(iHay) Từ Quy Nhơn băng qua vịnh Xuân Đài, chúng tôi rẽ thăm hải đăng gành Đèn và gành Đá Đĩa là tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp với nhau, trông xa như tổ ong thiên tạo vô cùng kỳ vĩ. Tuy là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia nhưng địa danh này vẫn chưa thu hút được nhiều du khách.
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 8: Chinh phục thác 9 tầng ở Ia Sao
Ngày 10 (26.5): Quy Nhơn – Tuy Hòa – Vũng Rô – Đầm Môn
Lịch trình: Quy Nhơn – Sông Cầu (44km) – gành Đá Đĩa (30km) – TP. Tuy Hòa (37km) - Vũng Rô (42km) – Đầm Môn (30km).
|
Thực ra, nếu chỉ đi ngắm thì khu vực này quá nhỏ, bạn chỉ đi lòng vòng chục phút là hết, nếu chúng tôi không tìm cảnh để chụp ảnh thì cũng khá phí công đi lại xa xôi. Xung quanh đây cũng chỉ có thêm hải đăng gành Đèn được là điểm du lịch, còn bên cạnh là bãi biển, có thể tắm được nhưng chưa có đường thông sang để khai thác du lịch.
Thiết nghĩ, địa phương cần phải đầu tư nâng cấp cụm khu vực thành quần thể du lịch, tắm biển thì mới mong thu hút nhiều du khách. Bác bảo vệ mang sổ lưu bút của du khách ra mời viết khi chúng tôi về nghỉ. Được biết đây là khảo sát của ban quản lý khu, nên tôi cũng để lại vài lời nhận xét.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Hàng quán thì tiêu điều, chỉ có mấy quán bán rong. Đặc sản nơi đây thấy có dứa biển, nhưng lại không có nước và không ăn được, mà chỉ làm đồ khô mang về ngâm rượu. Chèo kéo mãi nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì với thứ quả này, nên chỉ mừng tuổi bác bán hàng chút quà thôi.
|
Để về thành phố Tuy Hòa, nhờ tư vấn người dân chúng tôi chạy dọc đường bờ biển rất đẹp mà không phải quay lại đường quốc lộ 1. Dọc đường qua nhiều làng quê, chúng tôi thấy khá nhiều cây xoài mọc hoang bên vệ đường. Thế là chúng tôi được trèo cây hái quả thưởng thức món xoài xanh chua giòn ngay trên cành cây.
Qua thành phố, vượt cầu Hùng Vương bắc qua sông Đà Rằng, qua sân bay Đông Tác, chúng tôi lại chạy dọc cung đường biển tuyệt đẹp. Đường Phước Tân – Bãi Ngà trải nhựa mới toanh men theo bờ biển dẫn chúng tôi qua Bãi Môn dưới trời xanh, mây trắng.
Bãi Môn xứng đáng là một trong những bãi biển đẹp nhất khu vực với địa hình cong thoải dài, cát trắng ngà mịn màng, hoang sơ. Đứng từ Bãi Môn nhìn lên Mũi Điện, ngọn hải đăng cao chót vót đứng đón gió biển trông thật uy nghi.
Từ bãi Môn phải leo bộ chừng nửa giờ mới lên tới ngọn hải đăng. Đây cũng là nơi gắn bia đá công nhận chính thức là cực Đông đất liền Việt Nam, dễ dàng cho du khách tham quan. Tuy vậy, đã từ lâu rồi Mũi Đôi - Khánh Hòa mới được dân du lịch xác định là cực đông chuẩn.
|
|
|
|
Vượt qua đèo núi Đá Bia - ngay sau mũi Diện là tới vịnh Vũng Rô. Đây là một vịnh nhỏ rất đẹp, với nhiều bè nuôi tôm hùm nằm san sát trên mặt vịnh tạo cảnh quan rất đặc trưng. Tôi nghe nói, nơi đây sắp được quy hoạch thành cảng biển tổng hợp chuyên cho sản phẩm dầu, container và các hộ dân sẽ phải dừng việc làm bè nuôi tôm. Đây cũng di tích lịch sử Quốc gia với mốc đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi trước đây là địa chỉ tiếp nhận vũ khí vào Nam từ những chuyến tàu không số.
|
|
|
|
|
Vượt qua đèo Cả, chúng tôi hướng tới Mũi Đôi, là mục tiêu cực Đông cần khám phá. Liên hệ với chú Ba nhờ hướng dẫn, chúng tôi tìm đường vào đầm Môn. Đường vào Đầm Môn là cung đường qua miền cát trắng mênh mông, với những luồng gió mang vị mặn của biển và tiếng sóng vỗ rì rào. Những con đường nơi đây bị bao phủ bởi cát. Cát loang lổ phủ trùm mặt đường khiến quang cảnh hoang sơ và cũng khiến cho lái xe phải hết sức cẩn thận.
Đến km số 0 Đầm Môn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường trải nhựa rộng thênh thang kéo dài tít tắp qua đồi cát trắng ngút ngàn. Chúng tôi như đang đứng trên đường đua xe qua miền sa mạc hoang vu nào đó. Được biết tuyến đường mới được đầu tư theo dự án kinh tế gần đây, nhưng hiện đã bị dừng.
|
|
|
|
|
|
Chú Ba tư vấn qua địa thoại, giọng địa phương của chú rất khó nghe làm chúng tôi loay hoay mãi mới tìm thấy con đường mòn nhỏ băng qua đồi cát để tới điểm nghỉ, cũng là nhà chú Ba. Cung đường xuyên đồi cát quả thực gian nan, thật khó có thể một mình vượt qua hoang mạc cát để vào được khu vực này. Mặt trời dần buông phía chân trời, chúng tôi vẫn hì hục đẩy xe qua những cồn cát. Bánh xe quay tít, bụi bay mù mịt, cộng với việc trải qua một ngày dài mệt mỏi khiến chúng tôi vô cùng uể oải.
Nhiều lúc, chúng tôi đã nghĩ đến việc để xe vào lùm cây rồi đi bộ cho khỏe. Nhưng rồi những cố gắng cũng giúp chúng tôi qua được đoạn cồn cát, thì tiếp đến là những con đường đất sạt lở. Những khe sạt lở nhiều và to như thân trăn quằn mình trên mặt đường nhấp nhô. Nó như những bẫy tử thần mà chúng tôi phải lần mò, dò dẫm trong bóng tối để tránh. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà chú Ba. Ngôi nhà nằm bên bờ biển, chúng tôi phải để xe và leo bộ xuống vài trăm mét.
|
|
|
|
Vừa đói vừa mệt, bữa tối hôm đó quả là đáng nhớ với chúng tôi. Vợ chồng chú Ba còn làm và nướng giúp con vịt mà chúng tôi chuẩn bị sẵn mang theo. Bia lạnh, cùng với thịt vịt nướng trên bếp hồng bên sóng biển rì rào quả là phần thưởng sau những nỗ lực của chúng tôi. Quả là một ngày đáng nhớ với gió biển cùng miền cát trắng.
Tôi mắc lều ngủ ngay trên bãi biển, bên sóng vỗ rì rào. Mệt mỏi với hành trình vất vả, tôi đặt mình ngủ thiếp đi. Nửa đêm bị đánh thức bởi biển động, sấm chớp nhì nhằng như xé toạc đêm đen trên biển trời bao la. Tôi nằm không yên đã đành nhưng lại càng lo lắng hơn nếu mà có giông bão thì chuyến đi bộ khám phá cực đông sẽ vô vàn khó khăn. Quả là một đêm dài bên bờ biển động.
(còn tiếp)
Phượt ký của Ngô Huy Hòa
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 6: Một tiếng gà gáy, ba nước nghe thấy
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 5: Kỳ ảo một dải Lăng Cô
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày: Toát mồ hôi với dịch vụ 'vui vẻ' ở Lăng Cô
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 3: Đêm cô đơn trên đường Trường Sơn
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 2: Thăm nghĩa trang Trường Sơn
>> Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 1: Dọc đường Trường Sơn
>> Độc hành xuyên Việt trong 18 ngày
Bình luận (0)