'Đỏ mắt' tìm giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
28/12/2020 07:37 GMT+7

Ngay ở TP.HCM, nơi việc dạy và học tiếng Anh được xem là thuận lợi nhất cả nước, vẫn có tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh. Trong đợt tuyển vừa qua, có quận chỉ tuyển được 1 giáo viên trong khi nhu cầu hơn 30.

Nhiều quận không có ứng viên nào đăng ký

Ông K., lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TP.HCM, đã ví giáo viên (GV) tiếng Anh như “hàng hiếm” khi nói về việc tuyển GV cho bậc tiểu học trong những năm gần đây. Theo ông, năm vừa rồi dù công bố hàng chục chỉ tiêu nhưng chỉ có lèo tèo vài hồ sơ ứng tuyển, trường nào cũng kêu thiếu nhưng không cách nào tuyển dụng được.

Nhiều địa phương đề nghị hạ chuẩn đào tạo do thiếu nguồn tuyển GV ?

Thực trạng thiếu GV là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, kiến nghị tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 31.10.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lo ngại về tình trạng thiếu GV mà không có nguồn tuyển vì chuẩn trình độ đào tạo GV theo luật Giáo dục 2019 quá cao. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu đề xuất về việc tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp sư phạm mầm non và cao đẳng sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này. Sinh viên được tuyển dụng phải cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo đến năm 2025, quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng.
Tuệ Nguyễn - Quý Hiên
“Tuyển viên chức GV cho môn tiếng Anh bây giờ rất khó, thậm chí nhiều quận còn chẳng có ứng viên nào đăng ký. Mấy năm nay không năm nào quận tôi tuyển được đủ chỉ tiêu, năm nào cũng tuyển hai đợt nhưng chỉ được vài ba người, luôn luôn thiếu. Mà quận nào cũng thiếu chứ không riêng gì quận tôi”, ông K. nói.
Còn theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, mỗi năm quận đều có rất nhiều chỉ tiêu tuyển dụng viên chức đối với GV tiếng Anh bậc tiểu học vì hiện nay TP.HCM đang thực hiện chương trình dạy học tiếng Anh theo đề án nên các trường đều được tổ chức dạy tiếng Anh cho 100% học sinh. Nhưng chẳng năm nào quận này tuyển đủ chỉ tiêu, số lượng tuyển được chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học tiếng Anh

Điều 72 luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn đào tạo của GV ở từng cấp học.
Cụ thể, GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; GV tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên.
Theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30.9.2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” và Công văn số 792/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 25.2.2014 về việc hướng dẫn thực hiện yêu cầu cơ bản về năng lực GV tiếng Anh phổ thông của Bộ GD-ĐT thì GV tiếng Anh tiểu học và THCS cần có trình độ tiếng Anh bậc 4 (tương đương bằng B2 đối với khung ngoại ngữ châu Âu) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Cụ thể, trong đợt tuyển dụng viên chức GV cho năm học 2020 - 2021, Q.Tân Phú có tới 34 chỉ tiêu GV tiếng Anh tiểu học nhưng chỉ có 7 hồ sơ đăng ký, và có 6 ứng viên trúng tuyển.
Tương tự, theo kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục của UBND Q.Gò Vấp công bố thì năm học 2020 - 2021 nhu cầu tuyển GV tiếng Anh của các trường ở bậc tiểu học khoảng 30 người. Trong đó, các trường có nhu cầu tuyển nhiều như tiểu học Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu mỗi trường 4 chỉ tiêu; tiểu học Lam Sơn và Lê Hoàn 3 chỉ tiêu. Nhiều trường khác cũng có 2 - 3 chỉ tiêu tuyển dụng trong năm đối với GV tiếng Anh như: Nguyễn Viết Xuân, Chi Lăng, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Toản…
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, thừa nhận đợt tuyển trong năm nay cả quận chỉ tuyển được 1 GV tiếng Anh.
Các quận nội thành đã khó thì theo ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng GD-ĐT H.Củ Chi, huyện ngoại thành lại càng khó hơn bởi GV ngại đi dạy ở vùng ven.
“Việc tuyển GV tiếng Anh ở huyện tôi rất khó khăn, các ứng viên tốt nghiệp từ các trường đại học khác nhiều nhưng từ đại học sư phạm thì rất khan hiếm. Hằng năm chỉ tiêu tuyển dụng được giao về cho huyện rất thoáng, nhưng không có hồ sơ đăng ký nên chúng tôi cũng bó tay”, ông Toản nói và cho biết nhiều trường tiểu học ở huyện thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt những trường càng xa trung tâm thành phố thì thiếu càng nhiều.

Nguồn tuyển co hẹp do đâu ?

Lý giải về tình trạng khó tuyển GV tiếng Anh bậc tiểu học của các quận trong những năm gần đây, ông Trần Trọng Khiêm cho biết trước đây yêu cầu đầu vào chấp nhận cả đối với những người tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh (chỉ cần có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm), nhưng hiện nay yêu cầu tuyển dụng bắt buộc là ứng viên phải tốt nghiệp từ các trường đại học sư phạm. Điều này khiến cho nguồn tuyển bị co hẹp lại rất nhiều.

Thuê giáo viên từ các trung tâm ngoại ngữ

Để giải quyết tình trạng thiếu GV, hầu hết các trường hiện chọn cách hợp đồng với GV bên ngoài, trong đó chủ yếu là ký hợp đồng với các trung tâm Anh ngữ để thuê GV. Các trường chỉ được ký hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ đã được Sở GD-ĐT TP.HCM duyệt, dựa trên các tiêu chí đánh giá về chất lượng. Còn nếu ký hợp đồng trực tiếp với GV thì phải được phòng GD-ĐT duyệt dựa trên các tiêu chí tương tự như khi tuyển GV đầu vào.
“Ngay cả những GV thuộc diện hợp đồng trước đây, dù có nghiệp vụ sư phạm và đã hợp đồng nhiều năm nhưng vẫn không thể bổ sung vào biên chế. Chưa kể, nếu muốn ký lại hợp đồng những người này cũng không đủ điều kiện.
Những năm trước đây, việc tuyển GV gặp vướng mắc về yêu cầu ứng viên phải có hộ khẩu ở TP.HCM. Nay yêu cầu này đã tháo bỏ nên các bộ môn khác tuyển GV dễ dàng hơn nhiều, riêng với môn tiếng Anh lại vướng vào quy định mới về chuẩn đầu vào. Trên thực tế, nguồn lao động có trình độ về tiếng Anh rất nhiều vì hầu hết các trường đại học đều có ngành ngôn ngữ Anh, nhưng cái thiếu ở đây là thiếu ứng viên tốt nghiệp từ các trường đại học sư phạm”, ông Khiêm chia sẻ.
Theo ông Khiêm, định biên theo lớp học ở các trường tiểu học hiện chưa có con số cụ thể. Theo quy định, những môn học nằm trong chương trình thì lớp nào học 2 buổi/ngày sẽ có 1,5 GV/lớp/ngày, còn lớp 1 buổi là 1,2 GV/lớp. Đối với GV bộ môn, ngoài tiếng Anh thì còn các môn khác như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục… Do vậy dù nhiều khi nhu cầu các trường rất lớn nhưng vì số lớp không nhiều nên tính ra không đủ định biên để tuyển thêm GV tiếng Anh, dẫn tới các trường phải chủ động hợp đồng với GV bên ngoài.
Còn theo ông K., ngoài việc nâng chuẩn đầu vào khi thi tuyển GV tiếng Anh tiểu học là phải có bằng B2 ngoại ngữ (khung ngoại ngữ châu Âu) và tốt nghiệp các trường đại học sư phạm thì tiền lương cũng là một vấn đề lớn gây khó khăn cho các quận khi tuyển dụng.
“Thực tế, đối với những người lao động học chuyên ngành liên quan đến tiếng Anh, có khả năng ngoại ngữ tốt thì có nhiều cơ hội làm việc ở những môi trường tốt hơn, ở các công ty quốc tế hay những công ty lớn. Hoặc họ có thể mở lớp hay dạy ở các trung tâm ngoại ngữ sẽ thoải mái về thời gian, thu nhập tốt hơn và công việc ít vất vả hơn. Trong khi làm GV ở các trường tiểu học công lập bị gò bó về thời gian, trách nhiệm... nên trước đây tuyển đã khó giờ càng khó hơn”, ông K. nêu thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.