Áp lực kẹt xe kinh khủng ở trung tâm Sài Gòn: Phải có giải pháp hiệu quả

14/11/2016 13:12 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Áp lực kẹt xe ở trung tâm Sài Gòn đăng trên Thanh Niên ngày 13.11.

Mật độ dân số quá lớn
Nhiều khu vực trung tâm cho xây dựng quá nhiều cao ốc. Việc nén chặt một lượng dân số quá lớn trong những năm gần đây, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM ở khu vực trung tâm không được cải thiện bao nhiêu, là một cách quản lý đô thị chưa khoa học. TP rất cần những chuyên gia tư vấn để đề ra những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này, nếu không thì vài năm nữa không có đường mà đi.
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

tin liên quan

Áp lực kẹt xe kinh khủng ở trung tâm Sài Gòn
Ùn tắc, kẹt xe vốn đã quá quen thuộc với người dân Sài Gòn, nhưng kẹt dây chuyền, diễn ra cả ngày và liên hoàn trên nhiều tuyến đường trung tâm thì chưa bao giờ nặng nề như tuần qua.
 
Sẽ còn kẹt dài dài!
Nếu không có giải pháp tình thế cộng với giải pháp lâu dài thì nạn kẹt xe ở TP.HCM sẽ còn dài dài. Sự gia tăng nóng dân số trong khi hạ tầng giao thông không đầu tư tương ứng thì khó tránh kẹt xe. Các giải pháp đồng bộ như xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giãn dân ra ngoại thành, hạn chế xây cao ốc khu vực trung tâm… dường như có một giai đoạn bị thả nổi, nên bây giờ mới chịu trận như vậy.
Phan Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Dự báo kém
Phải thẳng thắn nhìn nhận kẹt xe gia tăng do sự yếu kém về các giải pháp đồng bộ, trong đó có các chính sách giãn dân như xây dựng khu đô thị, trường học, bệnh viện tại vùng ven mà quan trọng là tạo được việc làm ở các vùng mới. Bên cạnh đó cũng nên xem lại việc cấp phép xây dựng trung tâm thương mại, chung cư trong TP với mật độ dày đặc. Các phương tiện giao thông công cộng thì kém thu hút, không thuận tiện thì làm sao người dân tham gia… Những vấn đề này lẽ ra TP phải có dự báo và có kế hoạch phát triển từ hàng chục năm trước chứ không phải đến bây giờ mới thấy.
Nguyễn Long Hoàng (Q.10, TP.HCM)

tin liên quan

Khổ như… kẹt xe ở TP.HCM
Tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM đã đến mức đỉnh điểm trong khoảng 1 tháng gần đây. Ùn ứ, quá tải giao thông không chỉ ở các khu vực trung tâm mà đã lan khắp nơi.
Tại sao bế tắc?
Dân số đông sẽ là gánh nặng cho giao thông nhưng ngược lại sẽ là động lực lớn để thúc đẩy TP càng phát triển. Vấn đề này tồn tại trên khắp các TP của các nước trên thế giới chứ không riêng gì TP.HCM. Thế nhưng tại các nước khác người ta giải quyết được bài toán này còn TP.HCM thì chưa? Quản lý giỏi là phải dự báo được tương lai để phát triển đón đầu chứ không phải khi gặp vấn đề rồi mới tìm cách giải quyết. Một TP văn minh, hiện đại nhưng đến thế kỷ này mới làm metro, tàu điện thì áp lực kẹt xe là điều dễ hiểu.
Nguyễn Thanh Toàn (Q.7, TP.HCM)
Đúng là thời gian gần đây tình trạng kẹt xe tại TP.HCM ngày càng trầm trọng, bất kể ngày đêm, ngày nghỉ. Không phải vì người dân ra đường quá nhiều đến nỗi kẹt xe mà một phần là do sự bố trí giao thông chưa hợp lý. Nếu để ý sẽ thấy tình trạng kẹt xe thường chỉ xảy ra tại các giao lộ trọng tâm, từ đó mới “dây chuyền” sang các tuyến đường khác. Mở rộng đường là rất cần thiết, nhưng điều tiết giao thông cũng rất quan trọng. Vì tôi để ý, có những nút giao thông bị kẹt, khi thoát ra được, thì con đường trước mặt mình rất thênh thang!
Bùi Văn Nhật (Q.7, TP.HCM)
Hy vọng sắp tới đây, TP xây dựng xong hệ thống metro thì áp lực kẹt xe sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem lại hệ thống xe buýt có đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hay không. Bởi phương tiện công cộng còn quá bất tiện nên đa số người dân chọn đi xe máy. Nếu giao thông công cộng được hiện đại hóa, tiện lợi thì người dân sẽ dần chuyển sang sử dụng và áp lực kẹt xe cũng sẽ giảm.
Lương Thị Ân (Q.Bình Tân, TP.HCM)
An Phong - Sơn Hải (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.