Dọc đường "ăn chơi"

08/05/2010 02:58 GMT+7

Chẳng phải đợi đến lớp thi sĩ đàn em như Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm... mới "nổi máu giang hồ", thi sĩ Tản Đà cũng đã ăn chơi phiêu dạt từ rất sớm.

Tản Đà rời làng quê Khê Thượng, bắt đầu đường phiêu bạt giang hồ vào ngày 25 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1922), đến ngày trở về quê cũ là 4 tháng 9 năm Giáp Tuất (1934). Tản Đà đã "tổng kết" bước đường ăn chơi của mình bằng bài thơ Thú ăn chơi đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số ra ngày 27.12.1934: "Trời sinh ra bác Tản Đà/Quê hương thời có, cửa nhà thời không/Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly/Túi thơ đeo khắp ba kỳ/Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng... Hà tươi của biển Tu-ran/Long Xuyên chén mắm, Nghệ An đĩa cà/Sài Gòn nhớ vị cá tra/Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên/Đa tình con mắt Phú Yên/Hữu tình rau bí ông quyền Thuận An/Cơn ngâm Chợ Lớn chưa tàn/Tiệc xòe lại có Văn Bàn, Vũ Lao/Chấn Phòng đất khách cơm Tàu/Con ca xứ Huế, cô đầu tỉnh Thanh/Mán Sừng cái bánh chưng xanh/Huê Kỳ tiệc bánh Tin lành nhớ ai/Sơn dương, sò huyết Hòn Gai/Đồng Sành cá đối, Giáp Lai lợn rừng/Vân quan, Hoành lĩnh xe từng/Con tàu "ca-nốt" trông chừng Mê Kông/Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong/Ô Nam nước mắm, tỉnh Đông chè tàu...".

Ảnh: Tư liệu

Phần thơ không lấy gì đặc sắc ngoài những câu mở đầu hết sức có duyên, nhưng ngoài phần thơ còn có phần Chú thích, tác giả nói rõ hơn về những gì mình đã gói ghém trong những câu thơ, đọc hết sức thú vị:

"...Khi tàu đến biển Tu-ran (Tourane), người ta đem các giỏ hà lên bán, thiệt tươi ngon. Qua Long Xuyên vào nhà ông chánh tổng được ăn những thứ mắm rất đậm đà (ở đây có lẽ vì phải tuân theo cách gieo vần thơ lục bát nên tác giả không "đi" theo tuần tự khoảng cách địa lý, mà đang từ Đà Nẵng - tên cũ thời Pháp thuộc là Tourane - đã nhảy xuống tận Long Xuyên! - H.Đ.N).

Thời giúp việc Đông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ thường cùng ông về chơi Cao Lãnh thuộc tỉnh Sa Đéc, là quê của Diệp phu nhân, có lần cùng ông đi ca-nô vượt qua sông Mê Kông hứng thú không ít. Ở Sài Gòn thì ăn cá tra nấu với trái thơm, cá béo mà không có sao mỡ váng lên bát canh. Rồi thuê xe song mã, hai đồng một giờ, đi chơi dạo. Ngồi uống chè Long Tỉnh pha với hoa cúc lớn, mỗi chén ba cắc ở hiệu cao lâu Nhất Thiên trong Chợ Lớn vốn là chỗ ở của Đốc phủ Phương khi trước, sau bán lại cho người Tàu. Rồi bạn yêu thơ đặt tiệc ở Chợ Lớn, có nhạc ca, một mỹ nhân cất giọng: "Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran/Tương quân chi tiếc cánh hoa tàn" - thơ vịnh Kiều trong Khối tình con đọc theo giọng ngâm thơ Sài Gòn, thốt nhiên được nghe kể cũng là một sự khoái ý!

Ở Bình Định thì xem tuồng Bình Định rất hay ở rạp Phú Phong, con hát mũ áo ra lạy. Vừa tiền tiêu vừa tiền thưởng cho con hát hết bảy đồng bạc, kể cũng phong thể!

Núi Hải Vân có Hải Vân Quan, núi Hoành Sơn có Hoành Sơn Quan, đi xe hơi cùng ông Bùi Huy Tín qua những chỗ đó có dừng xe lên quan ải để du quan.

Văn Bàn, Vũ Lao thuộc tỉnh Yên Bái, tiệc xòe có con gái Thổ một người hát, một người chuốc rượu. Chấn Phòng thuộc tỉnh Lào Cai, ở đây còn có tộc người Mán Sừng. Mục sư đạo Tin lành người Huê Kỳ có đãi tiệc bánh.

Chính Tản Đà cũng đã nhiều lần "định nghĩa" về ẩm thực: "Đồ ăn không ngon thời không ngon. Chỗ ăn không ngon thời không ngon. Không có người cùng ăn cho ngon thời không ngon..." hoặc: "Ăn là tất cả một nghệ thuật, mà nghệ thuật ăn nhiều khi lại khó hơn nghệ thuật viết văn". Nói chuyện văn chương ông cũng ví von với chuyện ẩm thực: "Văn chương có giống như mâm gỏi. Đĩa cá lạng, đĩa dấm ngọt thời người thường dễ ăn. Còn miếng mắt, miếng xương phải đợi con nhà gỏi... Văn chương có giống như thịt chim: xào, thuôn nướng, chả thì dễ chín, hấp cách thủy lửa không đến mà nhừ hơn...".

Ở Thanh Hóa có một ông bạn cũ là nhà tư bản của tỉnh đó, cùng vợ là cô đầu danh ca, bận áo gấm đến nhà quản ca ở ngoài tỉnh hát suốt đêm, thiệt là hay và vui!

Khi đến chơi nhà ông Trịnh Đình Rư làm giáo học ở Hòn Gai, trong một bữa cơm ông thết đãi có cả thịt sơn dương và sò huyết. Một tỉnh mà sơn hào hải vị có đủ chỉ duy Hòn Gai!

Khi tôi ở ấp Đồng Sành của ông Đỗ Đình Đạt, gần huyện Rào, Hải Phòng, hay ăn cá đối, cái đầu nó mềm và ngon. Ngạn ngữ vùng này có câu Bán ruộng đầu cầu để ăn đầu cá đối.

Khi tôi ở chơi nhà bạn là quan Tri châu Thanh Sơn, có đi bắn chim qua Giáp Lai, nhân trời tối, ông Lý trưởng Giáp Lai là con rể quan châu Thanh Sơn, giữ lại ngủ. Hôm ấy là ngày lễ cáo về việc kỵ của họ, có săn được một con lợn rừng cao đến hơn thước tây, làm theo lối "lòng dấm" để cúng tế. Tối hôm trước là cỗ lòng, sáng hôm sau là cỗ thịt, hai bữa cỗ thiệt có giá trị thay!".

Mấy câu thơ cuối: "Nay về Bất Bạt quê nhà/Sông to, cá nhớn lại là thứ ngon/Vắng bạn bè, có vợ con/Xa xôi xã hội, vuông tròn thất gia/Trăm năm hai chữ Tản Đà/còn sông, còn núi, còn là ăn chơi!". Ngẫm, cái sự "ăn chơi" của thi sĩ Tản Đà cách đây gần một thế kỷ quả là ghê gớm! (hồi ấy giao thông cách trở chứ không như bây giờ).

Trong bài Tản Đà, một kiếm khách (Tao Đàn 1939), nhà văn Nguyễn Tuân kể rằng: Có một hôm, những người đang tắm biển ở bãi tắm Sầm Sơn bỗng giật mình, vì thấy Tản Đà bơi một mình ra mũi Kẻ Cổ Rùa, nơi chỉ có những người bơi tài và mạo hiểm mới dám ra. Tưởng để làm gì, hóa ra ông cố bơi ra đấy để "nhậu" tại trận. Ngồi trên tảng đá sống trâu, ông tháo bầu rượu dắt ở thắt lưng ra, mở nút và tu ừng ực, rồi lấy mũi dao nhọn nạy những con hàu đang bám vào đá, tợp chúng với rượu một cách ngon lành giữa một vùng đỏ ối bóng tà dương... "Bữa tiệc rượu" vô tiền khoáng hậu này của Tản Đà đã in đậm trong trí Nguyễn Tuân để tác giả Vang bóng một thời kể lại bằng một giọng văn hết sức hào sảng, khoái hoạt...

Hà Đình Nguyên

(Ở bài viết này, chúng tôi có sử dụng tư liệu do cô giáo Thương Huyền ở Vĩnh Linh, Quảng Trị cung cấp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.