Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Thà có trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn có trái tim... lãnh cảm!

07/02/2004 16:29 GMT+7

Đại bản doanh" của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe - là một căn phòng chan hòa ánh sáng. Bên cạnh những tập hồ sơ, tài liệu khoa học được sắp xếp ngăn nắp là một góc bày những bình gốm nghệ thuật, tranh do ông vẽ và một bài thơ của ông viết bằng thư pháp, nét bút bay bướm trên nền giấy điệp của Trụ Vũ.

Bác sĩ đang nghe điện thoại. Một tờ báo "đặt hàng" ông viết gấp bài cho ngày lễ Tình yêu. Ông cười giòn: "Tôi già khú rồi, còn viết về yêu đương gì được nữa?".

Nếu chỉ tiếp xúc với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc qua những tác phẩm của ông, người ta thường hình dung "ông thầy thuốc trẻ con" này còn rất trẻ, luôn thường trực trên môi nụ cười tinh nghịch, thế nhưng ông là một người nghiêm túc mà bay bổng. Ở ông kết hợp cả hai yếu tố của một người nghệ sĩ và một nhà khoa học -  hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đồng thời là một thầy thuốc ưu tú. Chỉ cần nhìn vào số tác phẩm y học và văn chương, cũng đủ thấy sức làm việc bền bỉ của ông. 

"Những gì tôi làm được ngày nay đều nhờ rất nhiều vào sự trợ giúp của vợ tôi", bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tâm sự. Bà quán xuyến nhà cửa, nuôi dạy các con đồng thời cũng lo lắng về tài chính gia đình để ông có điều kiện dành tâm sức lo việc ngoài xã hội. Dù rất bận rộn, ông vẫn tranh thủ thời gian cho vợ con và các cháu nội ngoại của mình. Nay, các con ông đều đã trưởng thành, một người làm ngành y, một làm ngành dược và một là giáo viên.  

Trò chuyện với ông, sẽ thấy một nhà khoa học nghiêm túc, nhưng dí dỏm và đầy thi vị. Ngày Tết vừa qua, ông đã làm một bài thơ rất "dễ thương" để "nịnh khéo" người vợ của mình:

"Dẫu thế nào đi nữa
Em vẫn còn trẻ măng...
Dẫu thêm ngàn năm nữa
Em còn thua tuổi anh!".

- Chào bác sĩ! Cháu là một người cực kỳ hâm mộ bác sĩ. Cháu luôn tìm đọc những bài viết của bác sĩ. Ngoài những lời khuyên của thầy thuốc cháu còn học được những triết lý cuộc sống rất sâu xa. Cháu rất muốn được biết nhiều hơn về cá nhân và gia đình bác sĩ. (Hely@yahoo.com)

- Cám ơn cháu. Về cá nhân tôi, thì đó là một ông thầy thuốc... già, tuổi đã hơn 60... mà nhiều người thân cho là nghiêm khắc, khó chịu (trong khi tôi không thấy vậy!). Một vài bạn đọc thấy tên tôi là Đỗ Hồng Ngọc, một tên rất "con gái", thì còn tưởng là một... nữ bác sĩ trẻ đẹp, đến khi gặp thì sinh ra thất vọng! Còn về gia đình, thì tôi... đã có một vợ và bốn con, một nhóc cháu ngoại 3 tuổi và một nhóc cháu nội 2 tuổi! Tôi còn có mẹ già 87 tuổi. Nói chung, sống "tứ đại đồng đường", theo những nguyên tắc mà tôi đã viết trong cuốn sách "Già ơi... chào bạn!". Chuyện tôi gặp vợ tôi là thế này: Tôi có người bạn thân, anh dẫn tôi đến "coi mắt" người yêu của anh. Trong lúc trò chuyện thì cô ta reo lên: Má về! Nhìn ra thấy một cô gái hãy còn trẻ chẳng có vẻ gì là "má" cả... Thì ra đó là cô chị - con gái lớn trong gia đình nên quán xuyến, chăm lo cho các em, được các em quý trọng... kêu bằng "Má", thế thôi. Sau đó thì tôi trở thành "Ba". Chuyện cũng gần bốn thập kỷ rồi đó.

- Xin "bật mí" với bác sĩ là hầu hết những người thân của cháu đều "gối đầu giường" cuốn sách Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng của chú. Riêng cháu được đọc Hồi ký Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Ngu Í Hữu Ngư qua ký ức những người thân đều nhắc đến bác sĩ. Xin bác sĩ cho biết, nhờ đâu từ thuở "mồ côi cha" với đàn em gái bé bỏng, níu áo bà quả phụ trẻ sống lay lắt với bà con bên nội bên ngoại ở thị xã Phan Thiết; mà từ tuổi 12 đã có ý chí sắt đá tự lập miệt mài học tập để có thành công như  ngày nay? (Lê Thị Thu Diễm - huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ - Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)

- Cám ơn cháu đã quan tâm. Chính là nhờ mẹ tôi luôn động viên khuyến khích - bà là người rất có ý chí - lại nhờ cậu tôi là nhà văn Nguyễn Ngu Í dẫn đến trường và nhất là nhờ những cuốn sách quý giá của ông Nguyễn Hiến Lê, đã ảnh hưởng lớn đến tôi như Kim chỉ nam của học sinh, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn... Tuổi thơ tôi gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là luôn có những tấm gương tốt quanh mình để tôi noi theo.

- Xin ông cho biết những yếu tố nào đã giúp ông thành công trong nghề nghiệp? (Đăng Dung, Đà Nẵng)

- Theo tôi, cần có sự say mê và học tập, rèn luyện không ngừng. Ngay từ khi còn là một sinh viên y khoa, đi thực tập ở Bệnh viện Nhi Đồng, tôi đã "mê" trẻ con để trở thành một bác sĩ nhi khoa. Khám chữa bệnh cho trẻ con có cái thú là chúng không... biết nói, thỉnh thoảng còn giật kiếng cận và ống nghe của mình, lúc cao hứng còn... "tè" vào mặt mình. Thú vị nữa là chỉ cần bẵng đi một thời gian, đã thấy chú nhóc bệnh nhi dạo nọ bế trên tay một... chú nhóc khác - là con của chú - đến nhờ khám chữa bệnh tiếp! Nghiên cứu, giảng dạy và thực hành là 3 yếu tố bổ sung cho nhau rất tốt. Tuy nhiên, cần chuyên sâu mà cũng cần mở rộng để có một nền tảng kiến thức tổng quát vững vàng.

- Cháu là người thường xuyên đọc những bài viết của bác sĩ trên các báo và tạp chí. Những bài viết của bác rất dí dỏm, dễ đi vào lòng người, bởi sau mỗi câu chữ luôn lấp lánh một nụ cười rất hóm hỉnh. Dường như trong mỗi đơn thuốc khô khan bác còn kê thêm "mười thang thuốc bổ" không mất tiền? (phongdecor@yahoo.com)

- Cám ơn cháu đã "thấy" qua những bài báo, cuốn sách của tôi là những "bài thuốc". Thuốc mà đắng thì thường người ta phải... bọc đường. Do vậy mà cần dí dỏm một chút, hóm hỉnh một chút cho dễ... uống!

- Nhiều người gọi ông là bác sĩ của tuổi mực tím, tuổi trưởng thành và cả tuổi... trăng xế. Bằng cách nào ông có thể tiếp cận được nhiều đối tượng như vậy? (Nguyễn Hải Bằng, CC. Cống Quỳnh, Q.1, TP Hồ Chí Minh)

- Lại cám ơn bạn đã không dùng tuổi trăng... tà mà là tuổi trăng xế! Theo tôi, để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng như vậy thì mình phải trải nghiệm, tự nghiền ngẫm, ngắm nghía mình qua từng lứa tuổi - nói chung là phải thấu cảm - rồi chia sẻ chân thành cùng bạn đọc. Khi viết, tôi luôn nghĩ có "đối tượng" đang ngồi trước mặt mình.

- Bác sĩ có thể kể về một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời làm nghề y?

- Đó là lúc thực tập đỡ đẻ ở Bệnh viện Từ Dũ, năm 1965. Khi đỡ được ca đầu tiên mẹ tròn con vuông, tôi xúc động viết liền một mạch bài thơ Thư cho bé sơ sinh, sau đó còn chép vào bản phúc trình nộp lên thầy. Thầy rầy: Đỡ đẻ không lo đỡ đẻ, lo làm thơ! Hôm sau đã thấy ai đó viết bài thơ lên bảng đen và được nhiều bạn sinh viên thời đó yêu thích. Còn chú bé sơ sinh của tôi lúc đó nay đã gần 40 tuổi rồi còn gì! Mới thôi!

- Bác sĩ ơi, bác sĩ có đơn thuốc nào để chữa trị cho một trái tim luôn đau yếu vì tình yêu hay không? (B.T - một chàng trai 28 tuổi, giấu tên)

Kỳ tới, ca sĩ Evil Phương và vợ sẽ giao lưu cùng bạn đọc. Mời bạn đọc đặt câu hỏi "chất vấn" (câu hỏi xin gửi về tòa soạn hoặc địa chỉ e-mail: tnct@hcm.vnn.vn, trước ngày 11/2).
- Có lẽ bạn nên hỏi anh Bồ Câu. Thỉnh thoảng... bí về những loại thuốc đó, tôi cũng hỏi bác sĩ Bồ Câu (lúc này đang có dịch cúm gà, tôi cũng đang lo cho anh ta!). Theo tôi thì thà có một trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn một trái tim... lãnh cảm! Thực ra, tình yêu... thứ thiệt thì luôn làm cho trái tim ta mạnh mẽ hơn thôi! Bạn đồng ý không?

Hồng Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.