Đổ xô trồng cây ăn trái dù chưa biết bán cho ai

08/03/2017 13:00 GMT+7

Hàng ngàn hecta đất mía, mì, cao su đang được người dân ồ ạt chuyển sang trồng bưởi da xanh, chanh dây, dưa lưới, chuối… Điều đáng nói, phần lớn nông dân trồng theo kiểu tự phát vì chưa biết bán cho ai.

Bài học từ chuối
Theo ông Nguyễn Duy Ân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh trước sự hấp dẫn của giá chuối khi thương lái đến tận vườn thu mua với giá lên đến 11.000 - 12.000 đồng/kg nên từ tháng 4.2016 nông dân nhiều nơi ồ ạt chuyển đổi sang trồng chuối. Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích trồng chuối 385,3 ha, trong đó huyện Tân Biên 184,5 ha, Trảng Bàng 110 ha, Tân Châu 82 ha… “Đến nay, có khoảng 205,3 ha không có hợp đồng tiêu thụ. Hàng ngàn tấn chuối hiện không có thương lái đến thu mua hoặc đang bị thương lái ép giá rẻ mạt (2.000 đồng/kg). Nguyên nhân chính là trồng tự phát khiến cung vượt cầu và không ký kết đơn vị thu mua từ đầu dẫn đến không biết bán cho ai”, ông Ân cho biết.


Thực tế mà nói, mình trồng cây gì tới đâu hay tới đó chứ chưa biết thị trường lúc đó ra sao, bán cho ai. Dù có lo lắng nhưng chưa biết tìm tòi các tin dự báo thị trường ở đâu

Ông Lê Văn Nuôi (51 tuổi, ngụ xã Trường Đông, H.Hòa Thành)

Bài học nhãn tiền chưa kịp lắng xuống thì ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh lại “nhức đầu” với hàng loạt cây trồng khác đang ồ ạt phát triển mà không theo bất cứ một định hướng nào. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tính cuối năm 2016, diện tích cây cao su, cây mì liên tục giảm do giá cả xuống thấp khiến người dân ồ ạt chuyển đổi sang cây ăn trái. Trong đó, ước khoảng 2.900 ha diện tích cây cao su năm 2016 (gồm cả cao su thanh lý) được chuyển sang trồng chuối già xuất khẩu, rau các loại, cây ăn trái các loại (bưởi da xanh, xoài, chanh dây, nhãn..) tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Hòa Thành.
Trồng cứ trồng nhưng chưa biết bán cho ai
Vào thời điểm này, ông Lê Văn Nuôi (51 tuổi, ngụ xã Trường Đông, H.Hòa Thành) đang xuống giống bưởi da xanh xen với cây chuối trên toàn bộ diện tích 1,8 ha đất của gia đình. Ông Nuôi cho biết theo tìm hiểu thông tin trên mạng, thấy cây bưởi đang có giá cao nên quyết định trồng thay thế dần cho toàn bộ diện tích chuối. Ông Nuôi nhẩm tính, mô hình trồng xen canh này có lợi bởi trồng chuối vừa để cải tạo đất và có thể lấy ngắn nuôi dài vì 3 năm tới cây bưởi mới có thể thu hoạch. Tuy nhiên ông Nuôi thừa nhận: “Thực tế mà nói, mình trồng cây gì tới đâu hay tới đó chứ chưa biết thị trường lúc đó ra sao, bán cho ai. Dù có lo lắng nhưng chưa biết tìm tòi các tin dự báo thị trường ở đâu”.
Đổ xô trồng cây ăn trái dù chưa biết bán cho ai 2
Ông Lê Văn Nuôi (trái) và mô hình trồng bưởi da xanh Ảnh: Giang Phương
Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng muốn tìm hiểu trồng cây gì, nuôi con gì mang hiệu quả kinh tế thì gần như rất hạn chế ở tỉnh này. Ngay như việc cập nhật thông tin cho người dân trên website của Sở NN-PTNT của tỉnh này cũng không có bất cứ thông tin gì. Ở ngay chuyên mục thông tin cần biết được trang web cập nhật vào ngày... 1.9.2015. Hay mục dự báo tình hình dịch hại cây trồng, mới nhất ngày… 3.12.2015.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Ân cho biết trong thời gian qua, ngành nông nghiệp có tổ chức hội thảo nhưng thiếu sâu sát, dẫn đến tình trạng chỉ mời gọi các nông dân có trang trại quy mô lớn làm hạt nhân lan tỏa mà thiếu cơ hội cho những nông dân nhỏ tiếp cận. Còn về việc website ngành ''nguội lạnh'' thông tin, ông Ân khẳng định: “Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã thông qua đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có quy hoạch cụ thể đối với từng cây trồng. Chúng tôi sẽ cập nhật toàn bộ đề án này cho người dân tiếp cận”, ông Ân nói.

tin liên quan

Điêu đứng vì... chuối
Những ngày này, nhiều hộ trồng chuối tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh) điêu đứng vì chuối chín rục vườn nhưng doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm không đến thu mua. Nhiều hộ phải bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt hoặc chất đống đổ bỏ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.