Báo Thanh Niên, chàng trai 30 tuổi

14/12/2015 06:58 GMT+7

Ba mươi năm trước, khi mới chào đời, Báo Thanh Niên mang tên “mụ” là Tuần tin Thanh Niên .

Ba mươi năm trước, khi mới chào đời, Báo Thanh Niên mang tên “mụ” là Tuần tin Thanh Niên.

Tác giả (bìa trái) tại lễ trao giải “Ấn tượng World Cup 2010” do Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Khả HòaTác giả (bìa trái) tại lễ trao giải “Ấn tượng World Cup 2010” do Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Khả Hòa
Đầu tiên, tôi có may mắn góp cái... tên, trong bảng giới thiệu khi ra mắt tờ báo. Đơn giản, vì tôi với một số anh em lãnh đạo tờ báo “hợp cạ” nên chơi với nhau.
Thực ra, lúc đầu tôi cũng chưa sẵn sàng để trở lại là nhà báo, vì hồi năm 1986 ấy, tuy sắp Đổi Mới nhưng đời sống còn khó khăn lắm. Tôi chỉ làm thơ, lâu lâu in được vài bài thơ trên báo này báo kia, kiếm mấy đồng nhuận bút, vậy thôi. Vả lại, bấy giờ có rất ít tờ báo để mình nghĩ có thể cộng tác. Tuần tin Thanh Niên đã mở cho tôi cánh cửa giúp tôi quay lại nghề báo, một nghề năng động, nhiều thách thức nhưng cũng mang lại không ít niềm vui và hứng khởi. Từ vụ Nguyễn Mạnh Huy, tôi bắt đầu viết được bài báo nhỏ cho Tuần tin Thanh Niên, rồi theo thời gian, cứ thế việc cộng tác của tôi với Tuần tin Thanh Niên, nhất là từ khi báo chính thức mang tên Thanh Niên - tiếp nối truyền thống Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập từ năm 1925 - thì bài viết của tôi có vẻ nhiều hơn, gồm cả... thơ và bài báo.
Làm báo cũng phải có anh em khuyến khích, phải vui mới làm được. Chẳng biết từ lúc nào, những bài báo của đồng nghiệp trên Báo Thanh Niên đã cổ vũ tôi hăng hái quay lại với nghề báo mà tôi ngỡ đã quên đi từ sau giải phóng. Viết được một vài bài, được in một vài bài, thế là... thừa thắng xông lên, tôi cứ viết tưng bừng. Làm báo vui thật. Làm báo, tự nhiên thấy mình nhanh nhẹn hẳn lên, năng động hẳn lên mà khả năng... chém gió cũng “nâng cấp” khá nhiều. Làm báo tự nhiên có nhiều bạn, nhiều đồng nghiệp, nhiều quan hệ. Nhưng với tôi, không có bất cứ quan hệ nào là rắc rối cả. Không phải vì tôi chỉ chuyên viết những bài... ca ngợi, không mất lòng ai. Làm báo mà không mất lòng ai thì thật khó. Tôi không phải ngoại lệ. Nhưng nếu cái tâm mình sáng, cái lòng mình ngay, thì bài viết của mình dù có “đụng” chỗ này chỗ khác hay người này người kia, thì cuối cùng, mọi điều đều có thể kết thúc... sáng rõ, dù có hậu hay không.
Cũng nhờ cộng tác thường xuyên với Báo Thanh Niên mà “phổ” làm báo của tôi mở rộng ra. Tôi viết về rất nhiều đề tài, tôi xông vào nhiều lĩnh vực của đời sống, văn hóa, thể thao (cụ thể là bóng đá), ở đâu tôi cũng được anh em trong tờ báo Thanh Niên khuyến khích, đặt bài và in bài. Có thời gian Báo Thanh Niên mở cả những chuyên mục hài, châm biếm, tôi cũng hăng hái tham gia và có bài thường xuyên. Tôi luôn tự nhắc nhở mình phải học tập các bậc lão thành vừa là nhà báo vừa là nhà văn như các cụ Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Bằng... Họ là những tấm gương khi hành nghề báo mà tôi cố học theo. Báo Thanh Niên là tờ báo đương đại tiếp nối được khí chất của những tờ báo tự do, dân chủ.
Còn nhớ, những năm 1996 - 1998, khi tôi chưa biết máy vi tính là gì, còn laptop thì hình như chưa “chộ mặt”, nhưng gặp kỳ bóng đá Euro rồi World Cup, Báo Thanh Niên đã đặt tôi viết bài thường xuyên, nhất là những bài viết ngay sau trận đấu. Hồi ấy, những trận đấu thường kết thúc lúc 3 giờ sáng, lại đang lúc tôi ở Sài Gòn đưa con đi thi đại học, nhưng cứ xong trận đấu 15 phút là tôi xong bài, bài đánh máy thôi, và tôi đưa ngay xuống lễ tân của khách sạn để fax về tòa soạn. Vậy mà vào đúng 5 giờ sáng, tờ Tin nhanh cùng tờ báo chính đã xuất hiện trên tất cả các sạp báo. Sướng thật đấy!
Làm báo là để cho dân đọc, chính người đọc nuôi sống tờ báo. Tờ Thanh Niên đã tuân theo tôn chỉ đó, và từ hai bàn tay trắng, Thanh Niên giờ đây đã có hẳn một cơ ngơi đồ sộ, có chỉ số phát hành vào hạng cao nhất nước, và có một đội ngũ đông đảo những nhà báo chuyên nghiệp. Đó là cả một kỳ tích, nếu ta nhớ lại, 30 năm về trước, những người đầu tiên làm tờ Tuần tin Thanh Niên đã làm báo trong điều kiện thế nào. Mặc dù trong chiến tranh đã là một nhà báo trong chiến trường, nhưng phải nói thật, chính Báo Thanh Niên đã đào tạo tôi trở nên một nhà báo chuyên nghiệp và “đa hệ” như bây giờ. Trong bất cứ thời gian nào, hễ “báo gọi” là tôi “đáp lời”, bằng chính những bài viết của mình, bằng chính nhiệt huyết chưa hề vơi cạn của mình. Làm báo như thế, với tôi, là hạnh phúc.
Bây giờ, khi Báo Thanh Niên đã là chàng trai tròn 30 tuổi với sức lực cường tráng, thì tôi thành một anh già 70 tuổi. Già nhưng vẫn còn... ham làm báo lắm. Nhất là viết cho Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.