Đình làng kỳ bí - Kỳ 3: Lễ hội đặc biệt của nhà nông

03/04/2013 00:25 GMT+7

Đình Phong Lệ (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) độc đáo hiếm có, khi nơi đây vừa thờ tiền hiền vừa thờ Thần Nông - một vị thần phù trợ cho ngành nông nghiệp.

>> Đình làng kỳ bí - Kỳ 2: Những người khai mở Đà Nẵng

Lễ hội của trẻ chăn trâu

Đình Phong Lệ còn có tên gọi khác là đình Thần Nông hay đình Mục đồng, vì nơi đây người dân trong làng tổ chức một lễ hội quy mô, hoành tráng dành riêng cho trẻ chăn trâu. Theo những bậc cao niên trong làng, cứ 3 năm một lần, người dân gom góp của cải, huy động mọi tiềm lực để tổ chức lễ hội kéo dài suốt 3 ngày đêm. Sau nhiều thập niên bị gián đoạn, năm 2007 người dân Phong Lệ tái tổ chức lễ hội. Ba năm sau (năm 2010), Bộ VH-TT-DL hỗ trợ phục dựng lễ hội Mục đồng theo đúng bản chất lễ hội mà người dân làng Phong Lệ còn lưu giữ kể từ lần cuối tổ chức vào năm 1936.

Trẻ em vui đùa trong các trò chơi dân gian tại lễ hội
Trẻ em vui đùa trong các trò chơi dân gian tại lễ hội - Ảnh: L.V.T 

Trong đình có hai câu đối thể hiện niềm tin của những người dân đầu tiên đến khai hoang, mở đất, cày bừa, trồng trọt trên vùng đất mới: Thần linh bảo hộ nhân dân thịnh/Thánh hiển phò trì bá tánh hưng (dịch nghĩa: Thần linh che chở nên nhân dân thịnh đạt/Thánh hiển phù hộ độ trì nên trăm họ hưng phát). Chính vì lý do này, lễ hội Mục đồng ở Phong Lệ được người dân coi trọng với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trước khi diễn ra lễ hội, con cháu các chư phái tộc trong làng tập trung, bàn thảo, chọn lựa tìm ra hàng chục mục đồng khôi ngô, tuấn tú và bầu người xướng lễ (trùm Mục), chỉ huy cuộc rước Thần Nông (trùm Chỉ) và người phụ tá cho trùm Mục.

Theo Trung tâm quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, vào ngày lễ chính (10.4 âm lịch), các mục đồng tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề tập trung tại sân đình từ chiều hôm trước (9.4 âm lịch) để chuẩn bị đến rạng sáng hôm sau khởi hành đến cồn Thần nằm phía đông làng - nơi có một tảng đá trắng được người đời truyền tụng là nơi 3 năm một lần vị Thần Nông xa giá từ trời xuống để phù trợ cho người dân trong làng gieo trồng, sản xuất và sau đó rước thần về đình làng cúng tế. Khi đến cồn Thần làm lễ rước xong, vị trùm Mục dõng dạc xướng: “Chúng Mục đồng Phong Lệ ta xin cho tốt lúa, tốt gieo, vũ thuận phong điều, đồng reo một tiếng”. Lúc này đoàn mục đồng phía sau đồng thanh đáp lại: “giá hạ! giá hạ!” (có nghĩa là gieo giống xuống ruộng đồng). Tiếng hô kéo dài, đoàn mục đồng người này nối tiếp người kia cầm cờ nối đuôi nhau chạy theo vị trùm Mục, quanh cồn Thần. Khi đám mục đồng đã mướt mồ hôi, trùm Mục ra hiệu lệnh đưa đám rước về đình. Trên quãng đường từ cồn Thần về đình làng vang vọng tiếng hò reo “giá hạ, giá hạ, giá hạ” của đoàn rước kiệu.

Theo tập tục truyền từ xưa, các mâm lễ cúng Thần Nông chỉ có xôi và gà luộc. Bởi người dân nơi đây cho rằng, Thần Nông đã ứng mộng không cho phép người dân trong làng cúng trâu hay bò bởi đây là những con vật có thể giúp dân làm giúp sức kéo cày, bừa phục vụ nông nghiệp. Nét đặc trưng của lễ hội Mục đồng là “đám trẻ chăn trâu” không phải phục dịch, bưng bê kê dọn mà thảnh thơi ngồi chờ nghi thức cúng tế kết thúc để... thưởng thức trước các mâm cúng. Và đây cũng là dịp duy nhất, đám trẻ chăn trâu được quyền ăn, quyền nói, thậm chí những vị chức sắc “tai to, mặt lớn” trong làng, trong huyện cũng phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh của đám mục đồng.

Ngôi đình kỳ lạ

Làng Phong Lệ xưa rất rộng lớn, theo truyền khẩu vùng đất này được đặt tên là “Đà Ly xứ”, cho đến nay nhiều tộc họ trong làng cũng không rõ những người đầu tiên đến khai canh, khai cư từ thời gian nào. Theo đó, làng được khai cơ do các vị Nhâm quý công, Lao quý công và Mười quý công. Sau đó, có các tộc họ khác như Ngô, Lê, Trần, Phùng, Võ, Nguyễn, Phan, Bùi, Ông... Theo sử sách, vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), tên Đà Ly được đổi thành Phong Lệ. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), làng Phong Lệ được tách làm 2 làng: Phong Lệ Bắc (ở phía bắc sông Yên, thuộc tổng Bình Thái, H.Hòa Vang) và Phong Lệ Nam (hay Phong Nam ở phía nam sông Yên, thuộc tổng Thanh An, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng). Theo các bậc cao niên, ban đầu đình được dựng ở đầu làng (khoảng cuối đời vua Tự Đức 1848 - 1883) theo hướng tây nam, sau đó đình phải di dời nhiều lần nữa, trong đó có cả việc Pháp làm tuyến đường sắt ngang qua trước mặt đình.

Đình Phong Lệ hiện tọa lạc trên gò đất cao ráo, được xây dựng vào thập niên 30 của thế kỷ 20, xung quanh là những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ thuộc diện cho năng suất cao nhất nhì Đà Nẵng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc đình làng được xây dựng tại một nơi lý tưởng như vậy vừa thể hiện tấm lòng thành của người dân với các bậc tiền nhân, vừa phù hợp với nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhà nông đối với vị thần bảo trợ cho nông nghiệp. Chính vì vậy, trong đình vừa thờ tiền hiền, hậu hiền, vừa thờ Thần Nông lẫn mục đồng.

Từ xa xưa, theo truyền thống, con em trong làng thi cử đỗ đạt hoặc được thăng chức tước, trước tiên đều phải về đình Thần Nông để làm lễ trọng, vinh quy bái tổ. Tại đình cũng còn lưu lại một số câu liễn sơn son thếp vàng do các danh nhân khen tặng khi đến đình như Phan Bội Châu, Cao Bá Quát. Riêng GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khi đến đình Phong Lệ tham quan, tìm hiểu đã khẳng định: “Đây là ngôi đình kỳ lạ, có một không hai tại Việt Nam”.

Tương truyền, một ngày nọ, có người xua đàn vịt lên một cồn cỏ ở gần làng Phong Lệ. Lập tức những đôi chân của vịt bị dính chặt vào cồn, y như có ai đó giữ chân chúng lại. Cho là có thần linh giáng trần, bà con chẳng ai dám bén mảng và đặt tên là cồn Thần. Một ngày kia, thấy cỏ trên cồn tươi tốt, đàn trâu ung dung gặm, đám trẻ chăn trâu hốt hoảng lao vào xua đuổi, và lạ thay chẳng đứa nào bị hề hấn gì. Người ta cho rằng, cồn Thần chỉ dành riêng cho trẻ chăn trâu và lễ hội Mục đồng cũng từ đó được tổ chức.

Nguyễn Hữu

>> Đình làng 500 năm tuổi khai hội
>> Lễ hội truyền thống đình làng Túy Loan
>> Đình làng kỳ bí: Ngôi đình lớn nhất Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.