Bà tổng thống đai đen karate

04/07/2015 05:00 GMT+7

(TNTS) Cả Eurozone đang đau đầu với chuyện nợ nần của Hy Lạp khiến người ta nhớ đến câu chuyện của người phụ nữ được so sánh với “Bà đầm thép” Margarete Thatcher của Anh trong nỗ lực cứu nền kinh tế nước nhà khỏi cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.

(TNTS) Cả Eurozone đang đau đầu với chuyện nợ nần của Hy Lạp khiến người ta nhớ đến câu chuyện của người phụ nữ được so sánh với “Bà đầm thép” Margarete Thatcher của Anh trong nỗ lực cứu nền kinh tế nước nhà khỏi cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Rồi cả phương Tây đang đối đầu với Nga lại khiến người ta nhắc đến một nhân vật với những chỉ trích bạo liệt và không hề ngại ngần về ông Putin. Đó là Tổng thống Dalia Grybauskaité của Lithuania.

Bà tổng thống đai đen karate 1
Tổng thống Dalia Grybauskaité của Lithuania
Bà đầm thép vùng Baltic
Khi những căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có lối thoát thì vừa rồi Đại sứ Lithuania ở Ukraine thông báo Lithuania sẽ trở thành nước đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Tuyên bố này không có gì ngạc nhiên bởi năm 2014, thế giới đã chứng kiến những phát ngôn gây sốc của bà Grybauskaité. Bà so sánh Tổng thống Nga Vladimir Putin với Josef Stalin và cả Adolf Hitler, gọi Nga là “nhà nước của kẻ khủng bố” rồi cảnh báo rằng sự gây hấn của Nga “có thể trải khắp châu Âu và xa hơn nữa”. Đúng là rất sốc, không chỉ với nước Nga, bởi gần như chả có lãnh đạo châu Âu nào dám làm thế và phần còn lại của liên minh quân sự NATO cũng chỉ dám phàn nàn về Nga và thể hiện sự ủng hộ Ukraine qua lời nói.
Nhưng điều này không có gì lạ đối với Lithuania bởi một trong những thế mạnh của nữ tổng thống khi tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ 2 vào giữa năm ngoái chính là “thái độ với gấu Nga”. Bà là nữ tổng thống đầu tiên và là tổng thống đầu tiên trúng cử 2 kỳ liên tiếp kể từ sau ngày Lithuania tách khỏi liên bang Xô Viết năm 1991. Những chênh lệch lớn với một nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân có tới 144 triệu dân, gấp hơn 40 lần dân số Lithuania chẳng hề là trở ngại đối với bà Grybauskaité. Dường như bà luôn trong tình trạng thách đố ông Putin, người mang đai đen môn judo, bởi bà không hề kém cạnh với đai đen môn karate.
Người dân phần đông ủng hộ bà tổng thống nhưng không phải chính trị gia nào cũng cho rằng chọc giận Nga là hành động khôn ngoan, bởi chính người cố vấn của bà cũng phải thừa nhận rằng “Lithuania hiện đang nằm dưới sự tấn công khác thường như tấn công thông tin hay cuộc chiến trên mạng”. Còn với bà, thái độ sống và quan điểm chính trị này đã là một phần của chân dung vị lãnh đạo không gia đình và không đảng phái chính trị hậu thuẫn.
Bà tổng thống đai đen karate 2Với bà Hillary Clinton
Bà tổng thống đai đen karate 3Với Tổng thống Mỹ Barack Obama
Hoa mộc lan cô đơn
Thế giới thường ca ngợi bà là “Hoa mộc lan thép” hay “Bà đầm thép vùng Baltic” nhưng có lẽ hình ảnh hoa mộc lan cô đơn là hợp với bà nhất. Không được như bà Thatcher, Grybauskaité đâu có một người chồng ngồi đợi ở nhà để rót sẵn một ly whisky chào đón bà trở về sau một ngày làm việc căng thẳng - như so sánh của tờ Financial Times. Con đường chính trị của bà cũng mang dấu ấn là cuộc độc hành. Ba mẹ đều qua đời, bà không có anh chị em hay họ hàng thân thích. Thậm chí năm 2008, khi ra tranh cử lần đầu, bà còn bị gán cho mác “người đồng tính” và vẫn là người phụ nữ độc thân cho đến tận bây giờ.
Bà nói lưu loát tiếng Lithuania, Anh, Nga và Ba Lan. Ngoài công việc thì thời gian rảnh bà dành cho việc tập luyện karate. Sau năm 1991, bà được phân công vào Bộ Thương mại quốc tế với thành tích nổi bật nhất là vai trò người đàm phán chính trong hiệp định thương mại tự do với EU. Sau thời gian làm Đại sứ Lithuania tại Mỹ, bà kinh qua một loạt các chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Tài chính từng dẫn đầu các đoàn đàm phán làm việc với Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, Thứ trưởng Ngoại giao rồi Bộ trưởng Tài chính. Bà đảm nhận vai trò Ủy viên Ủy ban Châu Âu phụ trách các chương trình tài chính và ngân quỹ năm 2004 đúng vào ngày Lithuania chính thức gia nhập EU.
Bà tổng thống đai đen karate 4Với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye - Ảnh: Reuters, AFP
Người phụ nữ sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động này dù trải qua nhiều trọng trách như thế lại không nghĩ rằng có ngày mình ra tranh cử tổng thống. “Tôi thực sự chưa bao giờ đặt ra mục tiêu này. Khi nhìn thấy Lithuania trượt dài trong cơn khủng hoảng thì tôi mới muốn giúp chính phủ đưa đất nước thoát ra khỏi những khó khăn” - và đó là lý do bà tuyên bố khi chạy đua đầu năm 2009. Cùng với chính phủ của thủ tướng lúc đó là Andrius Kubilius, bà thành công trong việc ổn định đất nước và không giống với những nước Nam Âu lâm vào cơn khủng hoảng, bà làm được điều này mà không cần đến sự hỗ trợ tài chính từ IMF. “Nếu ý chí và trách nhiệm chính trị được đặt đúng chỗ, bạn không cần ai giúp”, bà cho biết và khẳng định không cần đến bất kỳ “chế độ độc tài nào từ bên ngoài”.
Những người chỉ trích bà đã ám chỉ đến “chế độ độc tài ở bên trong” khi nói về các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc. Khoản chi tiêu công bị cắt giảm 30%, lương công chức giảm 20%, lương hưu giảm 11% trong khi chính phủ áp thuế cao và nhất là tình trạng chảy máu chất xám khiến Lithuania mất đi hơn nửa triệu công dân (1/5 dân số) kể từ khi nước này trở thành thành viên EU. “Vâng, đó là cái giá của việc gia nhập vào khu vực kinh tế lớn hơn. Đối với một nước nhỏ, đây là thông điệp rất xấu”, bà bộc bạch.
Và đó mới là những gì khiến bà trăn trở hay suy nghĩ chứ không phải những tin đồn kiểu “bà làm việc cho KGB” hay giải thưởng Charlemagne (vốn được xem là giải Oscar của chính trị), bởi bà tự mô tả bản thân: “Tính cách của tôi định hình trong cuộc chiến sinh tồn. Tôi không xuất thân từ gia đình giàu có nên tôi chẳng có ai hỗ trợ. Đây là lý do vì sao ở tôi tồn tại tính nghiêm khắc, kỷ luật cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.