Đòi nợ thuê - Bài 4: Từ 10 đến 40%

14/05/2009 00:23 GMT+7

Để có một cái nhìn đầy đủ hơn về hoạt động đòi nợ thuê, chúng tôi đã tiếp cận với một công ty, có giấy phép, hoạt động hợp pháp theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ông S., giám đốc một công ty thu hồi nợ có trụ sở chính ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên), cho biết công ty của ông là một trong số ít những công ty hoạt động thu hồi nợ hợp pháp hiện nay.

"Nghị định 104 của Chính phủ quy định cho thành lập công ty đòi nợ thuê nhưng khi thành lập chúng tôi lấy tên là "thu nợ" để nghe cho nhẹ nhàng chứ không dám lấy tên là đòi nợ. Hiện chúng tôi đã có chi nhánh tại 4 địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng. Trung bình mỗi chi nhánh đang quản lý xấp xỉ khoảng 500 khách hàng có hợp đồng thuê công ty đòi nợ", ông S. nói.

Cũng theo ông S., lượng khách hàng tìm đến công ty này nhờ đòi nợ giúp có khoảng 70% là doanh nghiệp, thông qua các giao dịch kinh doanh, mua bán phát sinh nợ nần không thu hồi được nhưng không muốn khởi kiện ra tòa; số còn lại là các cá nhân, trong đó không ít người là trí thức, đại gia.

Phí thực hiện dịch vụ thu hồi nợ khách hàng phải thanh toán cho công ty khoảng từ 10 - 40% số nợ phải đòi. Tỷ lệ này cao hay thấp tùy thuộc vào số nợ nhiều hay ít, số nợ càng cao thì tỷ lệ phần trăm phí sẽ càng thấp chứ không phụ thuộc vào mức độ dễ hay khó trong việc đòi nợ. Trước khi ký hợp đồng nhận thực hiện một vụ nợ nào đó, công ty sẽ xem xét các chứng từ xác nhận có việc vay mượn, nợ nần, để xem có đủ tính pháp lý đòi nợ không. Kế đến, công ty sẽ đi xác minh về chủ nợ, con nợ xem họ là ai, khoản nợ nần đó có phải do phi pháp mà có như cá độ, cờ bạc chẳng hạn, rồi mới đi đến quyết định có nhận lời ký kết hợp đồng đòi nợ hay không.

Theo số liệu của công ty này cung cấp, đến nay họ đang quản lý khoảng 1.000 tỉ đồng tiền nợ nần của nhiều đơn vị, DN và cá nhân trong cả nước. Trong đó có nhiều khách hàng rất lớn như VCB, BIDV, VPB… đều đến nhờ thu nợ giúp và không ít con nợ là trí thức, đại gia. Một trong những nguyên nhân khách hàng tìm đến công ty này, theo ông S., là do hiệu quả đòi được nợ trên những bản án tòa tuyên là rất thấp. Trong khi đó, tùy tính chất vụ việc, thời gian thu hồi được nợ trong những vụ công ty đã làm là từ 6 - 12 tháng, có những vụ đơn giản chỉ vài tuần, một tháng là xong.

Quang cảnh phòng làm việc của công ty thu hồi nợ đông khách nhất hiện nay

Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định ít nhất là 2 tỉ đồng. Quản lý, giám đốc và người lao động trong loại hình DN này phải là người không có tiền án. Chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và quá hạn thanh toán. Các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước... không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định.

Nghiêm cấm chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền cho DN đòi nợ thuê hoạt động vượt quá thẩm quyền được pháp luật công nhận đối với khách nợ hoặc chủ nợ; thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với người của DN đòi nợ thuê…  

Giấu "chiêu"

Hoạt động lâu trong lĩnh vực đòi nợ thuê, ông S. thừa nhận hiện nay có một số công ty núp bóng hoạt động không có giấy phép. Những đơn vị này đến đòi nợ thường dùng những chiêu mang tính chất xã hội đen như "chửi bới, đe dọa ném cả vợ con ra Hồ Tây", hoặc nhân viên công ty cạo trọc đầu "trông rất anh chị" khi đi đòi nợ.

"Vậy chiêu đòi nợ của công ty là gì?". Ông S. cho biết, công tác xác minh tài sản của con nợ là quan trọng nhất, đây cũng là yếu tố quyết định để biết có thể thu hồi nợ được hay không. "Chúng tôi thường liên hệ với chính quyền địa phương, công an khu vực để nắm rõ mọi mặt về con nợ, đến ngân hàng để kiểm tra số tiền trong tài khoản, liên hệ với phòng thông tin môi trường nhà đất xác minh bất động sản con nợ đang có… nếu con nợ tẩu tán tài sản thì nhờ chính quyền can thiệp, phong tỏa không cho chuyển dịch, nhờ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ngăn chặn xuất ngoại những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài…", ông S. "bật mí".

Nhưng khi chúng tôi hỏi bằng cách nào lấy được thông tin tài khoản cá nhân, DN trong ngân hàng vì đây là thông tin thuộc dạng bí mật; tương tự việc ngăn chặn xuất ngoại chỉ cơ quan chức năng mới yêu cầu sao công ty thu hồi nợ làm được… thì ông S. chỉ trả lời chung chung: "Chúng tôi gửi thông báo đến ngân hàng thông tin về khoản nợ của khách, đề nghị ngân hàng phối hợp, còn quyền quyết định thuộc về ngân hàng. Đối với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng vậy, công ty có văn bản kèm toàn bộ chứng từ xác nhận nợ cho đơn vị này nhờ họ phối hợp, giúp đỡ...".

Sáng 13.4, chúng tôi tìm đến chi nhánh của công ty ông S. tại TP.HCM. Trước cửa công ty đậu một chiếc xe hơi có dán dòng chữ "Công ty thu nợ…" hoành tráng hai bên hông. Nhiều nhân viên nữ đang dán mắt vào những tập hồ sơ dày cộm. Hồ sơ của khách hàng được bày la liệt trên bàn làm việc của nhân viên.

Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn T.V, Giám đốc chi nhánh, cho biết nhân viên công ty đa số tốt nghiệp đại học luật, kinh tế, an ninh, quản lý… Công ty quản lý nhân viên rất chặt chẽ bằng cách giữ bằng cấp và có chế độ lương thưởng hậu hĩnh, "sai phạm là xử lý mạnh tay nên không có chuyện đòi nợ kiểu xã hội đen".

"Chiêu mà tôi hay sử dụng là thuyết phục bằng nhiều cách. Không thể đến một lần là được, đôi khi phải hết sức gần gũi với con nợ, cùng họ tìm ra phương án thanh toán nợ nần", bà V. nói. Nhưng nếu thuyết phục không được, thì biện pháp tiếp theo là gì?, bà V. từ chối khéo trả lời câu hỏi của chúng tôi vì "việc đòi nợ có thiên hình vạn trạng, không có trường hợp nào giống trường hợp nào và kỹ thuật đòi được nợ của mỗi nhân viên cũng khác nhau không thể tiết lộ". "Vậy chúng tôi có thể tháp tùng nhân viên của công ty để quan sát một vụ đòi nợ nào đó được không?", chúng tôi đề nghị và nhận được lời từ chối "vì tế nhị"...

Quang Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.