Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội

01/10/2015 07:30 GMT+7

Chắc cả Hà Nội không tìm đâu được quán ốc thứ 2 ngoài quán ở phố Trung Liệt, quận Đống Đa: vừa ăn ốc, được nghe chính ông chủ... đánh đàn.

Chắc cả Hà Nội không tìm đâu được quán ốc thứ 2 ngoài quán ở phố Trung Liệt, quận Đống Đa: vừa ăn ốc, được nghe chính ông chủ... đánh đàn.

Quán ốc của ông Sỹ bé xiu, nằm trong một con ngõ bé xíu. Nhưng đến đầu ngõ, chỉ cần hỏi quán ốc của ông già chơi đàn violin, từ trẻ con đến người lớn đều hay.

Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà NộiÔng chủ quán chơi đàn phục vụ khách khi đã rảnh tay
“Nào, cái xe này đi vào đây, xe khác đợi đã. Thêm 2 khách trong nhà, 10 nem mang về, 2 ốc bưng ra đầu ngõ đê”, một người đàn ông tóc lâm râm bạc, áo ba lỗ, quần ngố, đi ủng đến đầu gối, giọng sang sảng. Đích thị là ông Sỹ.
“Vâng, tớ là Sỹ đây”, ông nhoẻn miệng cười. “Thế hôm nay không có chơi đàn hả bác?”. “Rảnh tay thì tớ mới chơi đàn được chứ. Giờ điều phối xe cộ, trông xe, “sểnh” ra một cái, mất là đền vỡ mồm, mà tắc đường khi hàng xóm người ta nói cho”, chủ quán ốc (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sỹ, sinh năm 1954) "tuôn" một tràng.
Quán ốc thực chất là một khu nhà tập thể được ngăn thành các gian phòng nhỏ. Gia đình ông Sỹ ở khu tầng 2, bên dưới là nơi chế biến, chỗ ngồi cho khách.
Quán mở từ năm 1992, suốt 23 năm qua treo biển “Oanh ốc” (tên Oanh là vợ ông), với những món không đổi là ốc luộc, xoài dầm, sung muối.... Khoảng chục năm trở lại đây thì phát sinh thêm những món như nem chua rán, khoai lang, khoai chiên, trứng cút lộn và cóc dầm để phục vụ đầy đủ thị hiếu của khách hàng.
“Vợ tớ thì không phải dân chuyên nghiệp của hàng ăn, sau khi sinh con gái đầu lòng muốn tìm một nghề gì làm thì nghĩ đến ốc, vậy là sắm quang gánh bán ốc luộc rong. Bán được vài năm thấy bà con khen ngon, năm 92 chúng tớ mở quán này, tớ cũng nghỉ luôn làm bốc xếp ở bến xe Giáp Bát về phục vụ”, chủ quán ốc xởi lởi.
6 giờ chiều của một ngày cuối tháng 9, Hà Nội đổ mưa tầm tã, thế mà người và xe đổ về quán ốc của ông Sỹ đông nườm nượp. Khách dựng xe, khóa cổ, khóa càng xe máy, đi vào đến bên trong quán thì bát ốc và các bát nước chấm đã xong xuôi, bày ra trước mắt, nhanh và chuyên nghiệp đến ngỡ ngàng.
Nước chấm sóng sánh màu vàng cánh gián, sả và ớt bằm để riêng. Những lát quất (tắc) thái lát thả bồng bềnh trong hỗn hợp nước chấm nhìn đã thấy muốn nuốt nước miếng. Ốc được chọn từ huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hấp cùng sả, lá chanh, ăn giòn sần sật.
Ông chủ quán bảo, cái bí quyết kéo người ta đến quán ốc bình dân này, chính là nước chấm. “Có người trả chúng tớ cả 100 triệu, chỉ để học công thức pha nước mắm, mà vợ tớ giãy nảy”.
Theo lời chủ quán, vì mê nước chấm ốc, rất nhiều người cứ đủng đỉnh vào quán ăn một mình, no nê thì đứng lên. Những bà bầu, nghén, thèm ốc, vào quán ăn tì tì một tối hết 7 tô ốc là chuyện bình thường.
Trên tường nhà của quán ốc bình dân là một bài thơ ông Sỹ tự tay sáng tác, in đậm một dòng chữ rất lớn: “Hai, ba người, không nên ăn một bát ốc”. Hỏi cớ làm sao, ông Sỹ thủng thỉnh đáp: “Quán tôi bé, đường thì đông, trông xe hụt hơi thế này mà 2 người vào chỉ ăn một bát ốc, vợ chồng tôi lấy đâu ra lãi”. Nói rồi ông cất giọng ngâm nga:
"Nhà bé ngõ hẹp đường đông
Quán ốc tôi bán rất trông mọi người
Vào ăn để lấy vui thôi
Nhưng mà nên tránh 2 người 1 tô
Nước mắm cũng vậy không cho
Không bán không mượn vòng vo làm gì
Đôi điều lưu ý quý phi
Xin đừng như vậy, kính mong mọi người"
Ông Sỹ ngoài 50 tuổi, một vợ, hai con lớn, cô con gái cả sắp trở thành cô giáo dạy cấp 1, con trai lớn đang học đại học, quán hàng ăn nên làm ra, các con thi thoảng phụ bố mẹ thu tiền cho vui, nhưng tuyệt nhiên, chẳng ai có ý định sẽ nối nghề cha mẹ.
“Chúng tớ chân lấm tay bùn cả đời, chẳng mong chúng làm thêm ốc ác mà làm gì. Cứ học hành đàng hoàng, làm nhà nước cho nó nhàn cái thân, cô ạ”, ông Sỹ cười.
Một chiếc xe máy đỗ xịch, một cặp vợ chồng và hai em bé tầm 10, 12 tuổi. Bọn trẻ nhảy nhót khi đã đến quán ăn, ông Sỹ tươi cười chỉ cậu con trai: “Đây, đây chính là thằng bé tớ đặt tên Balotelli, vì hồi 4 tuổi nó theo bố mẹ đến, có mái tóc trông hệt như cầu thủ Mario Balotelli người Ý. Hôm ấy mẹ nó mang tô cháo cho nó ăn, rồi gọi bát ốc, chục trứng cút lộn để 2 vợ chồng ăn, nó nhất định bỏ cháo, một mình chén sạch bát ốc và chục trứng cút lộn, thế là bố mẹ đành nhịn đói, ra về”.
8 giờ tối, quán ốc đã rảnh rang, chỉ còn lác đác vài thanh niên ngồi ngâm nga, ông Sỹ gỡ cây đàn guitar trên tường, rồi vẫn nguyên chiếc áo ba lỗ đẫm mồ hôi, đôi ủng ướt nước mưa, ông gảy đàn tưng tưng và ngân nga: “Con kênh xanh xanh, những chiều êm ả nước trôi. Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi. Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi. Bao câu tơ duyên dạt dào tim ai thắm tươi”.
Đàn guitar là xoàng, ông chủ của quán ốc dễ mến này còn chơi được cả đàn violin và mandolin. Đương nhiên, muốn nghe ông Sỹ chơi đàn, hãy ghé quán ốc vào cuối ngày khi ông Sỹ đã rảnh tay, và, đừng bao giờ, hai người chỉ ăn một tô ốc cả!
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà NộiỐc và chén nước chấm mê mệt bao thế hệ thực khách
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà NộiCác món ăn kèm ốc luộc
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà NộiBài thơ "Tâm sự nhà hàng" trong quán ốc
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà NộiQuán lúc nào cũng đông khách, bán từ 15h chiều đến 21h tối là hết
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà Nội
Độc đáo quán ốc vừa được ăn, vừa nghe ông chủ... đánh đàn ở Hà NộiMón nem chua rán của quán

Thúy Hằng
Ảnh: Lê Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.