Đình làng kỳ bí - Kỳ 4: Làng khuyến học

04/04/2013 00:55 GMT+7

Nằm ven sông Cổ Cò thơ mộng, làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung (H.Điện Bàn, Quảng Nam) được mệnh danh là làng khuyến học khi có cả ngàn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân...

>> Đình làng kỳ bí - Kỳ 3: Lễ hội đặc biệt của nhà nông
>> Đình làng kỳ bí - Kỳ 2: Những người khai mở Đà Nẵng
>> Đình làng kỳ bí: Ngôi đình lớn nhất Quảng Nam

Ăn chay xây đình

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn, nguyên giảng viên Khoa Sử (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), cho biết đối chiếu các nguồn sử liệu với gia phả các tộc họ của làng thì Thanh Quýt ra đời sau năm Hồng Đức thứ hai (1471) khi Quảng Nam trở thành đạo thứ 13 của nước Đại Việt.

Theo Ô Châu Cận lục của Dương Văn An và các sử liệu của Lê Quý Đôn, làng Thanh Quýt (tên gọi khác là Thanh Quất, Kim Quất) được thành lập cùng thời với 66 làng khác ở Điện Bàn từ thế kỷ 15. Thanh Quýt là một trong các đơn vị hành chính lớn của huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, được hình thành từ 4 xóm với cách đặt tên rất ư thuần Việt: xóm Trên, xóm Dưới, xóm Rừng và xóm nằm giữa 3 xóm kia được đặt tên là xóm Chay. Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn, sau khi lập công trạng trong chiến trận ở thành Vijaya (Đồ Bàn), một vị tướng tài của vua Lê Thánh Tông được phép ở lại phương nam chiêu mộ dân binh khai khẩn vùng đất mới, lập làng xã. Cuối thế kỷ 15, khi dân cư đã sống thành các xóm của làng, đặt xã hiệu trình báo với triều đình xong, vị tướng từng xông pha trận mạc ngày trước, triệu tập các vị bô lão bàn chuyện xây dựng đình: ngôi - nhà - chung, trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng.

 Đình làng kỳ bí - Kỳ 4: Làng khuyến học
Đình làng Thanh Quýt - Ảnh: H.T

Ban đầu các tộc họ đã dựng lên ngôi đình bằng tranh tre ba gian hai chái tại xóm Chay. Đến cuối thế kỷ 18, do chiến tranh, đình làng bị cháy, việc thờ cúng các bậc tiền hiền được chuyển về nhà thờ mỗi tộc họ. Đến năm 1928, ngôi đình lại được phục dựng ngay tại vị trí cũ bằng vôi gạch. Theo tài liệu còn lưu giữ, năm 1831, vua Minh Mạng phân chia lại công điền công sản, thì đình làng Thanh Quýt được quy định rộng 1 ha. Tương truyền, khi tiến hành xây dựng đình làng, các vị trưởng nam, chức sắc của 7 tộc họ ngụ cư tại đây và các vị bô lão trong làng ăn chay nằm đất suốt 7 ngày đêm để dựng đình. Cũng theo các bậc cao niên trong làng, ngày xây đình, các vị bô lão của 7  tộc họ quyết định mỗi tộc tìm một cây chim chim trồng trong sân đình để nhắc nhở con cháu không quên tri ân tổ tiên đã chọn nơi đây làm “đất lành chim đậu” cho hậu thế sinh sôi, phát triển.  

Làng khuyến học, khuyến tài

Sau khi đình làng được phục dựng khang trang, đẹp đẽ vào năm 2007 đến nay, đều đặn mỗi năm vào mùng 4 Tết Nguyên đán, tại đình làng đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho những học sinh, tân sinh viên xuất sắc đỗ vào các trường đại học. Theo thống kê sơ bộ của các tộc họ như Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Văn, Lê Công, Phan Sĩ, Nguyễn Bá… trong làng đã có cả ngàn giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, lương y, y tá đang công tác trong và ngoài nước. Phong trào khuyến học ngày càng được chú trọng với sự chung tay, góp sức của nhiều người. Mỗi năm vào dịp trước ngày tựu trường, bao giờ các tộc họ trong làng cũng tổ chức gặp gỡ, động viên, trao thưởng cho con em học giỏi, xuất sắc trong tộc họ mình.

Đến bây giờ nhiều người cũng không thể giải thích nổi vì sao dân Thanh Quýt lại mê làm thầy thuốc? Đặc biệt, số lượng bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ và y tá, y sĩ là con cháu của làng lại đông, mà nói theo ngôn ngữ Quảng Nam là đông dày! Theo thống kê sơ bộ của Hội đồng gia tộc Nguyễn Hữu, hiện đã có hơn 60 bác sĩ, nha dược sĩ và gần trăm y tá là con cháu của tộc làm việc tại khắp các bệnh viện trong nước, tại Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Na Uy... Các tộc họ khác của làng Thanh Quýt như Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Văn... cũng đóng góp hơn 20 vị bác sĩ đa khoa và vài chục y tá, y sĩ. Gia đình bà Biện Thoan ở xóm Chay có cả 10 người cháu nội - ngoại làm bác sĩ. Ngoài ra, làng Thanh Quýt còn có gần 20 lương y có tiếng tăm, mà trong số này họ Nguyễn Văn đứng đầu bảng.

Trong làng còn có Thượng thư Trương Công Hy, TS văn học Trương Công Cừu, TS toán học Lê Tự Quốc Thắng... Còn tộc Nguyễn Hữu có 7 vị giáo sư, tiến sĩ, 30 thạc sĩ, 276 kỹ sư và cử nhân, 54 giáo viên… đang công tác trong nước và nước ngoài. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, điều hành một loạt bệnh viện tư mang tên Hoàn Mỹ cũng thường xuyên về làng, lặng lẽ góp tiền chăm lo vào hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Từ đình làng phát lệnh giải phóng Đà Nẵng

Theo lời kể của nhiều bô lão, trong Cách mạng Tháng Tám (ngày 18.8.1945), tại đình làng Thanh Quýt, hàng trăm người dân đã tập trung để cùng nhân dân các xã lân cận khác kéo xuống Hội An giành chính quyền và thành lập tổ tự vệ chiến đấu đầu tiên. Đình làng Thanh Quýt cũng là nơi tổ chức điểm bỏ phiếu tuyển cử bầu chính quyền cách mạng đầu tiên năm 1946 và là nơi chính quyền cách mạng và các đoàn thể dùng làm nơi dạy chữ quốc ngữ cho dân làng trong nhiều năm sau đó. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nhiều lần sử dụng đình làng làm địa điểm thi hành chính sách “tố Cộng”, nhưng đã bị dân làng tìm mọi cách tẩy chay. Ngày 28.3.1975, ông Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Bí thư Khu ủy Khu 5 cùng với các ông Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Hồ Nghinh… đã đến đình làng Thanh Quýt và xóm Chay đóng quân, đặt sở chỉ huy chỉ đạo giải phóng Đà Nẵng. Tại đây, khi thời cơ chín muồi, ông Võ Chí Công đã quyết định phát lệnh tấn công giải phóng Đà Nẵng vào sáng 29.3.1975, sớm hơn thời gian dự kiến ban đầu là ngày 3.4.1975. (Theo lịch sử xã Điện Thắng Trung)

Nguyễn Hữu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.