành viên nội các trong chính quyền Thaksin thậm chí còn nói tới hai từ “nội chiến” nếu một chính quyền được lập ra mà không thông qua bầu cử của người dân, điều mà PAD muốn áp dụng.

“Tai sao chúng ta lại bỏ qua cho PAD, lực lượng đã tiến hành một cuộc tấn công khủng bố tại tòa nhà chính phủ và hệ thống dân chủ của chúng ta? Chẳng lẽ tất cả dân Thái lại phải cúi đầu tuân theo mệnh lệnh và đòi hỏi của PAD?”.

Cuộc chiếm cứ sân bay của PAD đã khiến cho hình ảnh của Thái Lan bị xấu đi rất nhiều, nhất là trong lòng 300.000 hành khách bị mắc kẹt trong một tuần qua. Thiệt hại kinh tế ở đất nước sống nhờ du lịch này, dù chưa được thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn là rất lớn. Bộ trưởng Tài chính đã hạ thấp tỉ lệ tăng trưởng GDP của Thái Lan từ 4,5% xuống còn 2% và Hội đồng du lịch quốc gia cho rằng có đến 1 triệu người sẽ mất việc nếu như dự đoán lượng du khách quốc tế đến Thái Lan giảm đi phân nửa trong năm tới trở thành hiện thực. Mặc kệ! PAD vẫn cảm thấy mình đã chiến thắng và ăn mừng ầm ĩ!

Quay lại phán quyết hôm qua của Tòa án hiến pháp Thái Lan, ông Somchai cùng 59 lãnh đạo khác của 3 đảng trong liên minh cầm quyền (trong đó 24 người là dân biểu) bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm.

Viễn cảnh sắp tới sẽ là những dân biểu khác trong liên minh cầm quyền tái nhóm lại, thành lập ra một đảng mới (thực chất chỉ là cái tên mới nhưng vẫn là con người cũ, chỉ là thiếu vắng đi một số gương mặt mà thôi) và thành lập chính phủ. Đã có các thông tin râm ran là đảng này đã được thành lập với cái tên Puea Thai (Vì Thái Lan). Kịch bản bình cũ rượu mới được áp dụng hoàn hảo trong trường hợp này.

Còn nếu các đảng này không lập được chính phủ (điều này hiếm khi xảy ra) và một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra, lực lượng người dân nông thôn chiếm đa phần ở Thái Lan sẽ vui mừng mà đi bỏ phiếu cho Thaksin (nếu ông này tìm cách quay lại được chính trường) hay bất kỳ ứng viên nào mà ông ủng hộ.

Trong cả hai kịch bản trên, PAD sẽ lại nổi giận, sẽ lại tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ và bạo động sẽ lại diễn ra.

Còn một yếu tố khác cũng phải nhắc đến: quân đội - lực lượng từng gây ra cuộc đảo chính lật đổ Thaksin hồi năm 2006 và có một tiếng nói cực kỳ quan trọng ở vương quốc này. Đó cũng là một “thùng thuốc nổ” có thể bị châm ngòi bất kỳ lúc nào.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.