100 năm trong cõi 'thay da đổi thịt'

09/09/2017 15:02 GMT+7

Ý tưởng lấy da từ chỗ này ghép vào chỗ khác trên cơ thể người xuất hiện cách đây cả thế kỷ.

Plastic surgery (phẫu thuật thẩm mỹ) là thuật ngữ phát sinh vào những năm 1930 (trong tiếng Hy Lạp, plaskitos có nghĩa là được nặn hay được đúc từ khuôn), rất lâu trước khi từ plastic trở thành một từ chỉ những vật liệu nhân tạo.
Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ cột mốc 1915 vốn được xem là thời điểm ra đời của giải phẫu thẩm mỹ hiện đại mà cha đẻ là bác sĩ người Anh gốc New Zealand - Harold Gillies.
100 năm trong cõi thay da đổi thịt1
Harold Gillies
Người “vẽ” lại dung nhan
Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng Gillies tình nguyện đi Bỉ phụng sự trong Hội Chữ thập đỏ. “Ông ấy chứng kiến những chấn thương chưa từng có trước nay, khiến nhiều binh sĩ gần như biến dạng khuôn mặt”, bác sĩ Roger Green thuộc Hiệp hội Phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ Anh kể lại.
Vì những vết ấy trên mặt quá nghiêm trọng không thể dùng cách ghép da nên bác sĩ Gillies đã phát triển một kỹ thuật mới gọi là “tube pedicle”, nói nôm na là cắt một miếng da từ khu vực không bị tổn thương, thường là ngực và đầu rồi “dán” một đầu vào chỗ bị thương ở mặt và treo lủng lẳng phía trước.
Cách làm này không mang tính thẩm mỹ cao nhưng lại có hiệu quả. Riêng trong trận Somme, một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử, vị bác sĩ này đã chữa trị cho 2.000 binh sĩ, đa phần bằng phương pháp này. Được xem là người hùng của thế chiến thứ nhất, ông đã “làm lại” khuôn mặt cho ít nhất 4.000 binh sĩ Anh và New Zealand, giúp họ phần nào nguôi ngoai nỗi đau chiến trận.
Người tiếp nối bác sĩ Gillies chính là học trò xuất sắc của ông - Archibald McIndoe cũng sinh ra ở New Zealand. Trong thế chiến thứ 2, bác sĩ McIndoe đã đạt được những bước tiến dài trong việc điều trị cho những phi công bị bỏng. Không chỉ tiến bộ về mặt kỹ thuật mà phương pháp tiếp cận của ông McIndoe cũng được xem là tân thời.
Ông thầy Gillies nổi tiếng với câu thần chú “Miễn là tôi có thể sửa chữa” thì McIndoe lại quan tâm hơn đến những diễn biến tâm lý của bệnh nhân. Vậy nên East Grinstead (Anh), nơi đặt bệnh viện của bác sĩ McIndoe, trở thành “thị trấn không nhìn chằm chằm”.
Quyền được sống một cuộc đời cũng là mục tiêu hướng tới của một người học trò khác của bác sĩ Gillies - Ivo Pitanguy, qua đời năm 2016. Ở Rio de Janeiro, bác sĩ Pitanguy được người dân quý mến gọi là “nhà soạn nhạc đại tài” khi “phổ cập” phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ trong giới nhà giàu mà còn ở những cộng đồng sống ở khu ổ chuột.
Năm 2015, hơn 1,3 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện ở Brazil. Bác sĩ Pitanguy sinh thời từng nói: “Phẫu thuật thẩm mỹ mang đến cảm giác thanh thản cho những người phải chịu đựng sự phản bội của tự nhiên”.
100 năm trong cõi thay da đổi thịt2
Ivo Pitanguy
100 năm trong cõi thay da đổi thịt3
Archibald McIndoe
Muôn hình vạn trạng
Quan niệm về cái đẹp ở các quốc gia vốn đã chẳng giống nhau nên chuyện thay đổi vẻ bề ngoài ở những nơi ấy cũng khác nhau về đích đến. Ở Brazil và Hàn Quốc, khoảng 50% phụ nữ ở tuổi 20 đã bắt đầu tìm đến dao kéo. Tại các thẩm mỹ viện ở Seoul, khách hàng thường phải trả lời một loạt câu hỏi trong quá trình tư vấn, trong đó có câu: “Bạn định làm gì sau ca phẫu thuật thành công?” với các đáp án để chọn gồm: Tìm người yêu, tìm việc mới hay khoe ảnh selfie mà không cần phải photoshop.
Nghe có vẻ sốc nhưng chẳng khác gì mấy so với các ngôi sao Hollywood (Mỹ) vào thập niên 1920 ở cái thời mà màn bạc lăng xê quá lố vẻ đẹp bề ngoài, cả nam lẫn nữ tài tử để thi nhau sửa mặt, mũi, mắt, miệng với mong muốn có được nhiều vai diễn hơn. Jennifer Grey, diễn viên Mỹ nổi tiếng một thời, bày tỏ sự hối tiếc về ca nâng mũi của bà: “Tôi bước vào phòng mổ là một người nổi tiếng rồi bước ra là một người vô danh”.

tin liên quan

Tai biến thẩm mỹ do chất 'làm đầy' trôi nổi
Sưng tấy nhiễm trùng, da bị nổi cục, cằm lệch vẹo... là những tai biến đã xảy ra với một số khách hàng sau khi làm đẹp bằng chất “làm đầy” trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Còn ở xứ sở sương mù hiện nay, sau một thập niên tăng trưởng như vũ bão, chuyện làm đẹp ở đây chuyển sang xu hướng “ít xâm lấn”, được gọi là “tweak not tuck”. Nếu số lượng những ca phẫu thuật dạng “nặng” như nâng ngực đã giảm khoảng 23%/năm ở Anh thì các dịch vụ làm đẹp nhẹ nhàng, không gây chảy máu, không níu kéo tuổi trẻ một cách “cưỡng bức” lại lên ngôi.
“Người Anh không muốn có vẻ ngoài mà người khác nhìn là biết ngay phải nhờ đến dao kéo. Họ muốn được mạnh khỏe và sáng sủa hơn chứ không nhất thiết phải trẻ hơn tuổi”, ông Paul Harris - thành viên Hiệp hội Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh cho biết.
Đã 100 năm trôi qua khi ngành phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại có xuất phát điểm là phụng sự cuộc sống có ý nghĩa của con người. Dẫu trong dòng chảy ấy, người ta chạy theo những chuẩn mực vốn bị đẩy đi xa quá nhưng công nghệ làm đẹp vẫn hướng thiện bởi phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật chỉnh hình vẫn song hành, đâu chỉ “đập bỏ” khuôn mặt để làm lại cái mới mà còn giúp “làm lại” cuộc đời mới. Hút mỡ tự thân được ví như thuật giả kim, đâu chỉ làm cho vòng 2 của các cô ấy nảy nở như mong muốn mà còn giúp những bệnh nhân ung thư vú được trở về với sự tự tin vốn có. 
Những cột mốc
1915: Tại một bệnh viện chiến trường ở Bỉ, bác sĩ Harold Gillies thực hiện các ca mổ ở những người lính bị thương mặt và hàm, khởi đầu cho một cuộc cách mạng về chỉnh sửa da người.
1920: Ngôi sao phim câm Rudolph Valentino được gắn lại đôi tai bị đứt rời và ngay sau đó diễn viên Gloria Swanson được giải phẫu sửa mặt. Họ được xem là những người khởi đầu cho mối liên hệ “chặt chẽ” giữa Hollywood và giải phẫu thẩm mỹ.
1941: Bác sĩ Archibald McIndoe lập ra câu lạc bộ có tên Guinea Pig Club gồm những phi công của Không quân hoàng gia Anh vốn bị bỏng nặng để giúp họ hồi phục.
1962: Timmie Jean Lindsey (Texas, Mỹ) là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được nâng ngực bằng silicone.
1987: Bác sĩ da liễu người Mỹ Jeffrey Klein giới thiệu phương pháp “căng phồng” trong hút mỡ, cho phép bệnh nhân được hút mỡ nội tại trong lúc gây mê cục bộ. Kỹ thuật này sau đó trở nên phổ biến.
2005: Bệnh viện do bác sĩ McIndoe thành lập tiến hành nhiều đợt thử nghiệm sử dụng tế bào da để nuôi cấy da nhằm chữa trị cho các bệnh nhân bị bỏng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.