Đọc Khi đồng minh tháo chạy - Kỳ 2: Từ “cho không” đến “cho vay”

18/08/2005 22:47 GMT+7

Từ "cho không" (viện trợ không đòi lại) đến "cho vay" (viện trợ có đòi trả) là một khoảng cách thăm thẳm, biến Hoa Kỳ từ một người tình hào hoa thành một chủ nợ chi li, tính toán. Điều đó đã xảy ra trong quan hệ giữa Washington và Sài Gòn vào những năm của "cuộc tình tàn".

 

Cụ thể, theo Nguyễn Tiến Hưng, mùa hè 1974 lúc quan hệ hai bên "mỗi lúc một bi đát hơn", ông Thiệu có bàn với Đại sứ Martin việc yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ cấp một "ngân khoản cuối cùng" cho miền Nam. Tuy Martin đồng ý và bắt tay vận động, song Thiệu vẫn phòng hờ kết quả bất lợi, nên cho triển khai nghiên cứu Kế hoạch vay viện trợ (USAID Loan Plan). Nghĩa là, thay vì yêu cầu Hoa Kỳ "cho không" 12 tỉ (1971), 2,1 tỉ (1972), hoặc 1,4 tỉ USD (1973), thì nay hãy "cho vay" và nếu được chấp thuận Sài Gòn sẽ xem đó "như một ân huệ cuối cùng". Nhưng ngay cả "ân huệ" này cũng bị Hoa Kỳ trù trừ, xét lại, Thiệu ngao ngán: "Bây giờ Việt Nam (VNCH) đã thành một tình nhân già, sắp bị bỏ rơi rồi" (tr.307).

 

Trước khi mọi hy vọng tắt hẳn, kế hoạch "đi vay" vẫn được đem ra bàn trong phiên họp giữa ông Thiệu với dân biểu Steven Symms, có cả Nguyễn Tiến Hưng dự. Ông Symms sốt sắng: "Nếu đào thấy dầu hỏa, liệu ngài có sẵn sàng trả lại, thí dụ như 10% số tiền chuẩn chi (cho vay) đó không?". Thiệu đáp: "Tiềm năng dầu hỏa ngoài khơi Việt Nam rất tốt; Hoa Kỳ có thể lấy đó làm thế chân" (....). Hồi đó các chuyên viên của VNCH (Sài Gòn) ước tính lợi tức tương lai do dầu hỏa ngoài khơi mang lại sẽ vào khoảng 1 tỉ đô la mỗi năm, căn cứ vào những kết luận kỹ thuật, tài chính và kinh tế của dự án "tiền khả thi" của các công ty khoan dầu (tr.309).

 

Đối với Sài Gòn, khai thác tiềm năng dầu hỏa mỗi năm được 1 tỉ đô la là con số "đẹp như mơ". Bởi cách đó không lâu, họ đã năn nỉ, vận động Quốc hội Hoa Kỳ đồng ý tăng thêm chỉ 300 triệu đô la quân viện để phân ra khẩn cấp cho: Lục quân 203 triệu bao gồm các chi phí về: đạn dược, xăng nhớt (132 triệu), thuốc men (6 triệu), đồ phụ tùng (48 triệu), vật liệu khác (17 triệu). Số còn lại chi 91 triệu cho Không quân gồm: thực hiện các phi vụ (29 triệu), đạn dược (13 triệu), đồ phụ tùng (32 triệu), vật liệu (17 triệu). Và 6 triệu đắp vào những chi phí phát sinh (nhưng cuối cùng, 300 triệu đó cũng không được chấp thuận). Qua thái độ nài nỉ, nôn nóng của Sài Gòn trong việc yêu cầu quân viện từ Hoa Kỳ đã cho thấy hoạt động của quân đội Sài Gòn phụ thuộc vào nguồn tiền ngoại viện ra sao. Nói rõ hơn sự phụ thuộc này, Nguyễn Tiến Hưng viết: Có lần sau khi họp với ông Thiệu về tình hình viện trợ, tôi ở lại một mình trong phòng họp (còn gọi là Phòng Tình hình ngay sát văn phòng ông) để ghi lại những điểm quan trọng. Trên bàn  họp  tôi  thấy    một  quyển sách mỏng, đóng bìa cứng, màu đỏ, rất đẹp, do ông mang vào. Nhìn thoáng thấy trên bìa lại có hình ông, tưởng ông muốn cho tôi đọc quyển sách ai mới viết về ông, tôi mở ra xem. Vừa lật tờ bìa, tôi thấy ngay nó không phải là một cuốn sách mà là một tài liệu báo cáo do tướng Murray cùng với Bộ Tổng tham mưu trình lên. Tài liệu này phân tích ảnh hưởng của các mức quân viện tới khả năng chiến đấu, phân chia theo từng quân, binh chủng. Tôi lướt qua và chỉ đọc vài trang cuối. Phần kết luận được tóm tắt như sau:

 

- Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỉ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn vùng chiến thuật;

- Nếu là 1,1 tỉ thì Quân khu I phải bỏ;

- Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt;

- Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và khó điều đình được với Bắc Việt;

- Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ Việt Nam Cộng hòa chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long.

 

Đó là năm tuyến phòng thủ tương đương với năm mức độ quân viện. Tướng Murray kết luận: "Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy". (tr.234-235).

 

Để bù vào lỗ hổng khổng lồ về tài chính sau ngày viện trợ bị cắt, kế hoạch "đi vay" nhắm đến nguồn dầu chưa khai thác. Nhưng dầu không phải là thứ thế chấp duy nhất: Ông (Thiệu) bảo tôi thảo gấp một lá thư gởi cho Tổng thống Ford đề nghị vay 3 tỉ trong 3 năm, chia ra mỗi năm 1 tỉ. Ông hy vọng rằng, ngay trước mắt, đề nghị này có thể trì hoãn được việc Quốc hội (Hoa Kỳ) bỏ phiếu "chống viện trợ"... Theo kế hoạch, nếu tại Washington (lúc ông Hưng được phái sang đó vận động ngoại viện - M.N) tôi dò xét thấy có triển vọng về khoản vay thì sẽ đánh điện về ngay để ông Thiệu ký lá thư và trao cho Đại sứ Martin. Về khoản thế chấp, nếu Quốc hội đồng ý cứu xét và bắt đầu bàn cãi, VNCH sẽ đưa ra làm bảo đảm, "thế chân" bằng những tài nguyên sau:

 

- Tiềm năng dầu lửa;

- Tiềm năng xuất cảng gạo ;

- Khoản tiền của vua Haled hứa cho vay; và:

- Số vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc gia.

 

Số vàng dự trữ lúc đó còn 16 tấn, trị giá khoảng 120 triệu (theo giá vàng lúc đó). Đại sứ Martin đã sắp xếp giúp để chuyển ra ngoại quốc, vừa cho an toàn, vừa để làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược. Sau này, ông Martin trình bày về dự trữ vàng với Quốc hội Hoa Kỳ (ngày 27.1.1976) như sau: "Những sắp xếp tạm thời đã được thực hiện để chuyển số dự trữ vàng (của VNCH) sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Based bên Thụy Sĩ để có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược bên u châu. Khi tin này lộ ra, thì đã không còn cách nào chở vàng đi bằng hàng không thương mại được nữa. Bởi vậy có những sắp xếp (tiếp theo) để chuyển nó sang tài khoản (của VNCH) tại Ngân hàng Dự trữ liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York). Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa Kỳ trong việc tìm nguồn bảo hiểm (cho việc chuyên chở số vàng) thì TT Thiệu đã ra đi (tr.311-312).

 

Trong các thứ "thế chân" trên đây, ta thấy có khoản tiền của vua Haled ở khối Ả Rập hứa cho Sài Gòn vay. Nghĩa là lấy lời hứa cho vay (của vua Haled) để thế chấp đi vay nợ khác (của Hoa Kỳ). Những diễn tiến tiếp theo mang nhiều kịch tính hơn, như chúng ta sẽ thấy sau này.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

 

Mai Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.