Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02)

23/08/2013 12:39 GMT+7

Cùng khám phá những hàng quán không có bảng hiệu nhưng khi nhắc đến hầu như người Sài Gòn ai cũng biết. 6. Bún vịt "tranh thủ" hẻm 281 Lê Văn Sỹ Mới 3h15 chiều, nhiều người đã ùn ùn tới quán và ngồi vào bàn đợi sẵn, còn xe máy thì xếp hàng dài trong hẻm. Những người đến sớm có vẻ hỉ hả vì chắc chắn sẽ “được ăn”. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi quán bún vịt hẻm 281 Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) chỉ bán trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, từ 3h30 đến 4h30 mỗi ngày. Thực ra, chủ quán bún vịt bán tại nhà riêng, khách đến ăn ngồi ở ngoài sân, phòng khách và thêm vài chỗ trước cửa nhà hàng xóm. Khách quen đã tỏ tường “phong cách” của quán thường đến sớm 15 phút, thậm chí nửa tiếng để có... chỗ ngồi, đến sau là phải đứng đợi. Rồi keng một cái, đúng 3h30 mới có ông chủ ra hỏi khách ăn gì. Tuy eo hẹp về thời gian “được ăn vịt” nhưng quán phục vụ nhanh và thái độ phục vụ không hề chảnh, mà cái “chảnh” nằm ở chỗ tại sao không bán vịt nhiều hơn!

Cùng khám phá những hàng quán không có bảng hiệu nhưng khi nhắc đến hầu như người Sài Gòn ai cũng biết.

>> Xem Phần 01 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn

 

6. Bún vịt "tranh thủ" hẻm 281 Lê Văn Sỹ

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 1
Miếng vịt với lớp da dính sát vào thịt, lớp mỡ vừa phải chứng tỏ vịt được
vỗ béo không quá tay

Mới 3h15 chiều, nhiều người đã ùn ùn tới quán và ngồi vào bàn đợi sẵn, còn xe máy thì xếp hàng dài trong hẻm. Những người đến sớm có vẻ hỉ hả vì chắc chắn sẽ “được ăn”. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi quán bún vịt hẻm 281 Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) chỉ bán trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, từ 3h30 đến 4h30 mỗi ngày.

Thực ra, chủ quán bún vịt bán tại nhà riêng, khách đến ăn ngồi ở ngoài sân, phòng khách và thêm vài chỗ trước cửa nhà hàng xóm. Khách quen đã tỏ tường “phong cách” của quán thường đến sớm 15 phút, thậm chí nửa tiếng để có... chỗ ngồi, đến sau là phải đứng đợi. Rồi keng một cái, đúng 3h30 mới có ông chủ ra hỏi khách ăn gì. Tuy eo hẹp về thời gian “được ăn vịt” nhưng quán phục vụ nhanh và thái độ phục vụ không hề chảnh, mà cái “chảnh” nằm ở chỗ tại sao không bán vịt nhiều hơn!

Thịt vịt mềm, ngọt, chấm với nước mắm gừng vừa ăn, lớp gỏi rau cải bắp và hành tây lót phía dưới chua nhẹ. Món bún măng thì chỉ gồm bún, măng và nước dùng ngọt đậm đà chứng tỏ nồi nước dùng ở đây khá nguyên chất, không nêm nếm quá nhiều mà vẫn ngon ngọt. Nên ăn bún măng không vịt để thấy rõ hơn vị nước dùng và cái ngon của bún quyện với măng đã thấm đẫm nước vịt.

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 2
Bạn nên ăn bún măng không vịt để thấy rõ hơn vị nước dùng và cái ngon của bún
quyện với măng đã thấm đẫm nước vịt

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 3
Phong phú những món rau ăn kèm

Nhiều khách sành ăn đã từng thử qua vịt Thanh Đa (Bình Thạnh), vịt cỏ ở quận 07 cho đến vịt Củ Chi…  đều gật gù: vịt ở đây ngon vào hạng nhất nhì Sài Gòn. Tất nhiên lý tưởng nhất vẫn là vịt cỏ chạy đồng, không được vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng loại vịt này khá hiếm và nếu bán thì các quán không thể có lời được.

Nhưng thôi, mỗi người có một cách riêng biệt để thưởng thức ẩm thực. Chỉ biết rằng quán vịt hẻm tuy khá xa trung tâm này vẫn nô nức khách tìm đến ăn hàng ngày bất kể giờ giấc không thuận tiện, trễ chút là phải đứng chờ, bất kể quay về tay không chỉ vì đến muộn vài phút... Mới biết người Sài Gòn một khi đã trót mê món gì thì hang cùng ngõ hẻm nào cũng tới, giờ nào cũng đi cho bằng được.

Địa chỉ: 281/26 Lê Văn Sỹ, phường 01, quận Tân Bình
Mở cửa: chỉ từ 3h30 đến 4h30 chiều
Giá: Gỏi vịt nửa ức (90.000đ/dĩa cho 2 người), bún măng vịt (30.000đ/tô)

 

7. Bánh flan chung cư Chợ Quán

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 4
Món bánh flan nước cốt dừa độc đáo mà chị Mười sáng tạo ra

Từ 17 năm nay, chị Mười bán một loại bánh flan chẳng giống ai trong con hẻm 14 Trần Bình Trọng (quận 05). Đó là món bánh flan nước cốt dừa do chị tự sáng tạo ra.

Bánh flan là món ăn vặt phổ biến của Sài Gòn, hấp dẫn mọi lứa tuổi thực khách từ trẻ nhỏ cho đến người lớn tuổi. Nguyên liệu chủ yếu từ sữa, trứng gà và đường caramel.

Nhà chị Mười ở tận quận 08, ngày nào cũng chạy từ đó lên một con hẻm nhỏ trong chung cư Chợ Quán ở quận 05 để bán món bánh flan dừa. Chỉ là một quầy nhỏ dựng lên cùng vài chiếc ghế, nhưng món bánh flan làm từ nước cốt dừa độc đáo của chị đã lan truyền rộng rãi trong giới trẻ sành ăn vặt ở Sài Gòn.

“Có lẽ chị là người đầu tiên bán món bánh flan cốt dừa. Ngày đó khu chung cư này vắng lắm, rất ít có người buôn bán. Vì có người quen ở khu này nên chị đến bán, riết rồi thành chỗ của mình 17 năm nay”, chị Mười nhiệt tình chia sẻ.

Bây giờ bánh flan cốt dừa cũng được nhiều nơi bán, nhưng bánh bị rỗ và dễ vỡ, trong khi món bánh này của chị Mười rất mịn màng, khi ăn có vị béo ngậy từ nước cốt dừa rất hấp dẫn và không bị "đụng hàng".

Chị Mười bật mí: "Tuy món bánh này đơn giản nhưng chị chọn nguyên liệu đắt tiền nên ngon. Dùng sữa đặc có đường Ông Thọ có nắp (đắt tiền nhất trong loại sữa đặc có đường), trứng gà ngon, đường kính. Món bánh flan cốt dừa không phải hoàn toàn bằng cốt dừa, mà có một phần trứng, sữa như bánh flan bình thường mới ngon và không bị bể".

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 5
Vị ngọt bùi của nước cốt dừa kết hợp thật hài hoà với cà phê

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 6
Hấp bánh flan là cả một nghệ thuật

Bánh flan là món bánh ảnh hưởng từ văn hóa Pháp (có tên gọi khác là crème caramel), tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam đã được Việt hóa tối đa. Bánh flan ở Việt Nam không nướng trong lò mà thường được hấp, đơn giản vì lò nướng không phổ biến và nếu có thì rất đắt tiền. Tuy nhiên, nướng thì dễ nhưng hấp để bánh mịn màng, không rỗ mặt lại là cả một nghệ thuật.

Trước tiên, phải cân đối được tỉ lệ trứng và sữa. Phải loại bỏ bớt lòng trắng của một phần trứng và lọc trứng trước khi trộn với sữa tươi hoặc sữa đặc có đường thì bánh mới mịn và có màu vàng đẹp được. Nếu nhiều lòng trắng thì bánh sẽ trắng chứ không vàng. Đó là chưa kể khi chị Mười cho thêm nước cốt dừa vào thì tỉ lệ pha trộn sẽ phải thay đổi, điều đó chứng tỏ chị đã phải “thí nghiệm” rất nhiều lần mới thành công. Vì chắc chắc... không có sách nào hướng dẫn công thức độc đáo này.

Hấp bánh flan cũng là một nghệ thuật nữa. Lửa quá to làm hơi nóng bốc lên mạnh cũng làm bánh bị rỗ, lửa nhỏ quá thì bánh không chín. Có lẽ 17 năm chuyên làm hai loại bánh flan này nên có thể tặng chị danh hiệu “chuyên gia” được rồi.

Địa chỉ: chung cư Chợ quán, hẻm 14 Trần Bình Trọng, phường 01, quận 05
Mở cửa: từ 12h trưa đến 6h chiều
Giá: Bánh flan (2.500đ/cái)

 

8. Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám 

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 7
Dĩa gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám được xem là ngon nhất Sài Gòn  

Dĩa gỏi khô bò ngon nhất Sài Gòn chắc chắn phải nằm ngay... vỉa hè công viên Lê Văn Tám (quận 01), xem như một chuẩn mực mà những tín đồ ăn vặt xác lập nên.

Rất hiếm món ăn đường phố có được thương hiệu tốt như gỏi bò công viên Lê Văn Tám. Vài chục năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, xe gỏi nhỏ ở góc đường Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu này đã trở nên quen thuộc và thân thương với những tín đồ ăn vặt Sài Gòn

Thật khó khăn để hỏi chuyện về xe gỏi này, vì cô chủ luôn tay sắp cho đủ các thành phần ra dĩa hoặc bịch nylon để khách mua mang về, cũng như bí quyết làm món gỏi khô bò hấp dẫn này cần phải giữ kín như bưng.

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 9
Tất cả những món liên quan đều do gia đình thực hiện, từ khô bò, đu đủ, đậu phộng
cho đến bánh gạo

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 8
Khách đông, qua đường lại rất cực nên một tay bưng... 3, 4 dĩa là bình thường

Trong một lần vui vẻ trò chuyện cô cũng cho biết, cô là người bà con thân thiết của chủ nhân chính của xe gỏi. Hiện giờ bà ở nhà chỉ đạo việc làm gỏi hàng ngày, còn người đứng bán chính là cô. Tất cả các món liên quan đến món gỏi đều do gia đình thực hiện, tổng cộng chục con cháu trong nhà xúm lại làm từ sáng sớm mới xuể cho một ngày bán vào đầu giờ chiều.

Món thịt khô bò có thể ngon ngang ngửa với nhiều nơi làm khô bò khác, tuy nhiên nước chấm chan vào gỏi và món bánh gạo thì quả là trứ danh. Cô bán hàng bật mí món bánh gạo sở dĩ ngon bởi “gạo được trộn với tôm xay nhuyễn cùng các gia vị rồi chiên lên”, ăn giòn tan và ngọt đậm đà, khi quyện với nước gỏi chua chua, cay cay thì nổi bật vị ngon không ngờ, khác xa món bánh phồng tôm ăn kèm gỏi như nhiều quán khác.

Địa chỉ: góc ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 01
Mở cửa: từ 2h chiều đến 9h tối
Giá: Gỏi khô bò (16.000đ/dĩa)

 

9. Bánh mì thịt nướng hẻm 37 Nguyễn Trãi

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 10
Bánh mì 37 Nguyễn Trãi được đông đảo thực khách trong và ngoài nước yêu thích

Đã 5 năm kể từ khi trang mạng concierge.com của tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler vinh danh bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi (quận 01) là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, xe bánh mì của chị Gái vẫn nườm nượp khách hàng trong lẫn ngoài nước.

Cứ vào 5h chiều hàng ngày, kể cả cuối tuần, xe bánh mì của chị Gái đẩy ra vỉa hè trước hẻm 37 Nguyễn Trãi ở quận 1 (gần bùng binh Phù Đổng Thiên Vương). Trước đó, từ khoảng 3h chiều, thịt được nướng sẵn một phần khi xe còn đậu trong hẻm. Xe vừa đẩy ra thì khách đã đứng xếp hàng chờ mua.

Trang concierge.com đã viết về xe bánh mì này: “Những đầu bếp món ăn đường phố thật là kỳ diệu, chỉ cần một cái xe đẩy và một lò than hay một cái chảo dầu, là họ đã tạo ra một bữa ăn tuyệt vời”.

Cắn một miếng bánh mì là bạn đã cảm nhận đầy đủ hương vị của Sài Gòn, món ăn pha trộn giữa ẩm thực Pháp và Việt. Chiếc bánh mì giòn là văn hóa Pháp, nhưng toàn bộ nhân ở trong gồm những miếng thịt nướng, lát dưa leo giòn tan, đồ chua, ngò và nước tương thơm phức thì đích thị là văn hóa Việt.

Tôi gọi một ổ bánh mì thịt nướng. Chị chủ quán cho vào 5 miếng thịt nướng vàng ươm, cùng với rau và đồ chua. Thịt có vị ngọt bởi có nêm đường và thơm mùi sả, tuy nhiên nó được cân bằng nhờ vào món đồ chua. Nhưng cái độc đáo nhất của xe bánh mì này lại nằm ở thứ nước tương đặc biệt làm cho tất cả các nguyên liệu hòa quyện với nhau, tạo ra một hậu vị rất hài hòa. Có thể nói, nước xốt (trong trường hợp này là tương đen) luôn là linh hồn của mọi món ăn, từ giản dị nhất cho đến cao cấp nhất.

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 11
Miếng thịt nướng thơm phức của góc đường

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 12
Ổ bánh mì thịt nướng hấp dẫn bậc nhất Sài Gòn

Trên trang web đánh giá điểm du lịch nổi tiếng TripAdvisor, xe bánh mì 37 Nguyễn Trãi cũng được chấm điểm cao nhất. Một thành viên đã viết rằng: “Tôi đã tìm hiểu rất nhiều món ăn trước khi tới thành phố Hồ Chí Minh, và xe bánh mì 37 Nguyễn Trãi bán món bánh mì kẹp ngon nhất thành phố này với giá chỉ khoảng 0,75 đô la”.

Hỏi tên thật của chị chủ quán, chị lắc đầu và nói giản dị: "Cứ gọi chị là Gái thôi". Chị cũng cho biết thêm rằng, bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi chỉ có địa chỉ duy nhất là ở hẻm 37 này, chứ không nhượng quyền hay chia sẻ cho ai hết như các thông tin trên mạng.

Một cái tên giản dị, một món ăn quen thuộc như bao nơi khác nhưng sự khác biệt của bánh mì thịt nướng hẻm 37 lại quá rõ rệt. Như là một phần thêm vào đầy thi vị của ẩm thực Sài Gòn, hay một niềm tự hào khó tả với bạn bè bốn phương.

Địa chỉ: đầu hẻm 37 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 01
Mở cửa: 5h chiều đến khoảng 7h30 tối
Giá bán: 15.000đ/ổ

 

10. Bánh đúc "chảnh" Phan Đăng Lưu

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 13
Chủ quán luôn tay múc bánh nhưng khách vẫn phải chờ đợi vì quán quá đông

Nhiều tín đồ ăn vặt Sài thành không ngần ngại chờ "dài cổ” để được ăn món bánh đúc hấp dẫn trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận.

Bánh đúc là một món ăn chơi xứ Bắc, hợp với những ai có thời gian rảnh trong giấc từ 2h đến buổi chiều tối, lót bụng trước bữa ăn chính. Vậy nên, đó cũng là lúc quán bánh đúc nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu này tấp nập thực khách ra vào.

Quán thực ra là một ngôi nhà nhỏ xíu với một khoảng sân nhỏ đằng trước, cũng vì vậy mà chỉ có ghế nhựa thấp, không có bàn, khách muốn thì lấy ghế làm bàn luôn. Khách đến ngồi xúm xít, san sát, đủ mọi lứa tuổi.

Ngạc nhiên nhất là thực khách rất kiên nhẫn chờ mình được “ngó ngàng” tới. Ai tới cũng kêu to lên “Cho một phần bánh đúc!” rồi ngồi đợi. Nếu bạn chờ đợi một gương mặt thân thiện đến và hỏi “Anh chị dùng gì?” như bao hàng quán khác ở Sài Gòn thì chắc chắn ở đây bạn sẽ bị hụt hẫng cao độ.

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 14
Nồi bánh đúc quyến rũ bao thế hệ thực khách

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 02) 15
Là "món hiếm" nên khách sẵn sàng chờ đợi, không quan tâm đến chất lượng phục vụ

Tất nhiên, nếu không gây chú ý với người bán thì bạn sẽ phải chờ lâu hơn chút. Nhưng chắc chắn bạn sẽ vẫn được phục vụ, vì người bán tuy có bận túi bụi nhưng vẫn biết khách nào tới trước, khách nào tới sau (dù thỉnh thoảng cũng có lúc nhầm lẫn).

Sở dĩ nhiều người phải ngồi đợi hơi lâu vì nhiều khách ăn trước, biết cái “chảnh” của chủ quán nên kêu liền chục phần mang về cho bõ công. Phải đóng gói cho khách mang về xong xuôi thì mới đến lượt bạn được phục vụ.

Món bánh đúc ở đây được chan ngập nước mắm pha loãng vị ngọt, hơi mằn mặn, có thịt bằm với nấm mèo và rất nhiều hành khô đã phi vàng. Cách ăn này hơi giống với món bánh giò chan nước mắm thịt bằm ở quán phở chua Lạng Sơn gần chợ Bàn Cờ. Là món quà ăn nhẹ nhàng, vừa đủ lưng lửng bụng, có vẻ dân dã nên rất nhiều người thèm thèm, nhớ nhớ.

Địa chỉ: 116/11 Phan Đăng Lưu, phường 03, quận Phú Nhuận
Mở cửa: 2 giờ chiều đến 6-7 giờ tối
(nghỉ bán vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng)
Giá bán: Bánh đúc (16.000đ/chén)

 

>> Xem Phần 01 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn

 

P.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.