Đời nữ võ sĩ sau sàn đấu

03/06/2013 11:00 GMT+7

Dù từ giã sự nghiệp võ thuật đỉnh cao, song lửa đam mê vẫn còn cháy bỏng trong lòng hai nữ võ sĩ đất Quảng.

Dù từ giã sự nghiệp võ thuật đỉnh cao, song lửa đam mê vẫn còn cháy bỏng trong lòng hai nữ võ sĩ đất Quảng.

Nữ võ sĩ… bán báo dạo

 Nữ võ sĩ Pencak Silat Phạm Thị Thanh Huyền chật vật mưu sinh với nghề bán báo
Nữ võ sĩ Pencak Silat Phạm Thị Thanh Huyền chật vật mưu sinh với nghề bán báo - Ảnh: Hoàng Sơn

Nhìn khuôn mặt cháy sạm vì nắng, bàn tay đen đúa vì mực in báo “lạm” sâu, ít ai nghĩ rằng Phạm Thị  Thanh Huyền (27 tuổi, trú tại P.Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) là một võ sĩ Pencak Silat từng đoạt nhiều huy chương quốc gia. Sau khi giải nghệ, Huyền làm nhiều nghề như bán cà phê, bán quán nhậu để mưu sinh. Cô chọn nghề bán báo làm “cần câu cơm” để nuôi con cũng vì gián đoạn rồi dở dang với đường học vấn. “Học hành không đâu vào đâu, cũng không đủ điều kiện để đi tận cùng con đường võ thuật, tôi dừng lại. Hai đứa con rồi anh ạ. Bây giờ, hàng ngày cố kiếm đủ tiền để nuôi con là mừng lắm rồi…”, Huyền mở đầu câu chuyện. Năm 2000, Huyền bén duyên với môn Pencak Silat. Chỉ 1 năm sau đó, cô đã đoạt huy chương vàng giải tỉnh ở hạng cân 60 kg. Vốn có năng khiếu và hăng say tập luyện nên năm 2003, Huyền đã hạ gục một đối thủ nặng ký để giành huy chương vàng trong giải Pencak Silat trẻ toàn quốc. Từ năm 2004 - 2006, thi đấu ở giải nào cô cũng đoạt giải. Đặc biệt, ở giải cấp tỉnh chưa có đối thủ nào có thể vượt mặt cô. Kể về chuyện thi đấu của mình, Huyền hết sức hào hứng, ấy thế mà đề cập đến chuyện gia đình cô buồn giọng: “Khi còn thi đấu, vì quá mệt mỏi nên sau giờ tập luyện tôi không theo học văn hóa được, đành dừng học năm lớp 10. Cuối năm 2006, tôi nghỉ thi đấu hẳn rồi lập gia đình. Nhưng tình duyên lận đận, tôi phải một mình nuôi hai con… Đến khi đó mới thấy giá trị của việc học hành”.

Huyền kể, thời điểm cô tham gia đội tuyển của tỉnh đi thi đấu các giải toàn quốc thường do kinh phí rất hạn chế nên ăn uống cũng không được đủ đầy. Nhưng nhờ ý chí và lòng quyết tâm mà có lần cô đã đánh thắng giòn giã một đối thủ đàn chị để giành huy chương vàng tại giải trẻ toàn quốc. Sự nghiệp thể thao đang rộng mở thì Huyền đột ngột nghỉ thi đấu rồi sinh con. Cuộc sống gia đình chật vật, Huyền phải đi bán quán nhậu. Đã có lần bị khách nhậu đánh vô cớ, vì không kiềm được cơn bực tức, Huyền đã cho ông khách thô lỗ một trận ra trò. Bỏ nghề, Huyền đi bán báo dạo. Mưa, nắng, rét mướt hay lũ lụt, mỗi ngày cô đều đặn có mặt tại các quán quen để bán báo cho khách. “Trừ chi phí ở trọ, sinh hoạt hàng ngày, mỗi ngày bán báo tôi cũng kiếm được một khoản đủ để lo cho hai con. Cũng có người đề nghị tôi đi học để làm huấn luyện viên Pencak Silat. Nhưng giờ sắp xếp công việc sao được khi hai tay là hai đứa con dại…”, Huyền tiếc nuối. Dễ thấy một điều là cuộc sống của nữ võ sĩ đang hết sức khó khăn. Thế nhưng, nhờ bản tính vui vẻ và lạc quan nên Huyền không để lo toan thường nhật ảnh hưởng đến đam mê của mình. Chính do vậy, hàng ngày, sau khi chăm sóc con cái, cô lại lên sàn đấu để tập luyện, truyền võ nghệ cho đàn em. Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, từ năm 2009  đến nay, Huyền tiếp tục đoạt liên tiếp nhiều huy chương vàng ở các giải thi đấu cấp tỉnh và thành phố, giải hội thao quốc phòng…

“Bông hồng thép” mở quán nhậu

Cũng giã từ sự nghiệp ở đỉnh cao, nhưng nữ võ sĩ Karatedo Bùi Thị Triều lại may mắn hơn Huyền nhờ không bỏ dở việc học văn hóa, để rồi cô có cuộc sống ổn định hơn với niềm vui được làm bà chủ một quán nhậu lớn ở TP.Tam Kỳ. Người yêu môn võ thuật này có lẽ đã quá quen với những biệt danh “bông hồng thép” hay “hoa khôi” Karatedo mà người ham mộ dành cho cô. Mặc dù tuổi đời vừa tròn 25 nhưng cô gái quê tại vùng biển Núi Thành (Quảng Nam) này đã từng làm mưa làm gió trên nhiều sàn đấu từ khu vực cho đến thế giới. Có thể nói, Triều như một thần đồng trong môn thể thao này. Bởi hiếm có người phụ nữ nào vừa tham gia tập luyện 5 tháng (tháng 3.2004) đã có tấm huy chương vàng Karatedo đầu tiên (vào tháng 8.2004) tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Năm 2007, cô được cử tham gia giải trẻ thế giới. Cùng năm, tại Seagame 24, cô cùng đồng đội giành chiếc huy chương vàng danh giá. Con đường võ thuật của Triều thênh thang hơn khi năm 2008, cô đoạt huy chương đồng giải vô địch châu Á, huy chương vàng giải Hàn Quốc mở rộng…Tiếp đó, cô làm khuynh đảo làng Karatedo khi tạo nên “cơn mưa” huy chương cho mình vào năm 2009 khi giành tiếp 2 huy chương vàng giải Hàn Quốc mở rộng, huy chương vàng Seagame 25.

“Bản thân tôi luôn đam mê Karatedo và hiện nay ngày nào tôi cũng tập luyện. Nhưng tôi quyết định dừng thi đấu vào năm 2011 sau khi giành huy chương bạc tại Seagame 26 vì muốn chuyển sang làm kinh tế để có cuộc sống ổn định hơn. Tôi tự lập từ nhỏ. Ngày đầu mới đi học võ dù nhiều khó khăn nhưng chưa khi nào than vãn với ai. Tôi chuyển sang mở quán nhậu để thử sức mình trong kinh doanh. Để khẳng định, mình là con nhà võ vẫn làm ăn tốt như nhiều người”, nữ võ sĩ Bùi Thị Triều tâm sự.

Thực tế đã chứng minh Triều không chỉ là một “bông hồng thép” khi thi đấu mà còn “mát tay” trong làm kinh tế. Quán nhậu Thủy Triều của cô trên đường Lý Thường Kiệt (TP.Tam Kỳ) khi nào cũng đông khách. Triều luôn nhắc nhở mình một điều, dù cho có tập võ hay làm việc gì cần phải xác định là đổ mồ hôi lẫn nước mắt, kiên trì và không đầu hàng mọi sự mệt mỏi. Triều nói: “Với thể thao thì đừng đối phó mà hãy đối mặt để vượt qua. Khi thi đấu thì phải đánh hết mình. Không áp đặt thành thích thì tự thành tích sẽ đến”. Theo Triều, học võ cũng cần học văn hóa để có cơ sở vững chắc nhằm ổn định cuộc sống sau thi đấu. Xác định như thế nên Triều đã làm tốt “hai vai”: vừa làm vận động viên quốc gia vừa đi học tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn – Bắc Ninh. Mục tiêu của cô là sau khi tốt nghiệp sẽ phấn đấu vào vị trí biên chế của một đơn vị liên quan đến công tác huấn luyện Karatedo.

Hoàng Sơn

>> Gặp nữ võ sĩ khét tiếng một thời
>> Nghi vấn xung quanh cái chết của một nữ võ sĩ judo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.