Đồ bành vào mùa

07/11/2011 09:28 GMT+7

Năm nay, thị trường Quảng Nam chứng kiến sự “bành trướng” của vô số cửa hàng đồ bành.

Đi chợ “săn” đồ

Thời tiết miền Trung chuyển mùa kèm mưa và không khí se lạnh. Đây là thời điểm trang phục đồ ấm “vào mùa” với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phong phú. Trước đây, dân “nghiện” mua đồ bành ở TP.Tam Kỳ, Núi Thành chủ yếu tìm đến chợ Tam Kỳ để “săn” đồ. Đầu mùa lạnh năm nay, hầu như khu vực nào cũng xuất hiện 1, 2 điểm bán để thỏa mãn sở thích mua sắm mọi lúc mọi nơi của chị em. Có không ít cửa hàng chuyên bán quần áo ấm. Thị trường này đang "nóng" lên từng ngày.

 
Một điểm bán đồ bành ở TP Tam Kỳ

Mặc dù số lượng các shop nở rộ, số lượng đồ bành xổ mỗi ngày rất nhiều, nhưng mặt hàng này vẫn bán rất chạy. “Đầu mùa tranh thủ mua trước, để lâu sợ không còn đồ đẹp mà giá lại tăng cao, khó mua” - chị Hà, nhà ở P.Hòa Thuận, cho biết. Đồ bành ghi điểm với nhiều người bởi kiểu dáng đẹp, độc, đường may sắc nét... “Mua áo dạ hoặc da mới tầm 700 ngàn đến 1 triệu đồng/cái mình vẫn có thể mua được, nhưng chất lượng so với đồ bành thì thua xa. Đồ mới thường hay xù lông, nứt da hoặc mỏng quá, không đủ giữ ấm. Còn đồ bành chủ yếu là hàng viện trợ từ các nước u, Mỹ nên chất lượng tốt hơn nhiều” - cô Yến, một giáo viên tiểu học bật mí về sở thích mua đồ bành.

Độc chiêu mua sắm

Áo thun từ 20 - 40 ngàn đồng, áo khoác từ 30 - 70 ngàn tùy loại, còn các loại jacket, áo dạ... có giá từ 50 - 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, lựa được chiếc áo ấm đẹp, mới và đúng giá từ một bành lộn xộn không phải ai cũng rành. “Bành vừa xổ là dễ kiếm đồ đẹp nhất. Lựa hàng từ nước đầu (khi vừa xổ bành) giá mắc hơn nhưng “đã tay” vì chọn được hàng tốt” - T.Vân (SV năm 4 ĐH Quảng Nam) nói về bí quyết săn đồ bành của mình.

Là hàng đã qua sử dụng nên đồ ấm bành thường dễ bị “dính” các lỗi như thủng, vết dơ, mất khuy, hư dây kéo... Bắt được lỗi này, người mua vừa tránh tình trạng mua về không dùng được, mà còn dễ dàng yêu cầu người bán giảm giá. Loại này tuy không đẹp, nhưng có thời gian thong thả lựa, dễ tìm được những món đồ độc đáo, lại rẻ hơn nhiều so với đồ nước đầu. Với những món đồ lỗi, người bán thường hạ giá để nhanh thu vốn. Nếu người mua siêng may vá, thì việc “lên đời” cho những món đồ này không khó.  Đồ ấm có xuất xứ u, Mỹ... kiểu dáng đơn giản, màu sắc chủ yếu là đen, xám, tím than… trong khi người tiêu dùng có thói quen chọn mua những tông màu sáng, kiểu dáng cũng cầu kì hơn. Để khắc phục nhược điểm này, người mua có thể tìm đến các cửa hàng bán phụ liệu may mặc. Một bộ nút mới hay một vài phụ kiện nho nhỏ là đủ để chiếc áo ấm “bành”  trở nên trẻ trung và sinh động hơn.

Diệu Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.