Doanh nghiệp lại oằn mình lo phí

12/06/2021 07:33 GMT+7

Việc TP.HCM dự kiến tiến hành thu phí hạ tầng cảng biển ngay trong đợt cao điểm dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp lo ngại sẽ tạo thêm gánh nặng, làm khó doanh nghiệp.

Sở GTVT TP.HCM cho biết giữa tháng 6 này sẽ triển khai thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển, trước khi thu phí chính thức từ 0 giờ ngày 1.7. Mức phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM sẽ áp dụng là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container.

Gánh nặng phí

Thực tế, ngay từ khi dự thảo đề án thu phí hạ tầng cảng biển ra đời đến khi được HĐND TP.HCM thông qua vào cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN đã liên tục gửi văn bản kiến nghị TP xem xét giảm mức thu, đồng thời lùi thời hạn áp dụng cho tới lúc thích hợp hơn.
Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP), nhận định việc thu phí vào giai đoạn này tạo ra nhiều bất hợp lý bởi hiện nay hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các DN thủy sản nói riêng, các DN sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Mặt khác, các DN phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Trong đó, DN đang gánh một khoản tiền lớn phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.
“Từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về, tính ra tổng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng. Nghĩa là với mỗi container hàng, DN phải trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng. Một DN thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu trung bình 3.000 container/năm, phải tốn tới 7,5 tỉ đồng phí qua trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí dịch vụ cảng biển, DN đó sẽ phải chi trả khoảng 5,5 tỉ đồng nữa. Quy định thu phí mới này của TP.HCM sẽ gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN, nhất là trong bối cảnh các DN của Việt Nam đang phải vật lộn khó khăn do khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh Covid-19”, bà Tạ Hà đánh giá.
Trao đổi với Thanh Niên sáng 10.6, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Kim Phát, bày tỏ bức xúc và khó hiểu khi trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát và được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP vẫn quyết tâm áp thêm một chi phí nữa “lên đầu” DN. Không những thế, từ khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù hoạt động của các DN ngày càng khó khăn, đơn hàng giảm, doanh thu giảm nhưng loạt chi phí cố định không được hỗ trợ miễn giảm mà ngược lại, giá xăng, dầu, các chi phí… còn đồng loạt tăng giá, khiến DN khó càng thêm khó. Giờ, áp thêm phí dịch vụ cảng biển giống như “cứa thêm vào vết thương”, DN có thể không sống nổi.
Theo vị này, Sở GTVT TP đánh giá phí hạ tầng không cao, chiếm tỷ lệ không đáng kể nếu tính cả chi phí khác đối với hàng hóa nhưng thực tế, ngành vận tải hiện nay đã phải gánh quá nhiều chi phí và giá cước đang ở mức rất cao. Đơn cử, 1 container nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam, thời điểm trước dịch giá khoảng 250 - 300 USD, cao điểm nhất là 350 USD, hiện nay đã tăng lên từ 900 - 1.100 USD; Phí nâng, hạ cho các hãng tàu về tới Việt Nam, 1 đơn hàng hơn 5 triệu đồng; Thêm chi phí vận chuyển, 1 container vận chuyển từ Cát Lái về khu vực Q.12 (An Sương) đi đường bộ giá 2,5 triệu đồng. Với giá thành tăng cao như vậy, tăng thêm bất cứ loại chi phí nào cũng sẽ đề thêm gánh nặng cho DN vì giá cước đã “chốt” với khách hàng rất khó để thay đổi.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Ông Nguyễn Ngọc Thanh thừa nhận nếu tăng thêm chi phí, đối tượng chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng. Bởi trường hợp không thể cân đối, DN sẽ tìm mọi cách đẩy vào giá thành hàng hóa, dịch vụ.
Thực tế, từ cuối năm 2020 đến nay, liên tiếp những đợt cước vận tải tăng vọt gấp 7 - 10 lần do áp lực thiếu container rỗng, áp lực kênh đào Suez bị nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng vì Covid-19... đã khiến chi phí đội lên, nhiều mặt hàng đua nhau tăng giá. Theo đại diện một tập đoàn chuyên xuất - nhập khẩu gạo, dù đã cố gắng cân đối hết mức nhưng đơn vị vẫn phải điều chỉnh giá một số sản phẩm. Đơn cử, trong các dòng gạo có Japonica (giống Nhật) tăng từ 20.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg, ST21 cũng tăng từ 20.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg. Một số mặt hàng khác cũng tăng nhẹ.
Trên thị trường thức ăn chăn nuôi, các DN lớn cung ứng thức ăn chăn nuôi như Cargill, C.P, Vina, ADM, ABC Việt Nam... thời gian qua cũng liên tục có thông báo gửi khách hàng tăng giá bán thức ăn. Tính từ đầu năm đến nay, các hãng cung cấp thức ăn chăn nuôi đã có cả chục thông báo tăng giá, trung bình mức tăng mỗi lần từ 300 - 400 đồng/kg. Bộ NN-PTNT tổng hợp, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng cao nhất đến 30% và dự báo tiếp tục tăng trong quý 2. Còn theo tính toán thực tế của các đại lý, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng đến 35 - 40%. Tương tự, vật liệu xây dựng đang trải qua một cơn bão tăng giá với sắt thép tăng hơn 40% chỉ trong một thời gian ngắn. Các loại khác như xi măng, cát, bao bì... cũng đồng loạt “lên đồng”, nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản, người dân đang có kế hoạch xây dựng nhà cửa cũng phải tạm lùi hoặc “cắn răng” chịu đội chi phí.
Theo ông Thanh, thu phí hạ tầng cảng biển cũng như các loại phí, thuế khác, nếu công khai, minh bạch, hợp lý thì DN hoàn toàn ủng hộ, không né tránh việc đóng phí. Tuy nhiên trong giai đoạn cả xã hội khó khăn như hiện nay, nên chọn thời điểm thích hợp, có lộ trình để những đối tượng chịu tác động có thời gian chuẩn bị, bắt kịp với chính sách.

Nên lùi “lệnh” thu phí

Khẳng định việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM trong giai đoạn này chưa phù hợp và đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, duy trì việc làm cho người lao động, VASEP đã gửi công văn tới Bộ Tư pháp, kiến nghị bộ này đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND, UBND TP xem xét không thu các loại phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn kinh tế gặp khó do dịch Covid-19, ít nhất đến cuối năm 2021. VASEP đồng thời đề nghị điều chỉnh mức thu nói trên giảm theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách cho TP; yêu cầu TP công khai, minh bạch cụ thể các khoản thu/chi, chi như thế nào, vào những công trình cụ thể nào.
Không kiến nghị cụ thể thời gian nên áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM, song, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lưu ý lãnh đạo TP nên cân nhắc cẩn trọng khi đưa ra bất cứ quyết định nào ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn này. Theo ông Tuấn, chi phí vận tải, logistics giai đoạn đầu năm 2021 chứng kiến mức tăng quá mạnh, gấp 6 lần so với đầu năm 2020. Cùng với đó, các chi phí nguyên liệu đầu vào như sắt, thép… đều đồng loạt “lên đồng”, khiến DN nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung càng khó khăn. Các DN từng kỳ vọng có thể từng bước hồi phục, khôi phục lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất trong năm 2021 nhưng theo tình hình thực tế hiện nay thì rất khó thành hiện thực. Do đó, mọi chính sách, quy định làm tăng giá hàng hóa cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích chung của tất cả các bên trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh vẫn chưa đoán định được.
Theo Sở GTVT TP, dự kiến nguồn thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án khoảng 16.000 tỉ đồng. Cùng với sự đầu tư của TP cho các công trình giao thông kết nối cảng biển đã và đang triển khai hiện nay, nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách TP để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.