Đỏ mắt tìm giúp việc đầu năm

27/02/2015 11:38 GMT+7

Mặc dù đã sang đến ngày mùng 8 Tết, nhịp sống trở về bình thường, nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn lao đao vì thiếu người giúp việc.

Mặc dù đã sang đến ngày mùng 8 Tết, nhịp sống trở về bình thường, nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn lao đao vì thiếu người giúp việc. 

 Sau Tết, nhiều gia đình đảo lộn sinh hoạt vì thiếu giúp việcSau Tết, nhiều gia đình đảo lộn sinh hoạt vì thiếu giúp việc - Ảnh: Ngọc Thắng
Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, chị Trà My nhà ở Khuất Duy Tiến, Q.Thanh Xuân đến cơ quan với khuôn mặt phờ phạc vì thiếu ngủ. Nghỉ Tết 9 ngày, cả gia đình hết về quê ngoại lại quê nội, khi trở lại thành phố, bọn trẻ lăn ra ốm một lượt. Một mình chị xoay xở chóng cả mặt.
21,5 triệu giúp việc hưởng lợi từ bộ tiêu chuẩn mới của ILO
Ngày 26.2, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết vừa ban hành bộ Tiêu chuẩn năng lực mẫu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dành cho công việc giúp việc gia đình (GVGĐ). Đây là tiêu chuẩn để các quốc gia tham khảo ứng dụng để hỗ trợ việc phát triển hiệu quả kỹ năng nghề, thực hiện đào tạo, thẩm định kết quả đào tạo và năng lực hiện có của lao động. Theo ước tính, khoảng 21,5 triệu lao động GVGĐ tại khu vực sẽ được đào tạo theo bộ tiêu chuẩn này.
Ngày mùng 5 Tết, đến hẹn nhưng giúp việc vẫn chưa lên, chị My đành đến xin cơ quan nghỉ phép thêm một tuần ở nhà chăm con. “Giúp việc nhà mình lấy lý do chồng ốm nên hẹn sau mùng 10 mới lên, dù trước khi về Tết khẳng định mùng 5 quay trở lại. Gọi đến các trung tâm thì trung tâm nào cũng bảo chờ gọi lại mà không thấy”, chị My than thở.
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là nhiều gia đình lại đảo lộn hết sinh hoạt vì thiếu giúp việc. Lấy cớ cầu cao, cung không đủ, nhiều trung tâm môi giới và người giúp việc thời vụ đều yêu cầu gia chủ tăng lương.
Khảo sát tại một số trung tâm cung cấp giúp việc gia đình ngày 26.2, hầu hết đều khan hiếm giúp việc sau Tết. Một trung tâm ở Cầu giấy vừa đưa thông tin người giúp việc lên mạng, mức lương với giúp việc chưa có kinh nghiệm là 3,5 triệu, có kinh nghiệm 3,5 - 4 triệu đồng, chỉ sau 2 tiếng đã có người đăng ký nhận.
Tại công ty TNHH Hoàng Dương (Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm), nhân viên tư vấn cho hay, giá thuê giúp việc sau Tết cao hơn một chút so với năm ngoái. Nếu là người chưa có kinh nghiệm thì thấp nhất cũng phải 3 triệu. Theo nhân viên này, đây là giá làm việc nhà và trông trẻ, còn chăm người ốm phải cộng thêm từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng.
Trung tâm cung ứng giúp việc Bình An, đường Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy) cũng cho biết vừa ra Tết đã có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến tìm giúp việc, nhưng chỉ có duy nhất một giúp việc vừa lên, không đồng ý giá 3,5 triệu đồng người thuê trả.
Chị Minh Yến nhà ở KĐT Nam Trung Yên, Q.Cầu Giấy cho rằng phí môi giới 800.000 đồng cho trung tâm giới thiệu giúp việc và tiền công giúp việc hiện nay quá cao. “Nhà mình ở chung cư, cả hai bé đều đi học cả ngày, buổi chiều giúp việc đón hai bé lo cơm nước. Bình thường vẫn trả 3 triệu đồng tháng. Sau Tết, giúp việc không lên, mình hỏi các trung tâm đều nói giá 3 triệu không ai làm, ít nhất phải 3,5 triệu đồng mới đi”, chị Yến lo lắng.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển, mức lương của lao động giúp việc gia đình đang được thả nổi theo nhu cầu của thị trường. “Nhu cầu của người sử dụng càng cao thì lương trả cho giúp việc càng tăng. Lương của giúp việc hiện nay đã cao hơn cử nhân đại học mới ra trường. Thậm chí, thời điểm trước và sau Tết, nhiều người phải trả lương giúp việc 4-5 triệu đồng/tháng”, bà Ngọc Anh nói.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới thì cho rằng, mặc dù luật Lao động năm 2012 đã yêu cầu gia chủ và “osin” phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, nhưng thực tế có rất ít người thực hiện. Bản thân giúp việc chưa hiểu nhiều về công việc của mình cũng như chưa được đào tạo bài bản, thích thì làm không thích thì nghỉ. Đó là lý do sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình khốn khổ vì tìm giúp việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.