Doanh nhân làm văn hóa

18/01/2021 15:51 GMT+7

Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - hồn cốt của dân tộc, tưởng như là công việc của các cơ quan chức năng nhà nước. Vì vậy, việc một tập đoàn kinh tế tư nhân dám nghĩ, dám làm, tự dấn thân vào công cuộc gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa dân tộc, đã và đang tạo ra những hiệu quả có tính lan tỏa.

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba cùng Tập đoàn Thái Bình Dương trao tài trợ cho Trường tiểu học Tio Hồ tại La Habana trong lễ Kỷ niệm 40 năm Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 11 tại Cuba

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba cùng Tập đoàn Thái Bình Dương trao tài trợ cho Trường tiểu học Tio Hồ tại La Habana trong lễ Kỷ niệm 40 năm Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 11 tại Cuba

Ảnh: Minh Tiến

 
 

1. Sưu tầm các tác phẩm Việt từ nước ngoài về trưng bày trong nước

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương từng là một người lính nơi chiến trường, ngày nay, giữa thời bình, ông trở thành một người lính trên mặt trận kinh tế. Nếu có dịp ghé thăm trụ sở làm việc của Tập đoàn Thái Bình Dương, chúng ta không khỏi ngạc nhiên với phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được thiết kế trang trọng, như một điểm nhấn lãng mạn, đầy chất thơ giữa bầu không khí kinh doanh sôi động. Hiện nay, Tập đoàn Thái Bình Dương đang sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật phong phú, đa dạng với gần 1.000 tác phẩm hội họa và điêu khắc của các thế hệ họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Hơn một nửa trong số đó do chính ông Phan Văn Quý cất công sang tận nước ngoài để mua và đưa về trưng bày trong nước, với mong muốn duy nhất: “Những tinh hoa văn hóa Việt Nam cần phải được lưu giữ tại Việt Nam để người dân nước nhà được chiêm ngưỡng và thưởng lãm các tác phẩm Việt trên quê hương mình”.
Ông cho biết: “Trong đầu tư, kinh doanh, thấu hiểu văn hóa địa phương là một chìa khóa quan trọng mở ra sự thành công. Văn hóa chính là gốc rễ, là cầu nối tinh thần giữa con người với con người. Qua các sự kiện triển lãm nghệ thuật tại tập đoàn, tôi mong muốn giới thiệu một phần văn hóa của Việt Nam tới khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Một khi họ thêm hiểu, thêm yêu đất nước con người Việt Nam thì việc kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước và các địa phương sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

2. Đề xuất ý tưởng và triển khai thực hiện các tác phẩm điêu khắc để góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ông Phan Văn Quý đã có những ý tưởng và triển khai thực hiện một số tác phẩm điêu khắc để phác họa chân dung của những vị anh hùng, những danh nhân văn hóa có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Theo ông: “Việc điêu khắc tượng không những tri ân những vị anh hùng có công, mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được lưu truyền để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này hiểu hơn về cội nguồn lịch sử dân tộc, nuôi dưỡng nét đẹp tinh thần Việt Nam”.
Đến nay, kết hợp với một số nhà điêu khắc nổi tiếng, Tập đoàn Thái Bình Dương đã thực hiện được một số tác phẩm là tượng đồng, như: tác phẩm Thực địa chiến trường phác họa chân dung cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, hiện đang được trang trọng đặt tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; tác phẩm Sáng tác thơ tại cao điểm Seng Pan, khắc họa chân dung cố nhà thơ Phạm Tiến Duật; tác phẩm Chân dung Anh hùng Trịnh Tố Tâm,… Việc trưng bày bức tượng Anh hùng Trịnh Tố Tâm tại Trường tiểu học Ứng Hòa B (thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội, quê hương vị anh hùng), cũng được ông Phan Văn Quý suy nghĩ thấu đáo: “Thay vì trưng bày ở bảo tàng, nếu ta đặt bức tượng của một vị anh hùng tại trường học, thì các em học sinh sẽ tiếp cận được những thông tin lịch sử trực tiếp, thú vị hơn, các thầy cô giáo cũng có thể truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách trực quan, sinh động hơn”.

3. Tri ân những người có công

Khi còn là Đại biểu Quốc hội, ông Phan Văn Quý đã mạnh dạn gửi văn bản báo cáo Chủ tịch nước đề xuất phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho một số vị cán bộ cao cấp của bộ đội Trường Sơn vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: cố Thiếu tướng Võ Bẩm (nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559), người đầu tiên đặt nền móng cho con đường Trường Sơn và cố Đại tá Lê Xy (nguyên Chính ủy). Đề xuất này đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai vị cán bộ cao cấp của bộ đội Trường Sơn nêu trên. Sau đó, Tập đoàn Thái Bình Dương đã cùng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức đón nhận danh hiệu anh hùng cho các vị cán bộ nêu trên tại quê nhà.

4. Đưa ra ý tưởng, tài trợ và phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình

Tập đoàn Thái Bình Dương còn là đơn vị đề xuất ý tưởng, tham gia tổ chức và tài trợ toàn bộ chi phí để triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa lớn như: Hợp tác với đối tác tư vấn của Nhật Bản để quy hoạch thị xã, thành cổ Quảng Trị trở thành Thành phố vì Hòa bình; chương trình Sâu nặng ân tình để chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam; Cuộc thi viết với chủ đề Hào khí Trường Sơn hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; Xây dựng, xuất bản, ra mắt cuốn sách Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên để chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba.

5. Là đơn vị sáng lập của 3 tổ chức xã hội, từ thiện

Với phương châm “Sống là sẻ chia”, Tập đoàn Thái Bình Dương còn là đơn vị sáng lập của 3 tổ chức xã hội, từ thiện như: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai và Quỹ Tâm Tài Nghệ An. Trong đợt lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vừa qua, công trình nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai do Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai thực hiện đã phát huy tác dụng trong việc giúp đỡ người dân bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, sớm ổn định cuộc sống. Hội Liệt sĩ Việt Nam thông qua tài trợ của tập đoàn đã giám định gene, xác định danh tính cho hàng nghìn bộ hài cốt liệt sĩ theo Đề án 150 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tập đoàn đã và đang tài trợ hơn 100 tỉ đồng cho các hoạt động thiện nguyện.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi người một cách hiểu, một cách làm, nhưng với tư duy và phương pháp mà ông Phan Văn Quý cùng Tập đoàn Thái Bình Dương đang thực hiện thật sâu sắc, tinh tế và đậm chất nhân văn, đúng như giá trị cốt lõi mà Tập đoàn Thái Bình Dương xây dựng “Hợp tác - Kế hoạch - Kỷ luật - Sáng tạo - Nhân văn”. Đây là tâm huyết, là tầm nhìn của người lính Trường Sơn - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Doanh nhân Phan Văn Quý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.