Đòi nợ thuê - Bài cuối: Làm gì để tránh “thế lực đen”?

14/05/2009 23:25 GMT+7

Việc xét xử tranh chấp nợ nần qua tòa án kéo dài, nhiêu khê thủ tục mà không hiệu quả khiến cho đương sự mang tâm lý ngán ngại kiện ra tòa", một thẩm phán dân sự của TAND TP.HCM thừa nhận. Mời nghe đọc bài

Quan trọng là con người thực thi pháp luật

Vị thẩm phán trên từng nhiều năm ngồi ghế quan tòa, xét xử không ít các vụ kiện tranh chấp nợ nần đã kết luận: "Có một thực tế đau lòng hiện nay là những người càng tôn trọng pháp luật lại càng thiệt thòi. Việc nhờ người ngoài xã hội, các thế lực xã hội đen... để giải quyết nợ nần là giải pháp nhiều chủ nợ áp dụng do có thể nhanh chóng thu hồi được nợ. Đây là một hiện tượng bất ổn của xã hội vì luật pháp không được chọn như là một giải pháp tối ưu. Nguyên nhân vì án xử xong chưa chắc thu hồi được nợ, lại mất thời gian tốn kém chi phí đã làm nản lòng không ít người".

Thi hành án dân sự TP.HCM là đơn vị được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất trong toàn ngành nhưng tỷ lệ án thi hành được trên số hồ sơ thụ lý ước chừng cũng chỉ đạt khoảng 50%, số án không có điều kiện thi hành đã chiếm tới 41%. Tiếp xúc với nhiều người dân trong những vụ kiện liên quan đến nợ nần, vấn đề họ bức xúc nhất là con nợ nhiều khi rất giàu nhưng không chịu thi hành án, thậm chí còn được "liệt" vào dạng "không có điều kiện thi hành". Những con nợ hay người bị thi hành án lâm vào hoàn cảnh thật sự khó khăn, mất khả năng thanh toán dễ nhận được sự cảm thông từ chủ nợ; nhưng các trường hợp như thế trên thực tế lại rất ít.

Vấn đề được đặt ra là làm sao hạn chế được tình trạng nhờ thế lực đen đòi nợ thuê rồi chính chủ nợ lại bị dính vào vòng lao lý? Một lãnh đạo Tòa dân sự TAND TP.HCM cho rằng, người dân phải biết tự bảo vệ mình bằng cách "đòi nợ từ khi cho vay". Cụ thể, ngay khi cho vay phải có giấy tờ vay mượn, cho vay số tiền lớn phải có tài sản bảo đảm, có người bảo lãnh và quan trọng nhất là phải điều nghiên con nợ thật kỹ lưỡng trước khi cho vay chứ không thể cả nể cho vay theo cảm tính để rồi khó khăn trong việc giải quyết.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh Niên: "Làm sao để án dân sự không chỉ là những bản án tồn tại trên giấy?", vị này cho rằng, hiện nay hệ thống luật pháp của chúng ta đã có. Tuy cần cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tế xã hội nhưng cũng có thể xem là đã có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, từ xét xử cho đến thi hành án. Tuy nhiên vấn đề chính là con người vận hành bộ máy đó. Hệ thống nào cũng cần phải có những con người vận hành tốt thì mới chạy tốt được. Con người không hoàn chỉnh thì bộ máy hoàn chỉnh đến đâu cũng... như không. "Muốn cải cách tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền thì ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khâu tuyển chọn con người phải được coi trọng. Ngoài ra, trong án dân sự nên có thẩm phán hòa giải, thẩm phán xét xử riêng. Việc hòa giải thành là một trong những điều kiện để bản án được thi hành dễ dàng hơn. Nếu có thẩm phán hòa giải riêng, việc giải quyết ở tòa sẽ hiệu quả hơn hiện nay. Bên cạnh đó, nếu người dân phát hiện có việc tẩu tán tài sản và đã thông báo với cơ quan nhà nước yêu cầu ngăn chặn nhưng cán bộ không thực hiện dẫn đến việc không có tài sản thi hành án thì cán bộ đó phải bồi thường. Nên quy định vấn đề này vào trong Luật Bồi thường nhà nước sắp ban hành để công tác thi hành án hiệu quả hơn", vị này đề nghị.

Đơn giản hóa thủ tục tố tụng

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP.HCM, quan niệm "Vô phúc đáo tụng đình" vẫn phần nào đúng vì thủ tục tố tụng nhiều lúc làm nản lòng đương sự. Một vụ án dân sự từ khi được tòa án thụ lý giải quyết cho đến lúc có bản án (có hiệu lực pháp luật) thường phải trải qua các giai đoạn tố tụng kéo dài, có khi lên đến vài năm. Các chủ nợ với tâm lý muốn thu hồi nợ nhanh rất ngại bị hành khi đến tòa và bị "ngâm" án. Nên chăng, các nhà làm luật có những thay đổi nhằm đơn giản hóa các thủ tục tố tụng để xóa bỏ tâm lý "ngại" tòa. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chây lỳ thi hành án thì cần phải có cơ chế kiểm tra tình trạng tài chính của các doanh nghiệp, xóa sổ những doanh nghiệp không có vốn, đăng ký vốn ảo.

Còn theo luật sư Phạm Đình Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM, thì quy định của luật còn bất cập ở chỗ, muốn được tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (kê biên tài sản, cấm chuyển dịch tài sản, phong tỏa tài khoản của con nợ) thì phải nộp một khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá tương đương khoản nợ. Quy định này gây khó khăn cho chủ nợ (khi phải "xoay" một khoản tiền tương đương mới "giữ" được tài sản của con nợ), nhưng lại tạo điều kiện cho con nợ tẩu tán tài sản. "Khoản nợ 1 tỉ đồng thì phải bỏ ra 1 tỉ đồng "thế chân". Trong khi đó, chỉ cần một căn nhà mua bán ra công chứng là tài sản chuyển dịch xong và không thể thu lại tài sản người thứ ba ngay tình đã mua", luật sư Sơn ví dụ. Luật sư Sơn đề nghị: "Khi chủ nợ yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời cần có đầy đủ chứng từ vay nợ thì không phải nộp khoản tiền tương đương để hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản".

Mô hình thừa phát lại cũng đang được nhiều người chờ đợi. Bởi đây cũng có thể là một kênh làm cho bản án có hiệu lực trên thực tế chứ không chỉ tồn tại trên giấy. "Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ cho tổ chức này hoạt động tránh biến tướng thành "xã hội đen đòi nợ". Xã hội hóa lĩnh vực thi hành án càng nhiều, việc thi hành án càng hiệu quả thì sẽ hạn chế tối đa việc nhờ thế lực "đen" đòi nợ", luật sư Bùi Quốc Tuấn quả quyết.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.