Đô vật nữ không ngại khổ

13/07/2011 04:23 GMT+7

Trong các môn thể thao tại VN, đội tuyển vật có nhiều VĐV nghèo nhất mà đơn cử như hai đô vật nữ trẻ Quỳnh Diễm và Dương Thị Lan.

Trong các môn thể thao tại VN, đội tuyển vật có nhiều VĐV nghèo nhất mà đơn cử như hai đô vật nữ trẻ Quỳnh Diễm và Dương Thị Lan.

Dương Thị Lan: “Nhà chỉ có 3, 4 sào ruộng...”

Cách đây mấy ngày, Lan vừa đoạt HCV hạng 59 kg giải trẻ toàn quốc tổ chức tại Huế. Trong màu áo Thái Nguyên, Lan sở hữu nhiều HCV giải trẻ, giải vô địch quốc gia và cúp các CLB. Lan là một phát hiện mới của đội tuyển quốc gia và vừa chân ướt chân ráo từ địa phương lên tuyển năm 2010, Lan đã đoạt luôn 1 HCB giải trẻ châu Á ở Trung Quốc. Chuyến xuất ngoại thứ 2 trong đời sang Uzbekistan hồi tháng 6 vừa rồi, cô gái 19 tuổi lại giành một thành tích rất đáng nể: HCĐ giải vô địch châu Á. HLV Nguyễn Thế Long nhận định về cô học trò nhỏ: “Tuy chưa có độ chín giống các bậc đàn chị như Nguyễn Thị Lụa, nhưng ngoài tố chất bẩm sinh, hoàn cảnh sống của Lan cũng đã tạo cho em một cá tính mạnh mẽ. Lan chịu khó học, tiếp thu tốt và không ngại khổ”.

Từ ngày lên tuyển, Lan ít về Thái Nguyên nhưng hằng ngày không quên gọi điện thoại về cho mẹ. Lan thương mẹ vì mẹ cô đã quyết định ở vậy không đi bước nữa. Bố mất sớm khi Lan mới 3 tuổi. Hơn 15 năm trời, mẹ tần tảo nuôi hai anh em ăn học bằng nghề nông. Lan bảo: “Nhà người khác còn có hàng chục sào ruộng nên có của ăn của để. Nhà mình chỉ trông chờ vào 3, 4 sào ruộng nên đủ ăn cũng là may lắm rồi, không mong gì giàu có. Thi thoảng mẹ cũng động viên con gái cố gắng tập luyện, có thành tích cũng để ấm vào thân, không phải lo cho mẹ”. Lớp 7, tình cờ Lan được giới thiệu vào đội vật của địa phương rồi từ đó vừa học vừa đi thi đấu suốt. Mẹ mừng vì Lan không phải chân lấm tay bùn, nhưng có lần về thăm thấy mẹ ngồi thừ, hỏi thì mẹ khóc: “Mẹ sẽ cố dành dụm để có chút hồi môn sau này cho con về nhà chồng!”.

 

Hai đô vật nữ Quỳnh Diễm (trái) và Dương Thị Lan dù khó khăn vẫn đầy lạc quan - Ảnh: C.T.V 

Quỳnh Diễm: “Khổ cách mấy cũng ráng”

Vừa trong trẻo, thơ ngây lại vừa già dặn hơn cái tuổi 18, Quỳnh Diễm nói giọng Huế rất dễ thương: “Hồi tôi học lớp 7, thấy tôi... nghịch quá nên thầy dạy thể dục hướng tôi tập võ và tôi cứ đinh ninh sẽ được tập taekwondo. Thế là hôm sau, thầy và HLV Đinh Văn Kiên về tận nhà tôi ở H.Hương Trà để tuyển lên Trung tâm huấn luyện thể thao Thừa Thiên-Huế. Đến nơi, tôi thấy lạ quá vì teakwondo mà sao cứ lăn lộn. À, thì ra môn vật. Tôi thích thú nên chẳng đòi về và đam mê ráng khổ luyện đến tận bây giờ”.

Đáng nhẽ, Diễm tập ở đội trẻ nhưng vì kỹ thuật tốt, HLV Thế Long cũng quyết định đưa Diễm lên tuyển A để rèn luyện cùng các chị lớn. Không tính những tấm huy chương trong nước, Diễm đã vượt qua vòng loại Olympic trẻ với hai trận thắng trước đối thủ Kazakhstan, Ấn Độ, sau đó thắng 2 trận trước VĐV Colombia, một VĐV châu Âu tại VCK ở Singapore và là đô vật nữ trẻ có thành tích quốc tế xuất sắc nhất ở hạng 55 kg.

Cùng với Lan, Diễm cũng thi đấu ở giải trẻ toàn quốc nhưng trong trận đấu ngày 7.7, cô đã bị chấn thương ở mũi và tái phát chấn thương trồi khớp tay trái. Sợ con đau, trước giải mấy ngày, mẹ và bố dượng đã ngăn cản, nhưng “tôi bỏ giải này thấy phí nên quyết tâm lắm. Ai dè...”. Mẹ và bố ruột Diễm chia tay nhau trước khi cô ra đời. Diễm trong trẻo: “Mẹ có thêm hai người con nữa, một trai, một gái. Tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều vì bố mẹ cũng nghèo. Tôi lên tuyển đã có nhà nước lo. Tôi chỉ mong tập tốt, khổ cách mấy cũng ráng, chỉ mong bố mẹ hạnh phúc là tôi hạnh phúc”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.