Ngọc bắp Việt (phần 1): Bắp lùi - ngô cười…

30/05/2016 10:56 GMT+7

Nếu chịu khó truy nguyên nguồn cội của cây bắp, chúng ta phải lội ngược dòng thời gian về gặp tổ tiên của những thổ dân da đỏ (Indian) ở tận châu Mỹ.

Nếu chịu khó truy nguyên nguồn cội của cây bắp, chúng ta phải lội ngược dòng thời gian về gặp tổ tiên của những thổ dân da đỏ (Indian) ở tận châu Mỹ. 

“Bạn cứ việc uống sữa bò, tôi cứ việc húp cháo bắp (ngô), xem ai sống lâu hơn.” Giáo sư Tề Quốc Lục, người Mỹ gốc Hoa, 70 tuổi mà thể lực vẫn sung mãn, từng làm việc cho Tổ chức Y Tế Thế Giới, đi nhiều nơi giảng về dinh dưỡng và sức khỏe, thường nói vậy.
Ông cho bắp là ngũ cốc vàng - “tin hay không tùy bạn”.
Ngọc bắp Việt (phần 1): Bắp lùi - ngô cười…(Nếu) thất mùa lúa đành nương tựa vụ bắp chăng? Ảnh: Phi Nguyễn
Cây bắp đầu tiên chưa chắc ở Ngô bang
Nếu chịu khó truy nguyên nguồn cội của cây bắp, chúng ta phải lội ngược dòng thời gian về gặp tổ tiên của những thổ dân da đỏ (Indian) ở tận châu Mỹ. “Các nhà khoa học tin rằng: ngô có nguồn gốc ở một số nơi thuộc Trung và Nam Mỹ. Sau mấy trăm năm cố gắng, người Indian trong thời tiền sử, đã chọn ra  những hạt trội nhất từ giống cây dại thuộc họ hòa thảo gây thành một giống cây rất giống với giống ngô ngày nay.” , lược trích từ bài viết “Ngô có nguồn gốc từ đâu?”, trong Bách Khoa Tri Thức.
Thế nhưng, sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn cho rằng, chính ông Trần Thế Vinh đã mang giống “lúa ngô” từ Trung Hoa về nước ta. Năm 1685, Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6, Tây lịch, Trần Thế Vinh được cử làm phó sứ đoàn sứ thần Đại Việt sang nước Thanh.
Ngọc bắp Việt (phần 1): Bắp lùi - ngô cười…Nhớ mãi, hương vị chân nguyên món bắp chưa qua sông! Ảnh: Phi Nguyễn
Cũng có truyền thuyết đồn: Phùng Khắc Khoan là người đầu tiên lén đem giống hạt bắp từ Trung Quốc về Việt Nam. Năm 1597, Đinh Dậu, niên hiệu Quang Hưng năm thứ 20, Tây lịch, Phùng Khắc Khoan đi sứ sang nhà Minh, theo tự điển mở Wikipedia.
Đủ hiểu, không ít người Mỹ, dân Tàu từng ăn bắp mòn răng và am hiểu loại ngũ cốc này hơn cả dân mình. Song, nói vậy cũng không có nghĩa nhiều người Việt không biết trọng dụng, huyền biến nên những bữa ngon từ bắp.

Hồn nhiên
“Mấy chú ăn bắp chưa qua sông chưa?- Đảm bảo ngọt thơm “bá chấy” luôn! Vọt xuống lẹ đi!” Lão nông Tám Hổ, ở Vàm Nao, An Giang, chào mời ngắn ngọn như thế mà kích thích trí tò mò người nghe muốn… chết!
Nắng chiều rực vàng, phản chiếu nhiều gam màu sống động trên bãi bắp rộng gần cả mẫu, chạy dài ra tới mép nước con sông Vàm Nao bí hiểm. Ngang tầm mắt, tầng màu vàng nâu điểm trắng bạc, của những bông bắp đực (cờ bắp) đang lắc lư nhè nhẹ, như đang vẫy tay gọi mời những làn gió sông mát lành “cứ thổi tới đi”. Gió hiu hiu, không đủ mạnh để lay những tàu lá bắp màu xanh ngọc khua xào xạc, hôm ấy. Gốc bắp nào cũng nghiêng nghiêng, “cặp nách” một trái lớn gần bằng cổ tay. Có trái râu đã sậm màu, teo tóp (hạt đã đặc sữa), có trái “tóc” còn bồng bềnh - đỏ hung (hạt bún ra sữa).
Ngọc bắp Việt (phần 1): Bắp lùi - ngô cười…Động đậy ký ức tuổi thơ!
Chợt nhớ truyền thuyết về sự ra đời cây bắp của người Indian: “Một thiếu nữ đã biến thành bắp ngô để dâng cho loài người một thứ hạt mới. Tóc của cô biến thành râu ngô, để cho mọi người đừng quên săn sóc đến quà tặng của nàng.”, lược trích từ: “Ngô có nguồn gốc từ đâu?”, tại Bách Khoa Tri Thức.
Nếu xưa các thổ dân da đỏ đó thích các hạt ngô có màu xanh, màu đỏ hoặc màu đen thì hôm ấy chúng tôi được đãi bắp trắng. Một loại bắp nếp lai ngắn ngày (khoảng 45 ngày), với 2 món: nướng lửa hồng và luộc.
Món nào cũng ngọt thơm chân nguyên. Từng hạt ngọc trời trắng ngà, đầy đặn được kết tinh từ đất mẹ phù sa với nắng gió phương Nam cùng bao giọt mồ hôi của những con người hào sảng, khiến người ăn nhớ đời. “Giống bắp nó ngộ lắm! Hễ mình bẻ cái cụp, nấu nướng cái rột (liền) thì ngọt “trời đất biết” luôn! Còn bắp trái, mà chở qua sông hoặc “nhảy” xe đò “đi” vài ba tiếng đã lạt “bộn” (kha khá) rồi.”, ông Tám Hổ cười hể hả nói.
Ngọc bắp Việt (phần 1): Bắp lùi - ngô cười…Bắp vừa là thực phẩm chính vừa là món đồ chơi quen thuộc của trẻ con vùng cao Tây Bắc
Tối đó, có gần chục thanh niên trong xóm chống xuồng sang căn nhà nhỏ cặp mé sông của ông, chuẩn bị “họp quân” đi bủa lưới cá bông lau. Họ nói cười rổn rảng, nhăn mặt “đưa cay”  (nhấm mồi) rượu đế với bắp - nhậu sương sương cho ấm người, trước khi chao mình cùng sóng gió. Mấy món bắp vừa kể, ban đầu là món ăn chơi, sau trở thành mồi nhậu thiệt. Sáng hôm sau, trước khi nhổ sào, bơi xuồng đưa khách chia xa xóm nhỏ - ẩn hiện trong sương mờ - ông Tám không quên dặn vợ: “lượm” chục trái bắp luộc bỏ bao ni lông, để “mấy chú” xách theo lót dạ.
Xem tiếp phần 2: Cuốn hút xôi… cùi bắp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.