5 giác quan khám phá thế giới

Đoàn Xuân Hải
Đoàn Xuân Hải
16/02/2018 11:12 GMT+7

5 giác quan rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày đối với người bình thường. Ngũ giác ấy càng trở nên hữu dụng mỗi khi chúng ta đi du lịch.

Thị giác
Đây là giác quan giúp bạn “mở mắt” khi chứng kiến thế giới xung quanh ta. Chỉ có đi du lịch mới biết ở xứ ta và xứ người lạ như thế nào, đặc biệt là xứ người. Cái lạ đến từ vô số công trình kiến trúc mà ta chỉ mới thấy đâu đó trên phim ảnh, đại loại một tòa lâu đài ở châu Âu, kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ ở Trung Quốc hay tuyệt tác Angkor Wat ở Campuchia...
Thị giác thú vị ở chỗ nó giúp ta khám phá những địa điểm du lịch thuộc hàng đẹp - độc - lạ của hành tinh mình đang sống, những phố thị và làng mạc mình đến thăm. Khi nhìn thấy những điều ấy, ta tự hỏi do đâu người Nhật sống ngăn nắp và sạch sẽ đến vậy? Làm thế nào người ta có thể liều lĩnh xây dựng cả một “thị trấn ảo diệu” ngay trên miệng núi lửa như Santorini (Hy Lạp)?
Thính giác
Khi đi du lịch, tai ta nghe đủ thứ âm thanh, song trên tất cả là tiếng hát, tiếng nhạc từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nhà hát hoặc trên đường phố. Đây được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong bất kỳ tour nội địa hoặc hải ngoại. Láng giềng với Việt Nam, hai nước Thái Lan và Campuchia đều có tiết mục sử thi khá cuốn hút được trình diễn trên những sân khấu hoành tráng. Quyến rũ hơn chút có tiết mục vũ nữ múa bụng hòa cùng âm thanh nhạc cụ của các bộ lạc du mục trên sa mạc Ả Rập. Hàn lâm hơn có các chương trình opera, múa ballet ở các nước phương Tây. Thưởng thức những chương trình văn nghệ này ta phải vận dụng cả thính giác và thị giác, khác với xem... sexy show chỉ cần thị giác thôi.
Phong cảnh Santorini ở Hy Lạp Đoàn Xuân Hải
Vị giác
Giác quan này liên quan mật thiết đến chuyện thưởng thức ẩm thực. Du khách Việt khi đi nước ngoài, đa phần có tâm lý “bất an” khi phải dùng bữa với những món ăn và thức uống bản địa lạ lẫm. Đó là lý do giải thích vì sao có người mang cả “nhà bếp” theo khi xuất ngoại, chất vào va li đủ thứ: mì gói, phở ăn liền, bún ăn liền, miến ăn liền, cháo ăn liền, bánh đa cua ăn liền, chà bông, ớt tươi, ớt khô..., thậm chí có cả nước mắm, nước tương. Câu hỏi được đặt ra là tại sao người nước ngoài đến Việt Nam hào hứng thưởng thức các món: phở, bún chả, bánh cuốn, bánh xèo, bánh bèo, chả giò, gỏi cuốn, bún thịt nướng, mì Quảng... trong khi ta “gặp nhau làm ngơ” với ẩm thực của họ?
Nói là vậy, không phải tất cả các món ăn ngoại quốc đều bị du khách Việt “ngó lơ”. Bằng chứng là có nhiều du khách Việt dứt khoát không mang theo bất cứ món “quốc hồn quốc túy” nào khi du lịch nước ngoài. Đến nước nào thì dứt khoát thưởng thức ẩm thực nước đó, để vị giác của ta trải nghiệm một cách thú vị.
Khứu giác
Giác quan này liên hệ mật thiết với vị giác và thị giác, nhất là trong chuyện ẩm thực. Song khi có dịp đi nước ngoài, nhất là đến các nước văn minh, du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí trong lành khiến ta sảng khoái vô cùng.
Một trong những điều khiến chúng ta vận dụng tối đa khứu giác của mình là khi đặt chân đến những làng hoa. Chẳng hạn khi đứng giữa cánh đồng vùng hoa oải hương (lavender) tím biếc thơ mộng Provence ở miền Nam nước Pháp, bạn sẽ cảm nhận được mùi hương dễ chịu. Nói đến hoa và mùi hương của nó, không thể bỏ qua cơ hội đến thăm “khu vườn của châu Âu” Keukenhof ở Hà Lan. Khác với những cánh đồng lavender chỉ màu tím, những đóa tulip ở xứ sở cối xay gió có đủ thứ màu, kể cả màu đen. Đến đây, thị giác của du khách sẽ “mãn nhãn”, còn khứu giác thì “mãn nguyện”.
Một du khách Việt xoa tay lên mũi giày bức tượng John Harvard ở Trường đại học Harvard (Mỹ) Ảnh: Thành Trung
Xúc giác
Khi chạm vào một cái gì đó, nó truyền cảm xúc vào cơ thể ta, nhất là những thứ chưa gặp ngoài đời bao giờ. Đối với đại đa số người Việt, cả đời chưa thấy tuyết rơi vì Việt Nam là xứ nhiệt đới. Bởi thế, rất nhiều du khách khao khát được đến xứ có tuyết một lần trong đời. Ngày nay ước nguyện ấy không còn xa vời, vì chỉ cần du lịch đến các xứ hàn đới vào mùa đông.
Đến xứ hàn đới có một thú vui là bốc tuyết ném nhau. Đó là xúc giác theo kiểu tao nhã. Có một dạng xúc giác khác vừa tao nhã vừa ẩn chứa một chút tâm linh, đó là trường hợp của bức tượng ngài John Harvard đặt trong khuôn viên Trường đại học Harvard của nước Mỹ. Du khách, nhất là học sinh - sinh viên, khi đến tham quan ngôi trường danh tiếng này đều ghé thăm bức tượng John Harvard - người sáng lập Đại học Harvard - để xoa tay lên mũi giày của ông nhằm cầu may mắn trong việc học hành, thi cử và mong một ngày mình sẽ được nhận vào trường. Trải qua bao ngày tháng, do có quá nhiều người “hâm mộ”, 2 mũi giày của ngài John Harvard từ màu đen biến thành màu vàng do bị tróc sơn, nhìn cũng ngộ.
Những tưởng con người chỉ có 5 giác quan cơ bản vừa nêu, nhưng không, còn một giác quan nữa cũng thú vị không kém...
Thưởng thức ẩm thực kiểu Úc Đoàn Xuân Hải
Giác quan thứ 6
Giác quan này ám chỉ năng lực tiếp nhận thông tin nằm ngoài 5 giác quan cơ bản của con người, có khả năng nhìn thấy cái vô hình bởi trực giác.
Tôi có anh bạn lứa tuổi U.60 nhà theo đạo Phật, trong lần du lịch đến Bethlehem, cách thành phố Jerusalem của Israel khoảng 10 km, anh có bước vào hang đá nơi Chúa Jesus sinh ra và hôn lên ngôi sao bạc 5 cánh trên nền nhà. Khi bước ra khỏi nơi ấy, anh cảm thấy tinh thần sảng khoái, năng lực tràn trề, đầy sức sống, như được hấp thụ một thứ năng lượng siêu nhiên nào đó không thể giải thích được. Qua năm sau, anh bạn tôi lại tiếp tục hành trình khám phá Thánh địa Fatima ở Bồ Đào Nha. Đến nơi, bạn tôi cũng thực hành nghi thức đốt nến như những tín đồ Thiên Chúa giáo, rồi bước vào nhà thờ Fatima. Khi ra khỏi nơi này, anh cũng cảm nhận được thứ năng lượng siêu nhiên như ở Bethlehem.
Khám phá hành tinh chúng ta đang sống chỉ bằng ngũ giác thôi đã thấy phấn khích lắm rồi, nếu thêm sự trải nghiệm của giác quan thứ 6 nữa thì quá tuyệt!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.