Doanh nghiệp chung tay trồng rừng

30/04/2021 12:24 GMT+7

Xu hướng sống xanh, sống gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trẻ hóa lối sống xanh

Đăng tải đoạn video hơn 1 phút trên trang Facebook cá nhân, anh L.M.T (Hà Nội) tự hào giới thiệu đây là video do con trai anh cùng các bạn học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tự lên ý tưởng, sản xuất để hưởng ứng cuộc thi Thiết kế video “Lên tiếng vì thiên nhiên” - chung tay vì trách nhiệm cộng đồng do nhà trường tổ chức. Sáng tạo, theo “trend”, thông điệp chung tay bảo vệ môi trường được các em học sinh khéo léo truyền tải bằng hình thức một bài rap với những ngôn từ hết sức giản dị, đi thẳng vào vấn đề: Từ ngày con nguời xuất hiện, thiên nhiên đã thay đổi rất nhiều… Chúng ta đã gây nên rất nhiều những điều xấu tới “mẹ thiên nhiên”, gây những hậu quả khôn lường… Cần hành động ngay để trái đất không còn phung phí năng lượng… Hành động đễ gìn giữ thiên nhiên tuyệt diệu…
Theo chia sẻ của anh T., học sinh bây giờ đến trường được giáo dục rất nhiều về ý thức bảo vệ môi trường thông qua những tiết học, những chương trình ngoại khóa. Từ những hành động đơn giản như không vứt rác bừa bãi, tiết kiệm điện hay trồng cây xanh trong nhà… ý thức bảo vệ môi trường được hình thành rất rõ ràng, ăn sâu vào tiềm thức của các bé. “Chưa kể trẻ em giờ được tiếp xúc với công nghệ, truyền thông từ rất sớm. Những thông tin thời sự về bão lũ, ngập lụt, cháy rừng, tan băng… lan truyền trên mạng xã hội, một cách tự nhiên cũng xuất hiện trong mối quan tâm của chúng. Đợt miền Trung lũ bão năm vừa rồi, thằng bé nhà tôi ngồi xem thời sự cùng bố mẹ sau đó đòi mua cho 1 cây nhỏ để trong phòng, hằng ngày đi học về, việc đầu tiên là lên tưới cây. Bản thân tôi cũng bất ngờ và vui mừng vì lũ trẻ có ý thức tốt về môi trường như vậy” - anh T. nói.
Tương tự, chị Bùi Phương (Q.7, TP.HCM) cũng hào hứng chia sẻ clip quay lại hình ảnh đứa con trai hơn 1 tuổi rưỡi răm rắp nghe lời mẹ mang rác bỏ vào thùng. “Đi lớp các cô dạy đó. Bài học bỏ rác vào thùng vừa rèn luyện phản xạ, vừa hình thành thòi quen tốt, định hình ý thức rõ rệt về môi trường cho trẻ từ khi còn nhỏ. Tôi ở căn hộ chung cư, mặt bằng hạn chế nhưng cũng cố dành chút diện tích trồng vài cây xanh, hằng ngày đưa con ra tưới cây, vừa rèn luyện ý thức, vừa nuôi dưỡng tâm hồn lương thiện từ tình yêu thiên nhiên cho bọn trẻ” - chị Phương kể.
Thực tế, thời gian qua, xu hướng sống xanh, sống gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trực tiếp hướng dẫn phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam đi trồng rừng chống biến đổi khí hậu ở Cần Giờ (TP.HCM) và một số tỉnh, thành, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ đánh giá trong những năm gần đây, nhận thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên, thực hành lối sống xanh của các bạn trẻ có thay đổi so với nhiều năm trước. Các hoạt động của học sinh, sinh viên từ các trường học hoặc phong trào Hướng đạo Việt Nam đã thực hiện các chương trình thiết thực như trồng cây xanh, phục hồi rừng, bảo vệ nguồn nước, cấp nước cộng đồng…
Đơn cử, các bạn Hướng đạo sinh trẻ tại các tỉnh, thành trong 2 năm qua đã trồng hàng ngàn cây rừng, cây ăn trái cho cộng đồng, cung cấp nhiều vật chứa trữ nước, sử dụng năng lượng tái tạo… cho các đồng bào vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động đóng góp thiết thực trong cuộc chiến giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Đồng thời qua những hoạt động này, nhận thức về môi trường, về lối sống xanh của thanh thiếu niên và người dân được nâng lên rất nhiều.

Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên Tập đoàn Novaland khởi động chương trình “Green Up Việt Nam - Triệu cây xanh cho cuộc sống bừng sáng” với mục tiêu trồng mới 50 triệu cây xanh trong vòng 5 năm tới, giúp tăng tỷ lệ phủ xanh toàn tỉnh từ 55% trở lên, đạt được các mục tiêu kép trong phát triển biền vững

Lan tỏa “ngọn lửa xanh”

“Cuộc cách mạng” về ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền lối sống xanh trong cộng đồng bắt nguồn từ thực trạng môi trường, tài nguyên đang bị tàn phá nghiêm trọng và con người ngày càng phải hứng chịu nhiều hậu quả thảm khốc. Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở nước ta ngày càng suy giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại ước tính hơn 22.800 ha, trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700 ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. Chất lượng rừng tự nhiên được đánh giá ở mức thấp, với chỉ 15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, khoảng 50% diện tích rừng tự nhiên còn lại là nghèo, nghèo kiệt.
Tỷ lệ thuận với đó, tần suất và sức công phá của những cơn bão, lũ, thiên tai ngày càng tăng theo mức số nhân. Trong khoảng 2 thập niên vừa qua, Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai như lũ quét, mưa bất thường, sạt lở, lún sụt, nắng nóng, khô hạn, mặn xâm nhập ở nhiều nơi, từ vùng rừng núi phía bắc, miền Trung đến vùng châu thổ sông Cửu Long. Các thiên tai này đang có xu thế gia tăng tần xuất xuất hiện và cường suất cao hơn nhiều năm trước.
Theo TS Lê Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân lý giải sự bất thường về thời tiết, một trong các yếu tố là rừng đầu nguồn bị khai thác và tàn phá nghiêm trọng khiến đất rừng không thể giữ nước ở các vùng núi, cao nguyên và hệ quả là sự gia tăng các cơn lũ lớn, lũ quét, lũ bùn và sạt lở kinh hoàng. Rừng tự nhiên đóng vao trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước nhờ khả năng hấp thụ và lưu trữ nước đầu nguồn. Rừng càng dày, càng đa dạng thì khả năng bảo tồn nước càng cao. Không những vậy, rừng còn là nơi điều hòa khí hậu, hấp thu và tồn giữ carbon, nơi bảo vệ tính đa dạng sinh học, có ý nghĩa vô cùng to lớn cho môi trường sống, kể cả các chức năng du lịch, văn hóa, giáo dục.
Trước thực trạng đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng là địa phương đầu tiên hưởng ứng chương trình này khi phát động kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh tại tỉnh. Trong đó, có sự đồng hành của Novaland - tập đoàn kinh tế lớn. Khởi xướng chung tay cùng địa phương lan tỏa trồng rừng nhận được nhiều sự quan tâm bởi thực tế, chính sự phát triển kinh tế quá nhanh, đô thị hóa quá mạnh, các doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân mà suốt thời gian qua đã không ngừng tác động tiêu cực tới môi trường sống.
PSG.TS Lê Anh Tuấn cho rằng Lâm Đồng là tỉnh tiên phong hưởng ứng chương trình 1 tỉ cây xanh của Chính phủ với quy mô trồng 50 triệu cây xanh. Đây là một điểm son cho tỉnh Lâm Đồng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, duy trì các hệ sinh thái và được xem như một hoạt động khắc phục các sai lầm trong tham vọng phát triển kinh tế, bất chấp sự suy giảm môi trường. Lâm Đồng là một trong các tỉnh ở Việt Nam có ghi nhận sự thay đổi đáng kể về nhiệt độ không khí và nguồn nước theo hướng tiêu cực với lịch sử trước đó.
“Các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn trong thời gian qua vừa hưởng lợi những ưu thế của thiên nhiên nhưng cũng là những tác nhân làm môi trường xuống cấp. Hiện nay, một trong những trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp là tham gia các hoạt động khôi phục hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và đóng góp cho việc giảm phát thải khí nhà kính.Các đóng góp xã hội của doanh nghiệp bao gồm các hoạt động tham gia chiến dịch trồng cây xanh, tài trợ cho những hoạt động liên quan và cải thiện sản xuất theo hướng giảm chất thải. Thực hiện điều này là tạo nên hình ảnh thân thiện, tích cực cho các doanh nghiệp. Người tiêu dùng hiện nay cũng đã có nhận thức là ủng hộ những doanh nghiệp “xanh”, tẩy chay những sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng sẽ trở thành mô hình mẫu để phát huy sự liên kết, cam kết giữa các doanh nghiệp với địa phương và xã hội trong quá trình phát triển kinh tế” - vị này nhận định.
TS Lê Xuân Thuyên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) khẳng định : Trồng cây gây rừng đã được khơi dậy từ cách đây nhiều thập niên, song, thời gian qua chúng ta chỉ tập trung phát triển nên bị nguội lạnh. Đến nay, việc các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội chung tay khơi dậy ý thức sống xanh sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ, để người người, nhà nhà trồng cây xanh, trồng rừng. “Người ta có thể chặt cây của người khác nhưng không bao giờ chặt cây mình trồng. Từng người, từng nhà, lan ra từng tổ chức, đơn vị, địa phương và cả nước… trồng cây, gây rừng, chỉ như vậy thì mới mong trám lại những khoảng rừng trống, bảo vệ và phát triển môi trường sống tự nhiên” - TS Lê Xuân Thuyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.