Diều lên cao, người phấp phỏng

04/04/2009 11:09 GMT+7

Thả diều ở nội thành có thể gây nổ trạm điện, phóng điện, làm gián đoạn cung cấp điện, dễ bị tai nạn giao thông, khiến các chuyến bay gặp sự cố...

Những ngày này, nhân viên bộ phận không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM phải căng mắt quan sát xem có cánh diều nào “lạc lối” vào đường bay hay không. Cuối tuần trước, một phi công đã cấp báo về đài không lưu có một con diều lơ lửng sát trục hạ cánh, uy hiếp chiếc máy bay chuẩn bị đáp.      

Ở những đô thị lớn như TPHCM, thú chơi diều mang lại ít nhiều cảm giác thư giãn cho người thả, song lại là nỗi ám ảnh của nhiều người khác.

Diều thả loạn

“Ba ơi, chiều nay đi làm về chở con đi thả diều nghe!”. Mới sáng, chưa kịp mang cặp đi học, cậu bé gần chỗ tôi ở (quận Gò Vấp – TPHCM) đã dặn dò ba mình như vậy. Thả diều từ lâu đã trở thành phong trào. Diều bán tràn ngập các cửa hàng dụng cụ thể dục thể thao. Diều chất đầy trên xe đạp, xe máy đi bán rong khắp các tuyến đường TP. Cứ đến chiều, nếu không mưa và có ít gió, trên bầu trời nhiều quận, huyện lại đầy bóng diều.

Trước đây, diều chỉ thấy thả ở khu Đồng Diều, quận 8 hay lác đác ở Hóc Môn, Thủ Đức. Nhưng hiện ở nội thành, chỉ cần một chỗ đất trống, ít dây điện, vắng xe cộ là diều đã bay rợp trời. Sát Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều nào cũng có hàng chục con diều đủ màu sắc bay phất phới. Ngay ở quận Gò Vấp, tại một khu đất trống nằm gần đường Nguyễn Văn Lượng, cách sân bay Tân Sơn Nhất không xa, diều cũng được thả  loạn.

 
Diều mắc trên dây điện ở khu Thủ Thiêm - TPHCM - Ảnh: N.Phú

Song, lượng diều ở những nơi vừa kể chẳng ăn thua gì so với khu vực cầu Thủ Thiêm, quận 2, hay gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ở khu vực cầu Thủ Thiêm, gần như chiều nào cũng có hàng trăm cánh diều lơ lửng. Vào 17 giờ ngày 2-4, khi cơn mưa trái mùa vừa dứt, rất đông người lớn và trẻ em đã ùn ùn kéo đến đây tung diều lên trời. Đoạn đường thả diều nhiều nhất ở gần cầu Thủ Thiêm cũng  là nơi có nhiều tốp đua xe máy phóng bạt mạng. Trong khi đó, người thả diều vừa chạy vừa ngóng mắt lên trời nên rất dễ gặp nạn.

Tình trạng thả diều bất chấp xe cộ ở khu vực nội thành TPHCM hiện rất dễ gây tai nạn giao thông cho người đi đường và cả người thả. Tại cầu Thủ Thiêm, đã có vài vụ người đi xe máy vướng dây diều té, nhưng  tốc độ lưu thông không cao nên chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc. Trước đó, Báo NLĐ từng phản ánh về trường hợp anh Đặng Trúc Giang, ngụ ở phường 3, quận 8, mang một vết thương ngang cổ do dây cước thả diều cứa khi đang chạy xe máy từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM.

Cản máy bay, vướng dây điện

Trên Tỉnh lộ 43, quận Thủ Đức - TPHCM vài ngày nay có một con diều cuốn vào dây điện nằm chết dính ở đó. Bên những trụ điện quanh khu vực cầu Thủ Thiêm, số diều “chết” lên đến hàng chục con. Có trụ điện cả 2-3 con diều cùng bám vào.

Ông Trần Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương TPHCM, cho biết trước giờ diều và một số đồ vật khác đã gây ra không ít sự cố chập mạch, hư hỏng lưới điện, mất điện, thậm chí làm chết người. Chỉ riêng năm 2008, TPHCM đã xảy ra  2 sự cố từ diều làm thiệt hại mạng lưới điện tại đường dây 110 KV Hóc Môn - Bà Quẹo và đường dây 110 KV Phú Lâm - Phú Định 1. Về việc thả diều tràn lan ở khu vực nội thành như hiện nay, ông Hòa cảnh báo: “Ở nội thành có nhiều loại đường dây điện cao - trung - hạ thế và cả đường dây thông tin, truyền thông. Do đó, thả diều có thể gây nổ trạm điện, phóng điện và làm gián đoạn cung cấp điện. Chưa kể diều vướng dây điện gây mất mỹ quan, tốn chi phí tháo gỡ”.

Theo Đài Kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, diều thả lên cao rất dễ quấn vào động cơ máy bay, gây cháy nổ. Cả hai hướng cất cánh và hạ cánh của máy bay qua các quận, huyện của TPHCM nếu đụng diều đều có thể gặp nạn. Cụm Cảng hàng không Miền Nam đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề cập tình trạng cấp bách trên. UBND TP cũng đã ra lệnh cấm thả diều ở vùng lân cận sân bay.

Phạt 100.000 đồng – 300.000 đồng

Thả diều, bóng bay, chơi máy bay điều khiển từ xa và các vật bay khác trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện... sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 300.000 đồng theo Nghị định 74/2003/NĐ-CP ngày 26-6-2003 của Chính phủ.

Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương cho biết ở TPHCM, khu vực nguy hiểm nhất mà diều có thể gây ra cho mạng lưới điện là khu vực nội thành, sân bay Tân Sơn Nhất và các khu vực có lưới điện cao thế như ở các quận, huyện: 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Nhà Bè...

Theo Trúc Ly/ NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.