Phá lấu chú Ba: Món ngon thời đi học

01/02/2013 07:13 GMT+7

Thưở còn đi học hẳn ai mà không một lần thử qua chén phá lấu bò trước cổng trường. Khi viết những dòng này tôi vẫn còn cảm nhận rõ vị ngon của chén phá lấu hơn 20 năm trước ở cổng trường tiểu học Kết Đoàn (trên đường Lương Hữu Khánh quận 01, sau lưng nhà thờ Huyện Sỹ). Là nhớ cái nồi phá lấu nhỏ lúc nào cũng sôi ùng ục, người bán dùng kéo và đồ gắp cắt nhỏ những miếng phá lấu cho vào chén rồi mới chan nước vào. Rồi phải có thêm ổ bánh mì và chén nước mắm mới “đủ bộ”. Cảnh quen thuộc bất kể sáng trưa chiều trước cổng trường là đám học trò chen chúc đứng ngồi sì sụp quanh nồi phá lấu nóng sền sệt đầy ấp những tên gọi quen thuộc tổ ong khăn lông trái khế lá mía thịt dày phèo, bất chấp sự can ngăn của… ba mẹ lẫn lực lượng “sao đỏ” vì chuyện vệ sinh lẫn trật tự lòng lề đường. Xuất phát là một món ăn bình dân cho học sinh trước cổng trường nên nguyên liệu chính là lòng bò cũng là thứ bình dân luôn (vì lòng bò nếu so với lòng heo hay gà vịt thì giá luôn rẻ nhất). Nhưng ngày nay thì khác rồi, từ khi lẩu bò trở thành món ăn yêu thích thì lòng bò đã bằng hoặc đôi khi cao giá hơn lòng heo. Đặc biệt là món lá sách hầu như rất ít thấy ở các quán phá lấu vì giá quá cao, chỉ có thể bán ở các tiệm lẩu bò lớn.

 Phá lấu chú Ba: Món ngon thời đi học 1
Chén phá lấu gợi nhớ những ngày cấp 1, cấp 2

Thưở còn đi học  hẳn ai mà không một lần thử qua chén phá lấu bò trước cổng trường. Khi viết những dòng này tôi vẫn còn cảm nhận rõ vị ngon của chén phá lấu hơn 20 năm trước ở cổng trường tiểu học Kết Đoàn (trên đường Lương Hữu Khánh quận 01, sau lưng nhà thờ Huyện Sỹ). Là nhớ cái nồi phá lấu nhỏ lúc nào cũng sôi ùng ục, người bán dùng kéo và đồ gắp cắt nhỏ những miếng phá lấu cho vào chén rồi mới chan nước vào. Rồi phải có thêm ổ bánh mì và chén nước mắm mới “đủ bộ”. Cảnh quen thuộc bất kể sáng trưa chiều trước cổng trường là đám học trò chen chúc đứng ngồi sì sụp quanh nồi phá lấu nóng sền sệt đầy ấp những tên gọi quen thuộc tổ ong khăn lông trái khế lá mía thịt dày phèo, bất chấp sự can ngăn của… ba mẹ lẫn lực lượng “sao đỏ” vì chuyện vệ sinh lẫn trật tự lòng lề đường.

Xuất phát là một món ăn bình dân cho học sinh trước cổng trường nên nguyên liệu chính là lòng bò cũng là thứ bình dân luôn (vì lòng bò nếu so với lòng heo hay gà vịt thì giá luôn rẻ nhất). Nhưng ngày nay thì khác rồi, từ khi lẩu bò trở thành món ăn yêu thích thì lòng bò đã bằng hoặc đôi khi cao giá hơn lòng heo. Đặc biệt là món lá sách hầu như rất ít thấy ở các quán phá lấu vì giá quá cao, chỉ có thể bán ở các tiệm lẩu bò lớn.

Quán Chú Ba này nằm trên con đường nhỏ Dương Đình Nghệ bên hông siêu thị Vinatex (Lãnh Binh Thăng) ở quận 11. Quán tiền thân là môt tiệm chè Tàu mở cũng được gần 20 năm, rồi cách đây gần 10 mới bán thêm món phá lấu bò và súp cá viên khá độc đáo. Điểm tôi thích ở quán là nồi phá lấu cũng như cá viên được đặt trên cao và được che chắn bằng kiếng kỹ lưỡng. Chén phá lấu nóng hổi vừa dọn ra đã thoang thoảng mùi nước dừa cùng một chút cay nồng của quế và ngũ vị hương. Chấm qua một chút mắm me mới bật hết hương vị tuyệt vời của món ăn rất “học trò” này. Và cũng đừng quên ăn kèm với bánh mì nữa bởi vị béo béo của nước súp khi ngấm vào bánh như đậm đà hơn bội phần. Thời còn đi học ăn một chén phá lấu mà hết 2, 3 ổ bánh mì là bình thường.

 CPhá lấu chú Ba: Món ngon thời đi học 2
Yong Tau Foo, món ngon của người Hẹ với vô vàn những biến thể  thú vị của đậu
hủ và chả cá các loại. Ở Singapore đây là một trong những món yêu thích nhất bởi
cách thức tự phục vụ rất đặc trưng.

Quán còn có một món khác khá độc đáo là súp cá viên mà tôi nghĩ những tiệm bán món này ở Sài Gòn chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tên gọi quốc tế thông dụng của món súp này là "Yong Tau Foo", một món ăn rất đặc trưng của người Hẹ (một nhánh của người Hoa, hay còn gọi là người Khách gia – tên gọi quốc tế là Hakka). "Yong Tau Foo" dịch sát nghĩa là “đậu hủ dồn”, tức là các loại đậu hủ với phần nhân cá phía trong. Gọi là vậy chứ món này bên cạnh đậu hủ còn rất đa dạng với nào là ớt trái, đậu que, khổ qua… dồn cá, và tất nhiên không thể thiếu món cá viên. Món ăn này khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan cũng như Trung Quốc.

Ở Singapore đây là một trong những món yêu thích nhất bởi cách thức tự phục vụ rất đặc trưng. Đầu tiên bạn tự lấy cho mình một cái tô, rồi lựa chọn trong hơn gần hơn 50 món trên quầy. Thông thường phần ăn sẽ được tính tiền theo kiểu “5 món/$3″ hoặc “8 món/$4”. Bạn có thể lựa chọn ăn theo kiểu khô hoặc nước, ăn thêm với mì thì thêm từ 50 cent cho đến $1 tùy chỗ. Hầu như các khu ăn uống (food court) của Singapore đều có món Yong Tau Foo độc đáo này. Đây cũng là món khoái khẩu của phần lớn du học sinh Việt Nam tại đây bởi hương vị tương đối gần gũi.

 Phá lấu chú Ba: Món ngon thời đi học 3
Súp cá viên – 1 phiên bản của Yong Tau Foo khó tìm thấy
ở các hàng quán ở Sài Gòn

Ở quán Chú Ba bạn có thể gọi một chén súp cá viên này ăn chung với mì gói. Tất nhiên danh sách không đầy đủ như món Yong Tau Foo chính gốc mà chỉ bao gồm bò viên, cá viên, các loại khổ qua, ớt, bắp non, đậu que… dồn cá. Như vậy cũng đã quá đủ khiến thực khách mê mẩn rồi. Nước dùng không đậm đà lắm, tuy nhiên cái thú vị của món này là bạn phải nhâm nhi từ từ với tương ớt và tương đen. Vì có vậy mới thấy hết cái đậm đà của viên cá, của miếng đậu hủ, miếng ớt...

 

Nằm gần 3, 4 trường từ mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học lẫn phổ thông nên hiển nhiên đối tượng chính của quán là học sinh rồi. Thoạt nghe quận 11 hơi xa thật, nhưng tôi nghĩ hoàn toàn xứng đáng cho những món ăn ngon và đầy ắp những kỷ niệm đẹp thời đi học.

P.V

Phá lấu chú Ba: Món ngon thời đi học 4 

Phá lấu Chú Ba
22 Dương Đình Nghệ, phường 08, quận 11
Mở cửa: 9h sáng đến 9h tối
Giá: Phá lấu (15.000đ/chén), súp cá viên (15.000đ/chén), thêm mì gói (5.000đ/phần), bánh mì (3.000đ/ổ)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.