'Đỏ mắt' tìm giáo viên tiếng Anh: Áp lực cao, lương thấp

Bích Thanh
Bích Thanh
13/12/2019 07:58 GMT+7

Tuyển được giáo viên tiếng Anh đã khó, nhưng giữ để các thầy cô chịu ở lại càng khó hơn. Đây là vấn đề nan giải với lãnh đạo các trường tiểu học hiện nay.

Chưa “chia tay” vì có nghề bán hàng online

Ngay khi phóng viên vừa đề cập đến thực tế việc tuyển giáo viên (GV) tiếng Anh bậc tiểu học, hiệu trưởng các trường liền thốt lên: “Khổ lắm, như mò kim đáy bể, nhờ khắp nơi giới thiệu mà cũng chả ăn thua”. Tuyển đã khó nhưng khi có rồi thì thấp thỏm vô cùng, chẳng biết thầy cô bám trụ với trường được bao lâu.
Ngay tại Q.1 (TP.HCM), cô H.T, hiệu trưởng một trường tiểu học, tâm sự: “Hiện nhà trường đang có một thầy giáo trẻ, lương theo hệ số, tổng thu nhập mỗi tháng từ nghề giáo khoảng 5 triệu đồng, may mà thầy có nghề tay trái là bán hàng online nên chưa có ý định “chia tay”. Thôi thì cứ giữ chân được ngày nào hay ngày đó, chứ phập phồng lắm. Mong việc kinh doanh của thầy ổn định để trường giữ được thầy”.
Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học cứ đành phải ngậm ngùi chia tay GV tiếng Anh vì chẳng có gì có thể giữ chân các GV này.
Thầy A., nguyên GV Trường tiểu học Trần Khánh Dư (Q.1, TP.HCM), tốt nghiệp sư phạm, nhận công tác tại trường ở quận trung tâm. Với sức trẻ và đam mê, không chỉ làm tốt chuyên môn, thầy A. còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường. Học trò của trường “mê tít” thầy giáo vừa đẹp trai vừa làm MC rất duyên. Vậy nhưng, sau khi về trường được 2 năm thì thầy lập gia đình, gắng gượng lắm thầy đành phải gặp ban giám hiệu “nói lời chia tay”. Để đưa ra quyết định ngừng công việc giảng dạy tại trường, thầy A. nói: “Suy nghĩ dữ lắm mới quyết định nghỉ. Tiếc lắm, không muốn nghỉ vì đó là nghề mình đã chọn nhưng cuối cùng vẫn không thể. Nếu độc thân, thu nhập chưa đến 5 triệu đồng thì còn cố gắng xoay xở; nhưng khi đã có gia đình, đằng sau còn vợ, còn con, sao lo nổi tương lai”.

Làm nghề khác, thu nhập cao hơn nhiều lần

Vừa tốt nghiệp sư phạm, cô N. không về Lâm Đồng mà ở lại TP.HCM và trở thành GV Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Tuy nhiên, sau một vài năm, cố gắng bám trụ ở TP với đồng lương GV, cô N. xin nghỉ việc về phụ giúp gia đình mở cửa hàng đặc sản Đà Lạt. Theo chia sẻ của cô Mai Lan, nguyên hiệu trưởng trường này, với vốn ngoại ngữ đã học, cô N. tham gia vào các hoạt động mở rộng kinh doanh cùng đối tác nước ngoài với thu nhập rất cao.
Còn thầy H., đồng nghiệp với cô N., cũng xin nghỉ việc để làm việc tại một công ty dịch thuật. Thầy H. tâm sự, công việc dịch thuật có thể thực hiện ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt còn giúp thầy tăng vốn từ hơn so với thời gian đi dạy trước đây. Áp lực giảm đi rất nhiều mà thu nhập lại cao hơn.
Trước đây, một trong 3 GV của một trường nổi tiếng tại TP đồng loạt xin nghỉ việc từng khiến các thành viên đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM “sốc vì GV trường ở khu vực trung tâm xin nghỉ thì việc giữ chân người dạy ở quận, huyện khác khó khăn đến đâu?”. Thầy B., một trong 3 GV nghỉ việc, cho biết chia tay với nghề giáo để cùng vợ quản lý dịch vụ vệ sinh nệm tại các gia đình.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho hay, hầu như ban giám hiệu các trường tiểu học trong những năm gần đây đều phải tạo cho mình tâm thế “coi đó là chuyện bình thường” khi nhận đơn xin nghỉ việc của GV tiếng Anh. Bởi thực tế, với GV, công việc ví như “con mọn”, hết giờ dạy là quay ra chấm bài, vào điểm, nhập hồ sơ học sinh… Trong khi, cũng với chuyên môn đó, nếu không đeo đuổi nghiệp viên chức ngành giáo dục thì họ có thể làm các công việc khác với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.