(iHay) Sau bữa sáng với món lươn tươi béo ngậy và cay nồng, tôi được bạn đưa đi tham quan đền vua Quang Trung, ngắm toàn cảnh thành phố Vinh và sông Lam. Tuyến đường lên núi khá đẹp với hoa mua đang mùa nở rộ tím biếc.
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 1: Dọc đường Trường Sơn
|
Ngày 2 (18/4): Vinh (Nghệ An) – Đồng Hới (Quảng Bình)
Lịch trình: Vinh – ngã Ba Đồng Lộc (42km) – đèo Ngang(110km) – động Phong Nha (61km) – thành cổ Đồng Hới (45km).
|
Bâng khuâng bên đồi hoa sim Đồng Lộc
Chia tay những người bạn ở Vinh, tôi bắt đầu đi độc hành từ cầu Bến Thủy. Thẳng đường quốc lộ 1A, rẽ đường tỉnh lộ 6, đi khoảng 40km, tôi đến ngã ba Đồng Lộc, địa danh thân quen không chỉ với tôi mà đối với bất kỳ ai dù chưa một lần đến nơi này! Tôi đến đây vào đúng trưa nắng, một ngày thường nhưng cũng khá đông du khách đến thăm viếng.
|
Quanh khu vực Ngã ba Đồng Lộc có khá nhiều khu đồi trồng hoa sim, hoa mua. Đúng vào mua hoa nở nên các khu đồi phủ kín màu tím ngắt. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều hoa sim, hoa mua như thế.
|
Ngay bên lối vào khu mộ là một hố bom, dấu tích của trận chiến ác liệt năm xưa. Mười nấm mộ ngay ngắn luôn nghi ngút hương khói và ngát hương hoa cúc trắng do du khách viếng thăm để lại. Đứng nơi đây, nhìn những di ảnh của các chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, tôi bồi hồi, chợt nhớ tới những vần thơ cũ:
“Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom..." (trích Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ).
"Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được!…” (trích Cúc ơi! - Nhà thơ Yến Thanh).
|
Quay lại Quốc lộ 1A tôi thẳng tiến đến đèo Ngang. Dọc bên đường là những cánh đồng lúa trổ đòng xanh mướt mắt.
|
Đến đèo Ngang, tôi đi xe lên đồi cao nơi có trạm thu phát để ngắm toàn cảnh đèo. Những cánh đồng ở đây có vẻ như được trồng sớm hơn đã chớm ngả màu vàng.
|
Kỳ vĩ đường vào Phong Nha
Qua cầu Gianh, tôi rẽ phải đi đường tỉnh lộ 2B đến đường Hồ Chí Minh, tiến về Phong Nha (Quảng Bình). Những đồng lúa quanh đây được chia thửa với những hình dáng kỳ lạ kết hợp với ráng chiều rất đẹp. Khung cảnh đường Hồ Chí Minh xẻ dọc đồng lúa xanh với hàng xe đạp của một đoàn đi xuyên Việt dưới ánh sáng le lói của mặt trời khiến tôi vô cùng thích thú.
Tôi làm quen và chụp hình với nhóm, được biết đoàn đi từ Hà Nội và dự định đi hơn 30 ngày và vào tận mũi Cà Mau. Một hành trình thật thú vị. Họ rủ tôi cùng tham gia nhưng tôi từ chối vì lịch trình và phương tiện đều khác.
Chạy dọc sông Son tôi đến động Phong Nha lúc chạng vạng tối. Hai bên bờ là những dãy núi trùng điệp, cùng với ráng chiều rực rỡ in bóng xuống mặt nước sông Son.
|
Đồng Hới thanh bình bên dòng sông Nhật Lệ
Từ Phong Nha tôi chạy đường Hồ Chí Minh để về Đồng Hới, thành phố nhỏ thanh bình nằm bên bờ sông Nhật Lệ. Tôi chọn một nhà nghỉ bên bờ sông và ăn tối với món bún thịt nướng ngay sát thành cổ Quảng Bình.
Cầu Nhật Lệ về đêm lung linh vô cùng. Những chòi cá nhỏ là điểm nhấn trên dòng sông thêm huyền ảo. Tôi đi dạo dọc bờ sông, ngắm nhà thờ Tam Tòa và tượng đài mẹ Suốt.
|
Ngày 3 (19/4) : Đồng Hới (Quảng Bình) – Khe Sanh (Quảng Trị) – A Lưới (Huế)
Lịch trình: Đồng Hới – Nghĩa trang Trường Sơn (80km) – Cầu Hiền Lương (30km,) – Khe Sanh, Lao Bảo (100km)- Cầu ĐaKrông (32km) – A Lưới (91km). Tổng cộng khoảng 333km.
Sơ đồ hành trình
Nghĩa trang Trường Sơn
Rời Đồng Hới, tôi chạy dọc đường Hồ Chí Minh (lối Trường Sơn đông) để tới nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đoạn đường này rất vắng, nắng rực rỡ chiếu qua những khu rừng bạt ngàn keo, thông.
|
Đêm tại thành phố Vinh, tôi đã được nghe nhiều câu truyện tâm linh huyền bí tại nghĩa trang Trường Sơn. Thậm chí, người bạn còn khuyên tôi không nên vào đây lúc giữa trưa hoặc chiều muộn, hoặc đi quá sâu vào chỗ vắng người.
Trên thực tế, dù nằm ở một nơi xa xôi hẻo lánh là thế nhưng nghĩa trang luôn đông du khách thăm viếng. Tôi đến đây vào lúc gần trưa nắng như đổ lửa nhưng vẫn thấy từng đoàn người lặng lẽ nghiêng mình vào viếng các liệt sĩ.
|
Nghĩa trang Trường Sơn được xây dựng với kiến trúc bố cục đặc biệt với nhiều nhóm tượng. Đầu tiên, nhóm tượng đài trước cổng nghĩa trang đều làm bằng đá trắng rỗng ruột thể hiện sự mất mát. Nhóm tượng “lên đường” bằng đồng thể hiện không khí rạo rực lên đường của đoàn quân.
Nhóm tượng “tiễn con lên đường” với hình ảnh mẹ già bịn rịn lúc con đi. Nhóm tượng “thanh niên xung phong” với những cô gái mở đường, gùi hàng…Tất cả những bức tượng trong khuôn viên nghĩa trang như làm sống lại một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của dân tộc.
|
Các khu mộ trải dài trên các quả đồi được phân theo vùng miền và mỗi khu đều có nhà tưởng niệm mang tính đặc trưng của từng địa phương đó. Xen giữa các khu mộ là những khu đồi cây, lối đi lát đá và hoa nở hai bên.
|
Dưới bóng cây bồ đề tôi thấy các cựu chiến binh lặng lẽ thắp nén nhang, bùi ngùi trước những hàng mộ đồng đội chạy dài như bất tận. Lòng tôi dâng trào những cảm xúc bồi hồi trước những con người đã anh dũng hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, vì một nền độc lập tự do.
Vĩ tuyến 17
Từ nghĩa trang Trường Sơn, tôi chạy đường tỉnh lộ 75 ra quốc lộ 1A đi Dốc Miếu đến cầu Hiền Lương và vĩ tuyến 17 cùng khu phi quân sự DMZ.
|
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt đất nước trong suốt 21 năm, từ năm 1954 - 1975. Hiện nay, trên sông Bến Hải có hai cầu nối đôi bờ Hiền Lương. Một chiếc cầu bê tông để giao thông và một chiếc cầu sắt được phục dựng để trưng bày tham quan.
Một cụm di tích lịch sử cũng phục dựng nguyên vẹn gồm: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Bảo tàng, nhà Liên hợp, đồn công an vũ trang giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài Khát vọng thống nhất ở phía bờ Nam.
Trên tượng đài Khát vọng thống nhất có khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
|
Tham quan xong cụm di tích, tôi quay lại Dốc Miếu cũng đã quá trưa. Cuối dốc là hàng loạt những quán nước với hàng võng dưới tán tre xanh mát bên những trái dừa như mời gọi hấp dẫn. Tôi chọn một quán nghỉ ngơi. Ăn bát bún bò, uống trái dừa mát lạnh và nằm võng dưới tán tre hiu hiu gió thổi, không thể tuyệt vời hơn.
(còn tiếp)
Phượt ký của Ngô Huy Hòa
>> Độc hành xuyên Việt trong 18 ngày
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 1: Dọc đường Trường Sơn
Bình luận (0)