Doanh nhân trẻ "hiến kế" để tự cứu mình

15/07/2011 19:58 GMT+7

(TNO) Trong tình hình kinh tế khó khăn, sản xuất gặp nhiều bất lợi, nhiều doanh nhân trẻ đã nêu những kiến nghị thẳng thắn tại Hội thảo Giải pháp ổn định vĩ mô và hướng đi cho doanh nghiệp trong suy giảm kinh tế do Hội Doanh nhân trẻ VN (DNT VN) tổ chức vào chiều nay 15.7, tại TP.HCM.

Doanh nghiệp phải đoàn kết

Đánh giá về tình hình khó khăn của doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn phân tích: tình hình kinh tế VN thay đổi rất khó lường. Ông Sơn dẫn chứng, năm 2009 VN trong tình trạng suy thoái khiến nền kinh tế cần những gói kích cầu để tạo lại đà sản xuất. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng của năm 2011, đánh giá lại gói kích cầu trên thì kinh tế lại rơi vào tình trạng lạm phát cao, buộc phải sử dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo ông Sơn, khi CPI tăng cao 20% ngoài yếu tố khách quan còn kèm theo những đặc thù của nền kinh tế như: đầu tư công không hiệu quả, giá cả các mặt hàng chủ chốt như: xăng dầu, điện; tín dụng phi sản xuất gia tăng lớn tạo quá trình “bong bóng hóa” giá trị…

Với những yếu tố trên, ông Sơn cho rằng khi sử dụng yếu tố tiền tệ như một yếu tố chính thì sẽ gây ra tác động không mong muốn đối với DN. Điều này, được ông Sơn ví von rằng: “DN đang khó khăn bị vạ lây “sứt đầu mẻ trán” bởi DN không đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán nhưng lại là người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất đến vấn đề thắt chặt tiền tệ”.

Với những khó khăn trên, anh Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội DNT VN nhận định: “Trong tình hình này, nếu các DN trong nước không đoàn kết, chung tay thì sẽ bị các DN nước ngoài thâu tóm”.  


Đoàn Chủ tịch của hội thảo lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nhân trẻ - Ảnh: T.Trung

"Nóng" chuyện vốn và lãi suất

Đa số các đại biểu đều đồng tình với Nghị quyết 11 của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, các DN cho rằng Hội DNT VN cần có thêm những kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng và Chính phủ để được hỗ trợ “vượt bão” trong giai đoạn này.

Anh Trần Xuân Mai, Chủ tịch Hội DNT tỉnh Nam Định cho rằng dù có chính sách ưu tiên vốn cho các DN trong lĩnh vực xuất khẩu để cán cân nhập siêu được cân bằng hơn. Thế nhưng khi áp dụng thực tế trong giai đoạn hiện nay thì lại bị đóng băng.

Kể câu chuyện bản thân, anh Mai cay đắng nói, trong giai đoạn vừa qua không thể vay được một đồng nào từ các ngân hàng. Để giải quyết cho các đơn hàng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động của mình, anh đã phải đi “vay nóng” với lãi suất 9%/tháng để duy trì xuất khẩu, đảm bảo đơn hàng.


Anh Trần Xuân Mai (đứng) cho biết không thể vay được vốn ngân hàng mặc dù có những hợp đồng xuất khẩu giá trị cao - Ảnh: T.Trung

Câu chuyện lãi suất của ngân hàng, nguồn vốn dành cho DN là vấn đề nóng đối với hầu hết các đại biểu.

Anh Cao Tiến Đoan (Thanh Hóa) cho rằng: “Cần phải sàng lọc, phân loại đối tượng DN nào bị thắt chặt tiền tệ, đối tượng nàp được đáp ứng nhu cầu tín dụng cho các dự án đang đầu tư. Nếu cắt ngang nguồn vốn trong khi dự án đã đầu tư 70-80% thì DN sẽ… phá sản”.

 Chủ trương chính của thường trực Hội Doanh nhân trẻ VN trong năm 2011 là không đặt lợi nhuận của doanh nghiệp lên hàng đầu mà phải chú trọng đảm bảo ổn định nguồn lao động, sản xuất

Anh Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN

Anh Phan Đình Tuệ (Hội DNT tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ nên linh hoạt và nên sử dụng các công cụ của thị trường nhiều hơn các biện pháp hành chính.

Đa số các DN cho rằng, chỉ nên áp dụng biện pháp hành chính đối với các DN Nhà nước hay các dự án đầu tư không hiệu quả.

Điều quan trọng mà đa số các DNT quan tâm được anh Đặng Xuân Huy (Hội DNT tỉnh Đồng Tháp) nêu lên: “Chính phủ cần kiểm tra sát sao các hoạt động điều hành ổn định kinh tế vĩ mô; kéo dài thời gian nộp thuế qua năm sau để DN có thể phục hồi, giảm thuế thu nhập DN, chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai việc đơn giản hóa thủ tục hành chính…”.

Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh (Phó Chủ tịch Hội DNT TP.HCM) nhấn mạnh giải pháp để giải quyết vấn đề lãi suất ngân hàng: "Cần đảm bảo kỷ cương trong quản lý của ngân hàng nhà nước đối với lãi suất huy động".

Trong cái khó ló cái khôn, anh Nguyễn Trọng Huy (Hội DNT tỉnh Bến Tre) cho biết, DN của anh đang tăng trưởng 500% trong giai đoạn khó khăn vừa qua và hiện đang thu mua các DN phá sản. Theo khảo sát của bản thân, anh Huy cho rằng: “Đa số các DN bị phá sản đều không phải chỉ sản xuất thuần túy mà còn dính vào bất động sản, hay chứng khoán”. Chính vì vậy, anh Huy cho rằng nếu DN chỉ sản xuất đơn thuần, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực nông nghiệp nếu biết tận dụng tốt thời cơ hiện nay sẽ có thể tăng trưởng.

“70% dân số VN theo nghề nông, do vậy Chính phủ cần có những khuyến khích nhiều hơn nữa trong đầu tư lĩnh vực nông nghiệp”, anh Huy kiến nghị.

Trong khi đó, anh Hà (Hội DNT TP.HCM) cho rằng, Hội cần có cơ chế hoặc tiếng nói bảo vệ các DNT bởi trong 3 năm “bão suy thoái” ập đến nhiều DNT đã phải “ngủ bờ, ngủ bụi”. Sắp tới, anh Hà cho rằng khi khủng hoảng qua đi Hội DNT VN phải kiến nghị ngay Chính phủ việc chỉ đạo các ngân hàng không được nấn ná, chần chừ trong việc giảm lãi suất.

Anh Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội LHTN VN, Chủ tịch Hội DNT VN nhận xét, trong thời gian ngắn nhưng hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến rất thực tế và sâu sắc. Anh Thắng cũng cho rằng hội thảo không chỉ dừng lại ở đây mà còn tiếp tục tiếp nhận thêm các ý kiến đóng góp của nhiều DN ở các tỉnh thành. Sau đó, Hội sẽ tập trung, sàng lọc những ý kiến thực tế để gửi kiến nghị lên Chính phủ và Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. 

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.