Bất chấp hiểm nguy vì… hải sâm

28/06/2011 14:05 GMT+7

(TNO) Nghề lặn săn hải sâm dưới đáy đại dương là nghề hái ra tiền nhưng luôn đối mặt với rủi ro, bất trắc, có khi phải bỏ mạng giữa trùng dương.

Chuyến đi biển bạc tỉ

Sau gần 40 ngày lặn mò săn hải sâm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, cuối tháng 5 vừa qua, tàu QNg-66029TS, công suất 90CV do ngư dân Lê Túc (44 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân đã trở về cập cảng Lý Sơn an toàn.

Thuyền trưởng Lê Túc kể: Ngày 21.4, tàu QNg-66029TS rẽ sóng tiến thẳng ra vùng biển quần đảo Trường Sa. Sau 10 ngày đầu tiên mới chỉ được khoảng 100kg hải sâm, anh em trên tàu mặt mày đều “méo xẹo”, ai cũng nghĩ chuyến biển này đói… hải sâm.

Nào ngờ, sau cú lặn đầu tiên trong ngày thứ 11, thợ lặn Bùi Tịnh (39 tuổi) gặp ngay “ổ” hải sâm nằm sắp lớp như dưa hấu trên ruộng. Cứ thế, thợ lặn Tịnh lấy tay bốc bỏ vào đầy vợt, được 50kg hải sâm.

Bằng kinh nghiệm sau nhiều năm săn hải sâm, thuyền trưởng Túc nhận định, hải sâm thường ở thành từng cụm. Vì thế, chuyến biển này sẽ trúng lớn. Quả không sai, những ngày sau đó, nhiều thợ lặn liên tiếp trúng “ổ” hải sâm, có ngày săn được hơn 150kg.

Theo thuyền trưởng Lê Túc, nghề lặn săn hải sâm mỗi năm chỉ ra khơi 5 chuyến biển. Bình thường, mỗi chuyến biển thu về từ 500 - 700 triệu đồng.

“Chuyến biển vừa rồi nhờ “lộc biển” nên tàu của tui săn được 1,5 tấn hải sâm, thu về 2,3 tỉ đồng. Tính ra, mỗi lao động đi trên tàu bỏ túi 140 triệu đồng”, thuyền trưởng Túc khoe.


Thuyền trưởng Lê Túc kể chuyện săn hải sâm dưới lòng đại dương

Đối mặt với “tử thần”

Sau hai năm miệt mài đèn sách ôn luyện, nhưng cuối cùng ước mơ được bước vào giảng đường đại học không thành, chàng học trò đất đảo Lê Túc đành trở về quê nhà lập gia đình, tập tành đi biển.

“Ngày đầu tiên đi vùng biển quanh đảo tui đã bị say sóng chịu không nổi, nhưng đi riết rồi cũng quen”, anh Túc nhớ lại.

Hai năm sau, anh Túc trở thành ngư dân chính hiệu, một thợ lặn cừ khôi trên đảo vì thế, vùng biển quanh đảo Lý Sơn chẳng khác gì là “ao làng” nên từ đó anh bắt đầu chinh phục biển xa, mò tìm hải sâm dưới đáy đại dương để mưu sinh.

Tích cóp, dành dụm, gia đình cũng sắm được tàu và ngư dân Túc trở thành một thuyền trưởng đầy kinh nghiệm, dạn dày sóng gió.

Thợ lặn Phan Văn Thành dù mới 26 tuổi nhưng có “thâm niên” lặn săn hải sâm đã 6 năm, cho biết: Nghề lặn, nhất là lặn săn hải sâm do lặn quá sâu, chừng 60 - 70m nên luôn đối mặt với hiểm nguy, nếu không cẩn thận lập tức bị tai biến, nhẹ thì bị liệt còn nặng thì coi như… bỏ mạng giữa biển.

Theo thợ lặn Thành, thông thường, thời gian lặn hải sâm mỗi ngày diễn ra từ 6 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Mỗi kíp lặn có hai người, mỗi người đeo 8kg chì quanh mình, mắt đeo kính, miệng ngậm dây hơi nhảy tùm xuống biển.

Thời gian mỗi cú lặn chừng 1 giờ đồng hồ nhưng chỉ ở tối đa dưới đáy biển khoảng 30 phút. Vì thế, những người trên tàu phải canh giờ thật kỹ, sau 20 phút giật dây hơi một lần, đến 30 phút dù thợ lặn có trúng “ổ” hải sâm nhưng bắt buộc phải kéo lên.

Tất cả các thợ lặn từ đáy biển khi lên mặt nước phải thực hiện nghiêm ngặt công đoạn 3 lần giảm áp. Đó là cứ lên khoảng được 20m nước phải dừng nghỉ 10 phút. Ngoài ra, trong một ngày, mỗi thợ lặn chỉ lặn 2 lần, mỗi lần lặn cách nhau 3 giờ đồng hồ.

“Lặn độ sâu 60 - 70m huyết áp trong người tăng rất nhanh, xuống càng sâu áp suất của nước rất lớn nên người bị cuộn tròn như trái banh nhựa và muốn nổ tung”, thợ lặn Thành nói.

Thuyền trưởng Lê Túc cho biết, ngoài việc tuân thủ công đoạn giảm áp 3 lần thì sau khi lên tàu, các thợ lặn tuyệt đối không được ăn uống, hút thuốc trong vòng một giờ đồng hồ.

“Nhiều thợ lặn vì chủ quan, sau khi lên tàu thấy sức khỏe bình thường liền rít hơi thuốc, một lúc toàn thân đau nhức, tê rần. Thế là phải trục xuống biển, giảm áp trở lại. Dù vậy cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong rồi đấy”, thuyền trưởng Túc nhớ lại.


Mua bán hải sâm tại cầu cảng Lý Sơn

Cầu mong may mắn

Đảo Lý Sơn có khoảng 1.200 thợ lặn. Phương tiện lặn của những người thợ lặn ở Lý Sơn cực kỳ đơn giản, chỉ cần cái kiếng, ngậm ống hơi, quần đùi, áo thun, thậm chí có người để mình trần là có thể lặn xuống đại dương với độ sâu từ 50 - 70m.

Tuy nhiên, do tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc, tính mạng luôn bị “thần chết” rình rập nên số người lặn săn hải sâm giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 50 thợ lặn với 4 tàu bám nghề này.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cả đảo đã có nhiều trường hợp ngư dân bị tử vong hoặc tàn phế vì lặn tìm hải sâm. Gần đây nhất, vào chiều 9.5, trong khi đang lặn săn hải sâm tại vùng biển quần đảo Trường Sa, do dây hơi bị gấp trong lúc lặn nên thợ lặn trẻ Nguyễn Văn Vinh (22 tuổi) đã “lặn” luôn… dưới biển. Khi mọi người phát hiện kéo lên thì Vinh đã tử nạn.

Con cái theo nghề lặn tìm hải sâm có cuộc sống sung túc, nhiều người đều khấp khởi mừng thầm nhưng trong lòng họ luôn thấp thỏm, lo âu mỗi khi tàu rời đảo. Mỗi chuyến biển dài hơn một tháng là cũng từng ấy thời gian, người thân ở đất liền luôn cầu mong trời yên biển lặng, con mình gặp điều may mắn trở về.


Dù là nghề hái ra tiền nhưng do quá nguy hiểm nên số tàu, thợ lặn chuyên khai thác hải sâm ở Lý Sơn giảm hẳn


Thợ lặn săn hải sâm luôn đối mặt với tử thần

Bài, ảnh: Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.