Đội phản ứng nhanh cấp cứu người bị tai nạn giao thông

29/09/2014 08:00 GMT+7

Đội phản ứng nhanh này ra đời khi T.Ư Đoàn và Bộ GTVT phối hợp triển khai công trình thanh niên toàn quốc tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các dự án nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây nguyên, giai đoạn 2013-2016.

Đội phản ứng nhanh này ra đời khi T.Ư Đoàn và Bộ GTVT phối hợp triển khai công trình thanh niên toàn quốc tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các dự án nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây nguyên, giai đoạn 2013-2016.


Tình nguyện viên xã Tùng Lâm tập huấn sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông - Ảnh: Phan Hậu 

Qua hơn 3 tháng triển khai, trên toàn quốc đã có 22 đội hình được thành lập và đi vào hoạt động.

Tại Thanh Hóa, điểm sơ, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông đặt tại xã Tùng Lâm, một trong những điểm nóng thường xuyên xảy ra tai nạn. Bí thư Đoàn xã Tùng Lâm Phạm Xuân Ý cho biết, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì đoạn đường quốc lộ 1A chạy qua xã nhỏ hẹp lại đang trong giai đoạn thi công nên các thành viên thay phiên nhau trực tiếp nhận cuộc gọi cả ngày lẫn đêm.

Qua 3 tháng ra mắt, đội tình nguyện đã sơ cứu tại chỗ giúp đỡ nhiều trường hợp bị ngã xe, công nhân làm đường bị thương nhẹ trong quá trình lao động. Chỉ có một y tá nên đội thường xuyên tổ chức tự huấn luyện lẫn nhau “nhập vai” thành người bị nạn chấn thương mức độ khác nhau nhằm tập dượt thành thục kỹ năng sử dụng các dụng cụ y tế được trang bị, phương pháp sơ cứu tối ưu, an toàn nhất cho nạn nhân ở hiện trường, trước khi chuyển đến các cơ sở y tế.

Theo quy chế, nhân sự mỗi đội tình nguyện không quá 10 người, gồm có lực lượng y tế, công an, cán bộ đoàn và thanh niên tình nguyện địa phương. Đội được trang bị đầy đủ cáng cứu thương, bộ dụng cụ y tế, thuốc men phục vụ nhu cầu sơ cấp cứu cơ bản. Bên cạnh nhiệm vụ chính, các đội tình nguyện đảm nhận công việc truyền thông về văn hóa giao thông, ý thức chấp hành luật giao thông cho thanh thiếu nhi và người dân địa phương.

Bí thư Đoàn thanh niên kiêm Đội trưởng Đội sơ ứng cứu nhanh tai nạn giao thông tại xã Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) Mai Xuân Minh chia sẻ: chọn thanh niên tình nguyện cho đội hình này là không dễ dàng. “Đơn giản nhất là tình nguyện viên phải có sức khỏe tốt, không sợ máu, tâm lý bình tĩnh vững vàng trước các tình huống tai nạn mới có thể giúp đỡ người bị nạn”, anh Minh nói.

Tại xã Quảng Phong, đội phụ trách đoạn đường dài 6 km, qua các xã Quảng Phong, Quảng Ninh và Quảng Tân. Ngoài 3 tổ cơ động ở các xã, số điện thoại đường dây nóng liên tục được giới thiệu trên hệ thống loa phát thanh để người dân địa phương ghi nhớ và chủ động cung cấp thông tin. Thế nên, chỉ sau 3 tháng ra đời, đội tiếp nhận hàng chục cuộc gọi báo tin tai nạn. Đặc biệt là trường hợp cấp cứu anh Mai Quang Lộc (nhà ở xã Quảng Phong) bị xe ô tô tông rách đầu phải khâu 6 mũi, được thanh niên tình nguyện đưa đi cấp cứu kịp thời.

Có nhiều năm gắn bó với công tác tình nguyện giúp đỡ người bị tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A trên địa bàn xã nhà, Bí thư Đoàn thanh niên xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) Vũ Minh Tuấn nhìn nhận: Có mặt nhanh nhất khi có tai nạn giao thông, đội tình nguyện này đang góp phần xây dựng lối sống đẹp, trách nhiệm trong thanh niên, lan tỏa đến người dân xung quanh. Sau mỗi vụ tai nạn, thân nhân người gặp nạn thường tìm đến điểm sơ cứu bày tỏ lời cảm ơn. Có trường hợp họ nhã ý tặng quà, tiền bồi dưỡng nhưng đội viên khéo léo từ chối, kiên quyết không nhận, vì công việc này xuất phát từ tình cảm, sự tự nguyện của mỗi cá nhân.

Trực tiếp đi kiểm tra điểm sơ ứng cứu nhanh tai nạn giao thông tại tỉnh Thanh Hóa, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án An toàn giao thông (Bộ GTVT) Lê Văn Dương cho rằng, hoạt động theo mô hình này mang nhiều ý nghĩa nhân văn, góp phần giảm thiểu tổn thất cho người bị nạn.

Hoàng Phan

>> Ra mắt đội thanh niên tình nguyện sơ cứu tai nạn giao thông
>> Sơ cứu cho bé khi bị côn trùng đốt
>> Sơ cứu đúng khi bị bỏng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.