Đổi đời bằng máu và nước mắt

Khánh Hoan
Khánh Hoan
28/10/2019 09:00 GMT+7

Xã Đô Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) trở thành xã giàu có bậc nhất ở Nghệ An sau hơn 20 năm có nhiều người lặn lội mưu sinh ở châu Âu. Tuy nhiên, cuộc đổi đời này cũng phải đổi bằng máu và nước mắt.

Từ một làng quê nghèo, sau hơn 20 năm, nhiều người lặn lội mưu sinh ở châu Âu, xã Đô Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) trở thành xã giàu có bậc nhất ở Nghệ An. Tuy nhiên, cuộc đổi đời này cũng phải đổi bằng sự nhọc nhằn, thậm chí cả tính mạng.
Đô Thành từng là xã nghèo nhất H.Yên Thành khi người dân chủ yếu sống bằng khoai, lúa. Những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người dân ở đây đi buôn gỗ, làm mộc. Đồ gỗ Đô Thành từng nổi tiếng khắp cả vùng vì mẫu mã đẹp. Thế nhưng, đến đầu những năm 1990, thị trường đồ gỗ trở nên bão hòa, sản phẩm làm ra ế ẩm nên người dân bỏ nghề. Một số người bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm tương lai bằng việc xuất ngoại đến Nga, Ba Lan, Đức để lao động kiếm sống.

Đổi đời

Nhờ cần cù, chịu khó chắt chiu, cuộc mưu sinh ở xứ người đã mang lại hiệu quả. Một người sang làm ăn ổn định có tiền gửi về, kéo theo anh em ruột thịt sang theo. Kể từ năm 2000, nhiều người đang làm ở Nga, Ba Lan, Đức, Pháp đã sang Anh để tìm kiếm việc làm và nhiều người đã rất thành công. Tiền từ nước ngoài gửi về nhiều, người dân bắt đầu xây dựng nhà lầu, biệt thự, mua sắm ô tô. Bộ mặt vùng quê nghèo đã nhanh chóng thay đổi.

Gia đình anh T. lập bàn thờ vọng cho con khi anh T. hoàn toàn mất liên lạc sau mấy ngày tìm cách sang Anh

Ảnh: K.Hoan

Hiện nay, dọc hai bên con đường nhựa liên xã Đô Thành, những dãy nhà cao tầng, sầm uất như dãy phố ở các đô thị. Nhiều căn biệt thự cao 3 - 4 tầng được xây với nhiều tỉ đồng. Nhiều xe hơi hạng sang cũng được tậu về đây. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho biết hiện xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu, hơn 1.000 người buôn bán tại Lào, gần 500 người đang làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Cuộc sống người dân đã thay đổi. Xã có hơn 4.000 gia đình thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự. Sau nhiều năm lao động ở xứ người, nhiều người ở Đô Thành đã quay về quê đầu tư làm ăn.
Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND H.Yên Thành, cho biết hiện có hơn 15.000 người dân của huyện đang lao động ở nước ngoài, hằng năm gửi về hơn 200 triệu USD (tương đương gần 5.000 tỉ đồng).

Đồng tiền xương máu

Có nhiều con đường để sang được châu Âu. An toàn nhất là đi xuất khẩu lao động hợp pháp ở các nước đã có hợp tác lao động với VN như Rumani, Đức, Ba Lan... Sau khi hết thời hạn hợp đồng hoặc còn thời hạn, một số người bỏ trốn ra ngoài lao động “chui” và tìm cách đến nước Anh, nơi được coi là có nhiều việc làm và thu nhập cao. Năm 2018, PV Thanh Niên tiếp cận 2 người ở TP.Vinh và H.Yên Thành, tự giới thiệu là môi giới tổ chức đưa người sang châu Âu. Hai người này giới thiệu, nếu đi Đức, giá trọn gói là 22.000 USD, nếu đi Anh thì chi phí là 32.000 USD. Có 2 cách để sang châu Âu là “đi cỏ” hoặc đi đường chính thống. “Đi cỏ” (tức đi theo đường chui bất hợp pháp) bằng cách sang Nga. Tại đây sẽ có người của đường dây tìm cách vượt biên qua từng chặng từ Ukraine, Belarus rồi sang Đức, Pháp và qua Anh. Đi chính thống thì làm thị thực du lịch sang Nga, sau đó người của đường dây sẽ làm giấy tờ để đưa họ sang Đức, Pháp rồi qua Anh.
Tuy nhiên, nhiều người đã không thành công với cách vượt biên đầy mạo hiểm nói trên. Sau một thời gian ở Nga, không qua được Ba Lan, Đức..., họ đã phải quay về. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thời gian gần đây, nhiều người đã chọn cách an toàn hơn là đi xuất khẩu lao động hợp pháp. Một số người sau đó trốn ra ngoài đến các nước Đức, Anh để tìm kiếm việc làm khác.
Ông N.Đ.S (ngụ xã Đô Thành) có con trai là N.Đ.T (26 tuổi) hiện đang bị mất liên lạc sau khi vượt biên từ Pháp sang Anh, cho biết tháng 3 vừa qua, anh T. sang Rumani làm việc với chi phí phải trả là 70 triệu đồng. Tuy nhiên, do lương thấp nên sau đó anh T. bỏ ra 330 triệu đồng để một đường dây đưa sang Đức làm việc. Do công việc ít nên anh T. quyết định sang Anh bằng đường bất hợp pháp với chi phí 11.000 bảng Anh. Trước khi đi, anh T. gọi điện về báo cho vợ rằng mình đang ở Pháp và chuẩn bị sang Anh. Đến ngày 22.10 thì gia đình hoàn toàn mất liên lạc. Ông L.T (ngụ xã Đô Thành) cũng cho biết, tháng 6 vừa qua, con trai ông là anh L.V.H (30 tuổi) cũng sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó Hy Lạp rồi đến Pháp với chi phí 22.000 USD. Từ Pháp, anh Hà mất thêm 11.000 bảng Anh để được đưa qua Anh. Ngày 22.10, anh H. gọi điện về báo tin chuẩn bị sang Anh và sau đó gia đình cũng mất liên lạc với anh H. Đến chiều 27.10, ở xã Đô Thành, có 3 gia đình đang lo lắng khi 4 ngày qua, họ hoàn toàn mất liên lạc với con mình sau khi thực hiện hành trình từ Pháp sang Anh.

Công an lấy mẫu ADN người thân có con mất tích khi sang Anh

 
Ngày 27.10, trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Đặng Hoài Sơn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này đang cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, làm rõ thông tin 8 gia đình ở H.Can Lộc (Hà Tĩnh) và 1 gia đình ở TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) trình báo có con mất tích khi đang trên đường qua nước Anh. Theo đại tá Sơn, toàn bộ 9 gia đình nói trên đều cho biết mất liên lạc với các con của mình suốt nhiều ngày qua nên nghi ngờ có thể con họ nằm trong số 39 người chết cóng trong thùng xe container ở Essex, Anh và được cảnh sát nước này phát hiện hôm 23.10.
Ông Bùi Huy Cường, Phó chủ tịch UBND H.Can Lộc, cho hay trong sáng cùng ngày (27.10), Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã về 8 gia đình trình báo có con mất tích khi trên đường qua Anh để lấy các mẫu tóc, máu và một số giấy tờ cần thiết để xác định ADN phục vụ cho công tác xác minh danh tính 39 người tử vong có phải là công dân VN hay không.
Phạm Đức
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.