43 lao động Việt Nam tại Nhật Bản kêu cứu

17/03/2016 11:43 GMT+7

43 lao động Việt Nam tại Nhật vừa gửi đơn kêu cứu đến Ban Quản lý lao động VN tại Nhật Bản cho biết, họ bị cấm ăn thịt, cá, trứng và phải ở trong những khu nhà trọ tồi tàn với giá "cắt cổ"...

43 lao động Việt Nam tại Nhật vừa gửi đơn kêu cứu đến Ban Quản lý lao động VN tại Nhật Bản cho biết, họ bị cấm ăn thịt, cá, trứng và phải ở trong những khu nhà trọ tồi tàn với giá "cắt cổ"...

Lao-dong-keu-cuuMỗi lao động phải chi trả thuê phòng trọ gần 10 triệu đồng/người  - Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà
Tối qua 16.3, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Ban Quản lý lao động VN tại Nhật Bản thông tin, 43 lao động làm việc tại Nhật Bản thông qua chi nhánh của Công ty Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo) đã gửi đơn kêu cứu, vì công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản không thực hiện đúng hợp đồng đã ký về các điều kiện làm việc, ăn ở.
Theo phản ánh của người lao động, tại VN công ty này quảng cáo tuyển kỹ sư làm việc ở Tokyo với mức lương từ 27 - 30 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế sang Nhật, các lao động bị điều chuyển xuống làm việc tại tỉnh Iwate cho Công ty Seinan. Hàng tháng, mỗi lao động phải trả tổng chi phí 47.000 yên (khoảng 9,4 triệu đồng), bao gồm 39.000 yên tiền thuê nhà và 8.000 yên tiền điện, nước.
Trong khi đó, điều kiện sinh hoạt hết sức tồi tàn, 9 người sống trong một phòng trọ gần 25 m2, nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi hám. Điều đáng nói chế độ ăn không đảm bảo sức khỏe. 43 người chỉ được ăn 4 kg gạo lứt/bữa; thức ăn chỉ có rau xanh; cấm ăn thịt, cá, trứng. Thời gian họ phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 19 giờ trong môi trường độc hại, nhưng không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động. Khi người lao động thắc mắc, lập tức bị công ty thông báo chấm dứt hợp đồng.
Ông Tống Hải Nam cho hay: “Theo Ban Quản lý lao động, 43 lao động này sang Nhật từ tháng 9.2015 theo diện kỹ sư thực hành với thời hạn visa là 1 năm qua chi nhánh đại diện Công ty Freesia House Corporation tại quận Thủ Đức TP.HCM. Họ đi theo hình thức hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản”.
"Tuy nhiên, lao động VN dù có đi theo hình thức nào thì các Đại sứ quán đều phải có trách nhiệm thực hiện công tác bảo hộ quyền lợi của công dân. Ban Quản lý lao động cũng đã có buổi làm việc với công ty sử dụng lao động tại Tokyo nắm thông tin. Cuối tuần này, lãnh đạo Ban sẽ tới nhà máy tại Iwate - nơi những lao động này đang làm việc để xác minh, làm rõ các điều kiện làm việc và ăn ở thực tế của người lao động để có cơ sở yêu cầu công ty sử dụng lao động thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo điều kiện làm việc và ăn ở cho người lao động”, ông Nam nói.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã liên hệ với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM yêu cầu báo cáo thông tin về hợp đồng đưa 43 lao động sang Nhật. Ông Tống Hải Nam cho biết: “Theo quy định, chủ sử dụng có thể tuyển dụng trực tiếp lao động, nhưng phải báo cáo với Sở LĐ-TB-XH tại địa phương. Hiện chưa có thông tin vì Sở LĐ-TB-XH vẫn đang kiểm tra”.
Trước đó, lao động đã đưa thông tin lên trên mạng xã hội và gửi đơn cầu cứu đến Ban Bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản) để mong được cơ quan chức năng giúp đỡ, hỗ trợ nơi ở miễn phí trong thời gian chờ giải quyết vụ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.