Điều tra mở rộng "chuyên án hành phi"

27/11/2009 02:08 GMT+7

C36 - Bộ Công an đã quyết định mở rộng “Chuyên án hành phi” để lần theo đường đi của loại dầu đen phế thải. Nghe đọc bài

Các chủ cơ sở dầu đen được triệu tập bước đầu đã thừa nhận một thực tế đáng lo ngại: Không chỉ có cơ sở phi hành, hàng chục tấn dầu đen phế thải còn được giao cho các công ty và các cơ sở chế biến thực phẩm khác ở TP và các tỉnh lân cận”.

Biết hàng phế thải nhưng vẫn bán

Trong kỳ 4 của loạt bài Bí mật “hành phi” có đề cập đến việc Công ty cổ phần Kinh Đô (Bình Dương) bán dầu phế thải cho cơ sở bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn - nơi phát hiện một kho dầu đen phế thải. Đại diện Công ty Kinh Đô đã cung cấp thêm các tài liệu liên quan. Cụ thể, trong bản cam kết mua hàng là dầu cặn phế liệu, bà Hoa cam kết với Công ty Kinh Đô, được thể hiện trong điều 3 như sau: “... không sử dụng hàng phế liệu này để làm nguyên vật liệu chế biến thực phẩm hoặc bán lại dùng để chế biến thực phẩm cho con người...”. Như vậy rõ ràng bà Hoa đã ý thức được việc mình làm, nơi bán đã cảnh báo... thế nhưng vì lợi nhuận cơ sở này hằng ngày vẫn bán hàng tấn dầu đen phế liệu cho cơ sở hành phi và làm sa tế ở TP để kiếm lời. Tài liệu điều tra của PV Thanh Niên cho thấy, cơ sở này không những bỏ mối dầu đen để chế biến hành phi, sa tế mà còn có mối giao hàng tấn dầu đen đi các tỉnh bằng xe ô tô.

Hôm qua, 26.11, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thanh tra Sở cũng đã gửi công văn đề nghị UBND 24 quận huyện cho rà soát lại tất cả những cơ sở sản xuất hành phi trên địa bàn, để có kế hoạch tiến hành khảo sát, kiểm tra nhằm chấn chỉnh để việc sản xuất đảm bảo VSATTP.

Thanh Tùng

Sáng qua, ông Trần Thanh Nghị cũng đã đến làm việc với cán bộ C36 và cung cấp hàng chục cuốn sổ giao hàng. Kiểm tra sổ chúng tôi thấy có hàng chục đơn vị, gồm các công ty, nhà hàng, quán ăn, cơ sở chiên xào thực phẩm, làm nước tương, làm tương ớt... ở TP.HCM là khách hàng thường xuyên mua dầu phế thải của ông Nghị.

Vi phạm môi trường nghiêm trọng

Khi Cục C36 vào cuộc, kiểm tra một số công ty bán dầu phế thải, đoàn kiểm tra đi đến đâu cũng thấy các đơn vị này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại Công ty TNHH TM&SX thực phẩm Ánh Trăng ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ phía cuối nhà máy sấy. Xung quanh các rãnh nước, dầu lẫn bùn hôi thối khủng khiếp. Không những thế nước thải của công ty xả thẳng ra ngoài. Theo lời ông Nguyễn Cảnh Vũ (giám đốc) số dầu dùng để sấy trái cây khi đã qua sử dụng 10 lần, được công ty tận dụng đóng lại vào can tiếp tục bán cho người có nhu cầu (mỗi tháng từ 2 đến 3 tấn) với giá 4 - 6 ngàn đồng/kg. Cán bộ C36 đã lấy mẫu dầu, nước thải về để giám định.

Còn tại Công ty Đại Gia Thành (ấp Bình Đức, Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương) thì vi phạm còn nghiêm trọng hơn: không có giấy phép sử dụng nước ngầm; chưa có sổ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại; dầu phế thải đem bán cho cá nhân; nước thải xả thẳng ra môi trường. Khu vực hố ga chứa dầu để bán thối khủng khiếp. Các can chứa dầu bám đầy đất và được để lộn xộn. Đáng chú ý, trong lúc đoàn kiểm tra đang làm việc, công nhân đã xả hết dầu đọng trong hố ga trực tiếp ra môi trường nhằm phi tang.

Tương tự ở Công ty Lusun, tại thời điểm đoàn kiểm tra, công nhân trực tiếp sản xuất không đeo khẩu trang, găng tay. Khu vực rửa chảo, rau củ quả  gần với khu vực xử lý nước thải, để rác thải. Không những thế, đi đến đâu các cán bộ cũng không thể chịu nổi mùi hôi, thối từ các rãnh nước chảy trong khu sản xuất; đường vào khu sản xuất để toàn rác thải, nền nhà thì nhơm nhớp dầu.

Chuyên án “hành phi” hiện đang được C36 điều tra mở rộng. Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.