Doanh nghiệp biết bác sĩ 'dỏm' nhưng phải cam chịu?

Đỗ Trường
Đỗ Trường
21/12/2019 05:14 GMT+7

Mặc dù biết một số người được Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương cử đến khám bệnh cho công nhân không phải là bác sĩ “chính hiệu”, nhưng một số doanh nghiệp vẫn cam chịu. Vì sao?

“Chúng tôi phải chi trả nhiều tiền để khám bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe cho công nhân (CN), dù dịch vụ của Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương rất tệ”, giám đốc một doanh nghiệp (DN) xin giấu tên nói và cho biết DN của ông cũng biết việc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở Y tế Bình Dương) sử dụng những người không có chuyên môn về ngành y vào việc khám, kiểm tra những vấn đề liên quan đến sức khỏe CN.
“Năm nào công ty tôi cũng phải liên hệ với trung tâm để khám bệnh cho CN. Vì trung tâm độc quyền nên chúng tôi phải bắt buộc đăng ký khám...”, giám đốc này nói.
Giám đốc một DN khác cũng khẳng định dù biết trung tâm sử dụng người không có bằng cấp, chuyên môn khám bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe định kỳ cho CN nhưng vẫn phải sử dụng dịch vụ vì “không có sự lựa chọn nào khác”.
“Công ty chúng tôi từng hợp đồng với trung tâm khám sức khỏe định kỳ cho CN trong 3 năm liền. Sau đó, chúng tôi nhận thấy trung tâm này trả kết quả “ẩu” nên công ty hợp đồng khám sức khỏe định kỳ cho CN ở bên ngoài. Tuy nhiên, việc khám bệnh nghề nghiệp cho CN do trung tâm này độc quyền nên hiện giờ chúng tôi vẫn phải hợp đồng để khám. Hiện tại công ty phải hợp đồng khám 4 mục về bệnh nghề nghiệp cho CN với giá cả cụ thể: khám da liễu 50.000 đồng/người; chụp X-quang phổi 42.000 đồng/người; đo thính lực sơ bộ 28.000 đồng/người; đo chức năng hô hấp 106.000 đồng/người. Ngoài ra, với việc khám tổng quát, công ty phải chi trả từ 110.000 - 120.000 đồng/người cho các mục khám như: cân đo, mạch, huyết áp, hỏi đáp bên ngoài và không khám cận lâm sàng”, vị giám đốc này phản ánh.
Đáng lưu ý, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại trung tâm có khoa vệ sinh lao động. Tuy nhiên, khoa này tuyển cả cử nhân, kỹ sư môi trường - kể cả cử nhân quản trị kinh doanh - để đi giám sát, thanh tra, kiểm tra các DN trong toàn tỉnh về vấn đề liên quan đến sức khỏe, điều kiện vệ sinh lao động, an toàn lao động và môi trường.
Đại diện một DN khác cho biết: “Những người này còn được tuyên dương là thầy thuốc trẻ”. Để chứng minh điều này, đại diện DN đã gửi cho PV Thanh Niên những hình ảnh liên quan đến việc cử nhân môi trường, quản trị kinh doanh không liên quan đến ngành y nhưng vẫn được tuyên dương “Thầy thuốc trẻ” ?!

Đo mạch, huyết áp rất quan trọng

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương sử dụng nhân viên tạp vụ đo mạch, huyết áp cho CN, nhiều y bác sĩ (BS) của chính trung tâm này cũng bày tỏ sự không đồng tình.
Một BS cho biết nhịp đập của mạch và huyết áp là hai vấn đề vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người; là biểu đồ về sức khỏe, mấu chốt để BS đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
“Nếu đo mạch, huyết áp bằng phương pháp thủ công thì nhất thiết phải là y BS mới được thực hiện vì liên quan đến phác đồ điều trị. Hiện nay, khoa học công nghệ tiên tiến có thể trang bị máy đo mạch, huyết áp tự động nhưng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả này vì máy có thể bị trục trặc, hoạt động lâu năm độ chính xác không còn... Vì vậy gần như khi khám cho bệnh nhân, chúng tôi vẫn phải đo nhịp đập của mạch, huyết áp bằng phương pháp thủ công”, BS này chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.