Doanh nghiệp FDI hiến kế thu hút đầu tư hiệu quả

05/03/2015 05:26 GMT+7

Rất nhiều ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nêu tại buổi gặp với lãnh đạo TP.HCM hôm qua, 4.3.

Rất nhiều ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nêu tại buổi gặp với lãnh đạo TP.HCM hôm qua, 4.3.

Doanh nghiệp FDI hiến kế thu hút đầu tư hiệu quảBí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài     - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại buổi gặp, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cầu thị: “Chúng tôi mong doanh nghiệp nói thẳng, đừng sợ mất lòng. Chúng tôi cũng không mong được khen, hãy nói thẳng những thiếu sót để chúng tôi chấn chỉnh kịp thời”.
Thiếu kết nối, pháp lý chưa minh bạch

Chúng tôi hứa với các nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư nước ngoài

Ông Lê Thanh Hải,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Công ty TNHH Công nghiệp Towa VN (Nhật) có mặt ở VN từ năm 1995, hoạt động chính là sản xuất linh kiện cho máy móc. Gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu ở VN, công ty phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ Thái Lan, Nhật khiến chi phí tăng thêm 18%. Tổng giám đốc Công ty Towa VN, ông Yutaka Watanabe, cho biết: “Máy móc của các doanh nghiệp (DN) VN không hiện đại, không đủ năng lực sản xuất nguyên vật liệu theo yêu cầu của chúng tôi. Chính phủ VN cần phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ bằng cách tài trợ vốn cho những DN vừa và nhỏ nâng cấp máy móc, cải thiện khả năng sản xuất. Kinh nghiệm của Nhật trong lĩnh vực này là luôn có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DN công nghiệp phụ trợ bằng quỹ vốn của Chính phủ. Chúng tôi luôn kỳ vọng được kết nối với DN địa phương để cùng phát triển. Nhưng rõ ràng, DN trong nước đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn”. Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products VN, cũng cho rằng VN nói chung và TP.HCM nói riêng “phải ưu tiên phát triển DN địa phương để cung ứng nguyên vật liệu phục vụ cho DN nước ngoài, chứ bản thân nỗ lực của chúng tôi là không đủ”.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều đại diện công ty FDI đã đề xuất VN cần có giải pháp thúc đẩy DN nội lớn mạnh, đủ khả năng cung cấp linh kiện công nghệ cao cho DN FDI. Ông Herb Cohran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại VN (AmCham), cho biết trong nhiều vấn đề hợp tác, Mỹ có chương trình hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng VN, làm sao để DN VN tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu. “Muốn như thế, các DN VN phải chủ động kết nối hợp tác với DN FDI. Nếu DN VN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giải quyết được các khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu hiện nay”, ông Cohran nói.
Chỉ ra con số rõ ràng hơn để minh chứng cho việc kết nối không được chặt chẽ, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, ông Yasuzumi Hirotaka, nói: “Mức độ mua sắm linh kiện từ các công ty VN của các DN Nhật chỉ 19,4% cấu thành sản phẩm, trong khi ở Thái Lan, Indonesia là 21%. Chính phủ VN cần hỗ trợ DN trong nước hơn nữa để có thể tham gia cung ứng hàng hóa cho DN nước ngoài, đó là cách thu hút đầu tư FDI rất hiệu quả”.
Ông Yasuzumi Hirotaka cũng cho biết thông qua khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại VN (Jetro), các DN Nhật phản ánh rằng hệ thống pháp lý của VN chưa được minh bạch và chưa đầy đủ để bắt kịp với thực tế. Hải quan và thuế vẫn còn gây khó khăn cho DN, dù nhiều thủ tục đã được cắt giảm. “Chúng tôi mong muốn giảm bớt quá trình trực tiếp trao đổi giữa cán bộ hải quan với DN trong quá trình làm thủ tục. Còn thuế, chúng tôi hiểu được cơ quan thuế có mục tiêu thu ngân sách, nhưng cần đặt mục tiêu xa hơn như tạo điều kiện, hỗ trợ cho DN hoạt động làm ăn để nộp thuế hơn là chỉ chăm chăm vào thu thuế”, ông Yasuzumi Hirotaka kiến nghị.
Cam kết cải cách
Chúng tôi hiểu được cơ quan thuế có mục tiêu thu ngân sách, nhưng cần đặt mục tiêu xa hơn như tạo điều kiện, hỗ trợ cho DN hoạt động làm ăn để nộp thuế hơn là chỉ chăm chăm vào thu thuế 
Ông Yasuzumi Hirotaka,
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM
Về tiến trình rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư cho DN FDI trong các khu công nghiệp (KCN) - khu chế xuất (KCX), ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCN - KCX TP.HCM (Hepza), cam kết trong năm nay sẽ cắt giảm 50% thời gian cho những dự án đầu tư theo quy định không qua thẩm tra, từ 15 ngày làm việc xuống còn 7 ngày; những dự án xây dựng giảm từ 15 ngày còn 12 ngày; dự án có xem xét môi trường giảm từ 30 ngày còn 20 ngày; cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài còn 3 ngày và cấp mới giấy phép giảm từ 15 ngày còn 10 ngày. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng tỷ lệ cắt giảm thời gian làm thủ tục của Hepza vẫn chưa đủ, phải tiến tới giảm 70% thời gian làm thủ tục. Riêng kết nối giữa DN FDI với DN VN, hỗ trợ DN nội địa phát triển công nghiệp phụ trợ, ông Quân cam kết tập trung thực hiện để tăng cường nội hóa và sẽ bàn thảo sâu hơn về nguồn nhân lực cho DN trong tuần này.
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh: “Tôi thấy còn nhiều việc TP.HCM phải làm để đáp ứng kỳ vọng hợp lý, chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến DN là TP.HCM làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư, để TP.HCM luôn là điểm đến giàu tiềm năng, thuận lợi và thành công của DN nước ngoài. Chúng tôi hứa với các nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh...”.
 Ý KIẾN
Mất hợp đồng vì thiếu lao động
Ông Ngô Đức Chí, Tổng giám đốc Công ty Global Cybersolf VN, phản ánh tình trạng thiếu nguồn nhân lực có tay nghề ở VN hiện đang gây nhiều khó khăn cho DN FDI. Có lúc, công ty mất hợp đồng vì không đủ người làm, hoặc dự án đang chạy thì mất người khiến hoạt động không ổn định. Nhân sự thay đổi liên tục vì bất cân đối cung cầu. DN và TP.HCM cần hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu.

Lo môi trường đầu tư
Theo ông Herb Cohran, Giám đốc AmCham, luật Di trú của VN có những thay đổi bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, thời hạn công dân Mỹ vào VN trong các chuyến đi ngắn hạn chỉ còn 3 tháng và thị thực chỉ có giá trị một lần. Như vậy sẽ tác động tiêu cực lớn đến môi trường đầu tư của VN. Theo nguyên tắc có đi có lại trong ngoại giao, phía Mỹ cũng xem xét rút ngắn thời gian cho công dân VN vào Mỹ còn 3 tháng thay vì một năm và thị thực cũng có giá trị một lần. VN cần nghiên cứu lại vấn đề này để tạo điều kiện đi lại thông thoáng cho công dân hai bên.

Giải quyết thỏa đáng các khó khăn
Trao đổi với Thanh Niên sau buổi gặp gỡ này, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty Vietnam Waste Solution (VWS), chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, cho biết: “VWS thành lập từ năm 2005, đến nay đã hoàn thành các cam kết với TP.HCM. Gần đây, theo yêu cầu của TP, Khu xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận thêm lượng rác 2.000 tấn/ngày, nâng công suất lên 5.000 tấn/ngày. Công ty cần được TP hỗ trợ sớm giải quyết các vấn đề. Cụ thể, một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về VWS không đúng sự thật, tạo hình ảnh không tốt về công ty. Những thông tin này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công ty mẹ là CWS ở Mỹ trong khi CWS đang phát triển rất mạnh tại Mỹ sau khi ký kết hợp đồng xử lý rác với TP.Oakland. Gần đây, chúng tôi đã đầu tư thêm máy móc thiết bị, tăng cường nhân lực để xử lý khối lượng chất thải gia tăng phục vụ cho TP tốt hơn. Tuy nhiên, việc thỏa thuận đơn giá xử lý rác cho TP đối với số lượng chất thải tăng lên vẫn chưa đạt kết quả cuối cùng.  
Như nhiều nhà đầu tư đã phản ánh tại hội nghị hôm nay, VWS là công ty được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, chúng tôi đã đóng hơn 1 triệu USD tiền thuế GTGT nhưng đến nay chúng tôi chưa được hoàn trả số tiền thuế này. Tôi mong TP sẽ sớm giải quyết thỏa đáng các khó khăn của chúng tôi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.