'Đọc sách nhiều sẽ không nghĩ chuyện đánh nhau'

Hà Ánh
Hà Ánh
16/05/2019 19:13 GMT+7

Đọc sách là một biện pháp phòng chống bạo lực học đường vì khi đó sẽ có suy nghĩ tích cực hơn và không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau.

Chiều 16.5, đoàn công tác Bộ GD-ĐT đã đến làm việc tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (Bình Thuận).

 

 

Đọc sách để có suy nghĩ tích cực

Theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận: “Không dám khẳng định Bình Thuận không có bạo lực học đường. Trong một trường, học sinh chọc nhau là chuyện bình thường nhưng bạo lực để bị đưa lên mạng xã hội như vừa qua thì chưa có”.

Theo ông Thái, hầu hết học sinh đều được cha mẹ trang bị điện thoại thông minh nhưng các em chưa hiểu được việc đăng tải thông tin lên mạng như thế nào cho đúng. Vì vậy, ngay với thầy cô giáo phải cố gắng sử dụng mạng xã hội lành mạnh, đúng mục đích. Sử dụng mạng xã hội theo phương chấm lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận đã có 3 văn bản gửi các trường trên địa bàn, đặc biệt là trường THCS về tình hình đuối nước, kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy sau vụ cháy ở Carina (TP.HCM) và phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh.

Ngoài ra, ông Thái cho rằng học sinh còn cần được tập thói quen đọc sách. “Đọc sách cũng chính là một trong những biện pháp phòng chống bạo lực học đường, đọc sách sẽ giúp học sinh có suy nghĩ tích cực hơn. Khi có suy nghĩ tích cực hơn, học sinh sẽ không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau”, ông Thái nói.      

Ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Bình Thuận) cũng chia sẻ: “Trước đây tôi đi học giáo viên có thế nào cũng không dám về mách phụ huynh nhưng nay khác nhiều lắm. Điều này rất áp lực với thầy cô giáo. Làm sao để phụ huynh học sinh khi bước vào cổng trường phải thấy được sự nghiêm khắc, đó là quan điểm giáo dục của nhà trường”.

“Tôi đã nói với bậc phụ huynh, ngay như chiếc xe đang chạy mà bị hư thì phải sửa. Học sinh cũng vậy, nếu hư phải xử lý, thậm chí nếu có chậm một năm học cũng không sao”, hiệu trưởng này trăn trở.

Chọn bài thi khoa học xã hội vì dễ lấy điểm hơn

Về công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm nay, ông Thái cho biết toàn tỉnh có 26 điểm thi, hiện địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị.

“Theo số lượng thí sinh đăng ký dự thi, toàn tỉnh năm nay chỉ có 17% học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. Nhưng điểm mới rất đáng chú ý là số thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội lại nhiều gấp đôi so với bài thi khoa học tự nhiên. Tôi đã hỏi một thí sinh ngẫu nhiên thì được trả lời thi khoa học xã hội dễ lấy điểm hơn”, ông Thái nói.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo nhóm, theo trình độ. Nếu chỉ thi xét tốt nghiệp thì tổ chức ôn riêng vì chỉ cần nhận biết, thông hiểu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.