Độc giả Thái Lan “kết” Nguyễn Nhật Ánh

28/08/2011 23:28 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa có chuyến ra mắt bản tiếng Thái của tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2010 Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ tại Bangkok (NXB Nanmeebooks, dịch giả Montira Rato). Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với nhà văn.

Công chúng Thái Lan có hào hứng “xin một vé đi tuổi thơ” không?

Lễ ra mắt tác phẩm nằm trong chương trình kỷ niệm 35 năm quan hệ VN - Thái Lan nên được Bộ Ngoại giao Thái Lan và NXB Nanmeebooks tổ chức rất chu đáo. Thông tin về bản tiếng Thái của Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được truyền thông đại chúng giới thiệu trước nên dù mới “chân ướt chân ráo” sang Bangkok, tôi vẫn nhận được những tình cảm nồng hậu của độc giả.

Bạn đọc Thái Lan giống bạn đọc VN ở chỗ thích tác giả ghi rõ họ tên khi ký tặng. Nhưng chữ Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, ai chưa học qua nhìn vào chỉ thấy ngoằn ngoèo như sợi mì, muốn viết cũng chẳng biết viết thế nào, vì vậy muốn đề tặng bắt buộc phải ghi tên theo phiên âm hệ La-tinh. Với bạn đọc đã đi làm, có danh thiếp như tại buổi hội thảo ở trụ sở Bộ Ngoại giao Thái Lan thì còn dễ. Đến hôm giao lưu và tặng chữ ký cho sinh viên ĐH Chulalongkorn, cô phiên dịch viên Diệu Ninh phải “kè kè” bên tôi suốt buổi để giúp tôi “La-tinh hóa” các tên tiếng Thái. Toát mồ hôi với thử thách này nhưng nhìn các bạn trẻ kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt, lòng tôi cảm thấy rất vui. Thấy tôi mệt phờ người, bỏ cả tiệc buffet, dịch giả Montira Rato trêu: “Chắc anh không dám giao chuyển ngữ cuốn thứ hai sang tiếng Thái nữa? Mới có một cuốn mà mấy ngày nay anh đã bơ phờ với vụ ký tặng rồi”.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) trong buổi ra mắt sách tại Thái Lan - Ảnh: Minh Quang

Giới nhà văn Thái Lan nhận xét gì về Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ?

Buổi hội thảo tại trường ĐH Chulalongkorn có mặt hai nhà văn Thái Lan từng được Giải thưởng Văn học ASEAN: Binlah Son, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thái Lan, tác giả hơn 10 tập truyện ngắn - du ký, và nhà văn Prabhassorn Sevikul, tác giả hơn 60 cuốn tiểu thuyết, Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan giai đoạn 2005-2009. Prabhassorn Sevikul cũng là người hiệu đính và viết lời giới thiệu Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái.

Trong lúc tọa đàm, cả hai nói rất nhiều. Ông Binlah Son còn lật sách ra đọc những đoạn văn ông tâm đắc rồi nhận xét: “Cuốn sách này giúp tôi nhận ra ba điều khác biệt: Khác biệt giữa thế giới trẻ em và thế giới người lớn. Khác biệt giữa trẻ em VN và trẻ em Thái Lan. Cuối cùng là khác biệt giữa những người đã đọc cuốn sách này và những người chưa đọc cuốn sách này. Tôi tiếc cho những ai chưa đọc nó”. Còn nhà văn Prabhassorn Sevikul chia sẻ: “Tôi chưa gặp Nguyễn Nhật Ánh bao giờ nhưng khi đọc cuốn sách này, tôi có cảm giác ông là người bạn rất thân của tôi. Ông đã nói hộ tôi rất nhiều điều”. Hai nhà văn Thái nói khá dài nhưng tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu. Khi nghe tiến sĩ Montira Rato dịch lại những lời này, tôi rất cảm động.

Cảm giác của anh khi thấy tác phẩm của mình được bày trang trọng tại các nhà sách ở Bangkok?

Cảm giác này rất khó diễn tả. Nó không giống như khi tôi ra mắt sách ở trong nước. Có điều gì đó cao hơn cảm xúc cá nhân. Có lẽ nó gần giống với cảm giác tự hào của các vận động viên đi thi đấu quốc tế: Qua chuyện giới thiệu văn chương, có thể giúp cho bè bạn nước ngoài biết nhiều hơn về đất nước mình.

Anh đã trả lời phỏng vấn nhiều báo đài (các báo Matichon, ASTV Manager, Writer Magazine, Jood Pra Kai Literature Section; các đài truyền hình Thai PBS, Mango TV...). Điều gì ở một nhà văn VN làm truyền thông nước bạn quan tâm nhất?

Theo các nhà báo Thái Lan, một nghiên cứu xã hội học gần đây cho thấy trẻ em Thái Lan hiện nay ít chịu đọc sách. Dư luận nước này cũng đang lo ngại về việc các bạn trẻ ngày nay chuộng các phương tiện giải trí nghe nhìn hơn sách báo. Vì vậy, hầu hết báo đài Thái Lan khi phỏng vấn đều muốn tìm hiểu về thói quen đọc sách của giới trẻ VN cũng như kinh nghiệm đọc sách của riêng tôi.

Nguyễn Ngọc Lan Chi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.