Đòi nợ thuê - Bài 2: Những “độc chiêu”

11/05/2009 23:35 GMT+7

Ngoài chuyện “bắt người, tra tấn”, để cạnh tranh các nhóm đòi nợ nghĩ ra đủ “chiêu”, miễn sao con nợ phải trả tiền. Nghe đọc bài

Những kiểu đòi nợ “độc” Có những khoản nợ đủ giấy tờ, bản án có hiệu lực hẳn hoi nhưng không thể thi hành án. Theo một số thẩm phán, nguyên do là việc xác minh điều kiện thi hành án rất khó khăn; con nợ ngày càng khôn ngoan hơn, né đứng tên bất cứ tài sản nào để đề phòng trường hợp có thể bị đem phát mãi khi thi hành án... Nhưng các dịch vụ đòi nợ thuê thì khác, họ có trăm ngàn cách để con nợ phải mang tiền ra trả.  Thành (TP.HCM), đang sở hữu một website đòi nợ thuê, nói: “Chỉ cần hỏi con nợ có nợ không? Con nợ xác nhận “có”. Nợ phải trả, đó là chân lý”. Khác với các chấp hành viên thường xác minh điều kiện thi hành án công khai, các đối tượng đòi nợ thuê lại ngấm ngầm “điều tra”, không chỉ tài sản của con nợ mà cả tài sản của những người thân của con nợ, vì “đó cũng là cơ sở để đòi được nợ”.

Có thâm niên hành nghề hơn chục năm nên Thành am hiểu khá nhiều. Theo Thành, một người bình thường sợ nhất là tính mạng, tài sản của mình và người thân bị đe dọa, một doanh nghiệp thì sợ nhất mất uy tín. “Cứ bám vào đó là đòi được nợ. Một cuộc chạm trán với những gương mặt lạnh lùng, những cuộc điện thoại đòi nợ lúc nửa đêm, một cục đá ném vỡ cửa kính... đôi khi cũng là những lá bài rất hiệu nghiệm”, Thành nói. Một trong những chiêu mà Thành làm rất thành công đó là gửi thư đòi nợ đến tất cả các đối tác làm ăn của công ty X. Sợ mất uy tín làm ăn, công ty này phải xì tiền tỉ trả nợ. 

Trước đây, ở Hà Nội cũng từng có công ty dán băng-rôn đòi nợ trên xe đậu trước cửa công ty con nợ nhiều ngày liền, cho đến lúc thu được nợ mới thôi. Thậm chí, còn có chiêu đặt quan tài, vòng hoa đám tang gửi đến gia đình, công ty... con nợ để khủng bố, gây áp lực tinh thần...

Mai (TP.HCM), đang làm việc cho công ty thu hồi nợ D., bảo nếu đã liên hệ với con nợ yêu cầu trả nợ trực tiếp mà doanh nghiệp đó vẫn lơ thì “phải tìm biện pháp mạnh”. “Có lần tôi thuê một số đối tượng mặt mày lem luốc cứ sáng sáng lê la đến ngồi trước cửa công ty, đuổi không đi. Có khách đến là họ xán lại xin tiền, còn không cứ nằm ngồi vật vã vài ngày, công ty nợ sợ vãi linh hồn, gom tiền trả gấp”, Mai kể. Với những con nợ không có cơ sở kinh doanh, “chiêu” hình sự hóa đôi khi cũng được đem ra áp dụng. “Xem xét kỹ hồ sơ, tìm ra những điểm mấu chốt để căn cứ vào đó buộc con nợ vào hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cứ thế gửi đơn nhờ công an can thiệp. Ai chẳng sợ ở tù, công an mời vài lần là tiền giấu ở đâu cũng phải moi ra trả gấp”, Mai tiết lộ.

Từ chủ nợ thành... con nợ!

Tuy vậy, cũng có nhiều chủ nợ dở khóc, dở cười khi dính đến “nghiệp” đòi nợ thuê. Điển hình là trường hợp của chị C.H.H (ở TP.HCM). Làm ăn với nhau nhiều năm, chị H. rất tin tưởng anh T.N (33 tuổi, Việt kiều, giám đốc 2 công ty) nên khi hùn hạp 45 ngàn USD làm ăn với anh T.N., chị không hề viết giấy nhận tiền hay hợp đồng gì cả. Đến lúc cần tiền, H. nhiều lần đòi nhưng N. không chịu trả. Từ đó mâu thuẫn giữa 2 người bạn làm ăn càng ngày càng căng thẳng.

Tháng 6.2008, H. thuê Đỗ Hữu Cầu (tức Bình Trang, 35 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đòi nợ, Cầu được hưởng 50% trên tổng số tiền đòi được. Ngày 22.6.2008, khi T.N đang đứng trên đường Trường Sơn đón taxi thì bị Cầu cùng 3 đàn em bắt cóc đưa về một quán cà phê trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình), sau đó gọi điện thoại cho H. đến. Tại đây, T.N khẳng định không mượn tiền, còn H. không có giấy tờ chứng minh. Hai bên cự cãi với nhau quyết liệt nhưng vẫn không giải quyết được chuyện gì nên H. bỏ đi. Thấy không thể đòi được nợ như kế hoạch, Cầu bắt T.N đem về nhốt trong một khách sạn ở Q.Gò Vấp; rồi buộc con nợ gọi điện cho người nhà mang 600 triệu đồng đến chuộc người. Nhận được tin báo, công an vào cuộc bắt giữ Cầu, giải cứu N. Riêng H. cũng đang phải lẩn trốn vì sợ liên lụy. 

Cầu và băng nhóm bị bắt - ảnh: Đ.Huy

Bi kịch hơn là trường hợp của Đ.C.K.D (21 tuổi, tạm trú Q.7, TP.HCM). Năm 2004, mẹ D. mất do tai nạn giao thông nên bố D. đi thêm bước nữa. Tài sản của gia đình chỉ còn căn nhà ở khu dân cư Trung Sơn (Q.8). Lúc đó, bố của D. quyết định bán căn nhà được 1,8 tỉ đồng, chia cho 2 chị em gái D. mỗi người 400 triệu đồng. Do D. còn nhỏ nên phần của D. được giao cho chị gái (đã có gia đình) cất giữ giùm. Đến năm 2008, D. nhắc chị gái trả lại số tiền nói trên, nhưng lo em gái còn ham chơi, chưa có nghề nghiệp ổn định sẽ tiêu xài hết tiền nên người chị không đưa. Cho rằng chị gái muốn chiếm đoạt tiền, D. tìm và nhờ băng nhóm Lê Văn Thịnh (29 tuổi, quê Hải Phòng) đòi nợ. “Hợp đồng đòi nợ” được ký kết, nhóm của Thịnh sẽ hưởng được 40% trên tổng số tiền lấy được. Để thực hiện phi vụ, Thịnh điều động các đàn em đến nhà của chị gái D. ở H.Bình Chánh, chửi bới, đe dọa sẽ giết chết cả gia đình nếu không trả tiền...

Thấy “đối tác” quá dữ tợn, sợ sẽ gây hại đến gia đình chị gái, D. thay đổi ý định, ngưng chuyện đòi tiền và hứa sẽ trả cho Thịnh một ít tiền, nhưng nhóm đòi nợ không đồng ý vì “hợp đồng đã ký, phải thực hiện cho xong”. “Họ còn đe dọa sẽ đến đập cơ sở làm ăn của chị tôi trên đường Trần Hưng Đạo, đốt nhà của chị tôi, thậm chí giết chết tôi và bạn trai tôi nếu phá hợp đồng”, D. nói trong nước mắt. Nói là... hành động, Thịnh chỉ đạo đàn em liên tục đến nơi ở của D. gây áp lực, khiến không ít lần D. phải cầu cứu người thân; đồng thời đưa trước cho Thịnh 70 triệu đồng và viết giấy nợ Thịnh 90 triệu đồng, hẹn đến hết ngày 26.4.2008 trả tiền. Chưa hết, Thịnh còn ép D. viết thêm giấy thế chấp một lô đất và nắm giữ toàn bộ giấy tờ lô đất này. Gần đến hẹn trả tiền, Thịnh liên tục gọi điện, nhắn tin đến đe dọa với những lời lẽ đầy “tang tóc” khiến D. mất ăn mất ngủ, liên tục lẩn trốn.

Đêm 25.4, do chưa lo được tiền trả Thịnh, D. đã uống số lượng lớn thuốc ngủ tự tử. Rất may D. được phát hiện kịp thời đưa đi Bệnh viện An Bình (Q.5) cấp cứu và thoát chết trong gang tấc. Điều đáng nói, trong thời gian D. nằm điều trị tại bệnh viện, Thịnh tiếp tục nhắn tin đe dọa sẽ giết chết nếu không lo kiếm tiền trả cho hắn. Thậm chí, Thịnh còn chỉ đạo đàn em đến tận giường bệnh của D. dọa lấy mạng của nạn nhân... Vụ việc sau đó được cấp báo đến công an và khi nhóm của Thịnh đang nhận 90 triệu đồng còn lại của D. tại một quán cà phê ở Q.1 vào ngày 10.5 thì công an ập vào bắt quả tang. “Đây là một băng nhóm hội tụ toàn thành phần bất hảo, có nhiều tiền án tiền sự”, một cán bộ công an nói.

Những bài học nhớ đời như thế xảy ra không ít, nhưng rồi vẫn có người tìm đến “thế giới ngầm” nhờ đòi nợ. (Còn tiếp)

Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.