Ăn bánh ngô giữa chợ Đồng Văn

12/02/2014 11:01 GMT+7

Sáng chợ phiên, bánh ngô trĩu nặng trong quẩy tấu trên lưng người phụ nữ Mông xuống chợ. Than củi đổ ra đất, thổi cho hồng rồi nướng bánh đặt trên hai thanh củi tươi. Họ nướng cho bánh phồng lên, hơi ngả sang vàng và toả mùi thơm là được.

Tôi tìm về phiên chợ Đồng Văn những ngày ngô đang trổ đòng dọc đường lên cao nguyên đá. Sườn núi nào cũng xanh rì những thân ngô mỡ màng, mỗi hốc đá một mảng xanh. Không chỉ đồ lên làm thành mèn mén ăn thay cơm, ngô còn biến hoá thành món bánh thơm lừng trong buổi chợ, chút “xa xỉ” hiếm hoi mà đứa trẻ nào cũng mong ngóng…

>> Ăn bánh răng bừa nhớ đồng, nhớ ruộng
>> Nhớ vị đăng đắng của cải mèo Mộc Châu

Sáng chủ nhật, tôi dậy thật sớm và tìm bữa sáng cho mình trong buổi chợ phiên. Khu ẩm thực nằm một bên hông chợ quả thực là một nơi kỳ thú với những món ăn thơm lừng, vừa đẹp vừa lạ mắt. Những hàng bánh ngô luôn có một không gian riêng, ở đó các cô, các chị ngồi thành hai hàng đối mặt vào nhau, trước mặt là hai thanh củi tươi bắc trên than hồng, trên bày vài chiếc bánh ngô màu trắng và vàng. Chiếc quạt từ tay phe phẩy, gió tạt đến đâu, than hồng đến đấy, sức nóng liếm vào tấm bánh dậy lên mùi thơm ấm áp.

 Ăn bánh ngô giữa chợ Đồng Văn 1
Sáng chợ phiên, bánh ngô trĩu nặng trong quẩy tấu trên lưng người phụ nữ Mông
xuống chợ. Than củi đổ ra đất, thổi cho hồng rồi nướng bánh đặt trên hai thanh
củi tươi. Họ nướng cho bánh phồng lên, hơi ngả sang vàng và toả
mùi thơm là được - Ảnh: Tịnh Tâm

Bánh ngô có hai loại: bánh ngô tẻ màu vàng và ngô nếp màu trắng. Chiếc bánh ngô trắng mới đầu cứ làm tôi nhầm lẫn với vị của bánh bao cho bột nở quá tay. Ăn vài bận, hỏi vài lần tôi mới chắc đó là món bánh được làm từ bột ngô nếp của người Mông.

Để hỏi được quy trình làm món bánh này, tôi cũng phải lê la ở dãy hàng bánh rất lâu. Từ những thông tin vụn chắp lại, mới thấy món bánh giản dị này được làm ra bằng cách chẳng đơn sơ chút nào. Hạt ngô già được ngâm trong nước khoảng 30 phút, sau đó xay nhỏ, tách bỏ vỏ và mày ngô để lấy hạt. Ngâm tiếp hạt khoảng 1 tiếng rồi xay bột nước. Bột sẽ được chia làm ba phần, nấu chín một phần rồi trộn với hai phần bột tươi còn lại. Sau đó ủ chua bột bằng cách cho vào xô đậy kín đặt cạnh bếp lửa. Bột lên men, trào lên khoảng hai lần là được. Bột chia ra thành từng chiếc bánh xinh xinh vừa khuôn tròn chừng 12-15cm, hấp cách thuỷ cho chín.

Sáng chợ phiên, bánh ngô trĩu nặng trong quẩy tấu trên lưng người phụ nữ Mông xuống chợ. Than củi đổ ra đất, thổi cho hồng rồi nướng bánh đặt trên hai thanh củi tươi. Họ nướng cho bánh phồng lên, hơi ngả sang vàng và toả mùi thơm là được.

Bẻ miếng bánh nóng hổi, một làn khói trắng mỏng giữa lớp bột len lên cuốn theo mùi thơm dìu dịu của ngô lên men. Ngô già nên bùi và ngọt đậm, thoang thoảng vị chua. Bánh ngô tẻ vàng ươm, còn bánh ngô nếp không hiểu sao lại trắng muốt một màu tinh sạch như thế. Bánh to đấy, nhưng kỳ thực là do men làm phồng và xốp nên có thể ăn hết một chiếc vẫn thòm thèm.

Cầm trên tay chiếc bánh, tôi học cái hồn nhiên của những cô gái Mông, không chút e dè đứng ăn giữa chợ phiên rực rỡ sắc màu. Nhưng kỳ thực các cô cũng có cách ăn khác tôi, họ cầm bánh vào hàng thắng cố, ăn bánh kèm với thắng cố nóng. Cách ấy có lẽ phiên chợ lần sau tôi sẽ thử. Còn hôm nay, tôi chỉ muốn cảm nhận trọn vẹn hương vị thuần khiết của món bánh đơn sơ gói trọn cái hồn của ẩm thực cao nguyên đá mà không bị mùi vị nào pha tạp.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.