Đổi đời nhờ nuôi chim bồ câu Pháp

17/01/2013 10:25 GMT+7

Nhờ nuôi bồ câu Pháp, anh Hà Văn Thu (42 tuổi, ngụ tổ 7, khu phố Tân Trà II, P.Tân Bình, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) đã thoát khỏi cảnh hàng ngày phải hành nghề xe ôm

Nhờ nuôi bồ câu Pháp, anh Hà Văn Thu (42 tuổi, ngụ tổ 7, khu phố Tân Trà II, P.Tân Bình, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) đã thoát khỏi cảnh hàng ngày phải hành nghề xe ôm.

Đổi đời nhờ nuôi chim bồ câu Pháp
Anh Hà Văn Thu đã đổi đời nhờ chim bồ câu Pháp - Ảnh Phước Hiệp

Gia đình anh Thu không phải là người có nhiều đất. Công việc lâu nay của anh chủ yếu là sống bằng nghề chạy xe ôm, còn chị Nguyễn Thị Thanh Nhã (vợ anh Thu) thì bán hàng rong. Cái duyên đến cái nghề nuôi chim bồ câu của anh chị nghe cũng rất tình cờ. Để tăng thu nhập từ cái nghề chạy xe ôm, anh thường nhận chở hàng phụ cho những đám cưới. “Những lần như thế tôi thấy món bồ câu được mọi người dân rất ưa chuộng, thường xuyên đặt món ăn này. Vì đây là loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, an toàn, thị trường hấp dẫn mà chưa có cá nhân hay tổ chức nào đầu tư nuôi quy mô lớn. Qua tìm hiểu trên mạng internet, đầu năm 2010, gia đình tôi  vay vốn ngân hàng 70 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 40 cặp bồ câu (tại TP. HCM) với giá 800.000 đồng/cặp về nuôi thử nghiệm”, anh Thu nhớ lại.

Qua thời gian chăm sóc và nhân giống, đến nay trại bồ câu của gia đình anh đã phát triển lên 300 cặp. Bồ câu anh Thu nuôi thuộc giống bồ câu Pháp, là giống chuyên nuôi lấy thịt, dễ thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa và tỷ lệ nuôi sống cao.

Theo lời anh Thu, nuôi bồ câu là dễ nhất, thậm chí dễ nuôi hơn cả gà ta và cũng dễ làm giàu. Kỹ thuật nuôi đơn giản nên bất kỳ ai cũng có thể nuôi được và đặc biệt là thu lợi nhanh, cao. Cặp chim con giống được nuôi 6 tháng thì cho sinh sản, mỗi cặp đẻ 2 trứng/lứa/tháng và ấp khoảng 15 - 18 ngày thì nở (trong thời gian ấp nên kiểm tra trứng nếu thấy hư thì loại bỏ); chim ra ràng sau 10 ngày có trọng lượng khoảng 350-400g đem bán thịt với giá 120.000 đồng/cặp; chim sinh sản được nuôi hơn 5 tháng bán với giá 550.000 đồng/cặp. Theo như tính toán của anh Thu, sau khi trừ chi phí mỗi cặp chim thịt lãi 100.000 đồng; chim sinh sản lãi hơn 400.000 đồng. Chỉ với 300 cặp chim sinh sản nhưng đã đem về thu nhập cho gia đình anh Thu khoảng 300 triệu đồng/năm, trong khi đó đồng vốn bỏ ra cũng không nhiều. "Hiện nay, mặt hàng bồ câu thịt cũng như bồ câu sinh sản đang hút hàng, sản lượng cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Do đó, khách hàng muốn mua phải đặt trước, đặc biệt là bồ câu sinh sản" anh Thu nói.

Dựa vào kinh nghiệm của mình, anh Thu cho biết để nuôi bồ câu đạt hiệu quả khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim có lông bụng dày mượt, không dị tật, lanh lợi. Chuồng trại không cần diện tích lớn nhưng phải đảm bảo độ thông thoáng, có ánh sáng mặt trời, hàng tuần cần vệ sinh sạch sẽ một lần. Bồ câu sinh sản được nuôi tách riêng từng cặp trong chuồng, có lót ổ để chim đẻ và ấp trứng với mật độ khoảng 6 con/m2. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng nhiều loại thức ăn như cám, lúa, gạo lức và bổ sung thêm chất khoáng để tăng cường sức đề kháng. Một ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều) và thay nước sạch hàng ngày. Chim bồ câu ít bệnh, nên vào thời giao mùa chỉ cần cho uống thuốc phòng dịch là được.

Chọn đúng hướng đi, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén với thời cuộc, lại cần mẫn trong lao động đã giúp gia đình anh Thu "sống khỏe" với trại bồ câu của mình. Anh Thu cho biết, tới đây, gia đình anh sẽ mua thêm đất và nhân rộng mô hình lên 1.000 cặp bồ câu sinh sản.

Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.