'Bí mật' thú vị của người đàn ông có mái tóc dài đen bóng

03/08/2021 12:45 GMT+7

Từ khi biết Thư viện tóc giả năm 2016, anh Duy hiểu ý nghĩa của mái tóc quan trọng đến chừng nào với phụ nữ. Gạt những bất tiện và định kiến, anh tiếp tục nuôi tóc và rủ bạn bè hiến tóc cho bệnh nhân ung thư.

Lần đầu gặp anh Lương Ngọc Duy (36 tuổi) tôi ấn tượng bởi anh có thân hình rắn chắc của một vận động viên bơi lội nhưng lại có một mái tóc dài, đen bóng. Tôi thầm nghĩ chắc anh là người cá tính và lãng tử mới để tóc như nghệ sĩ. Nhưng tìm hiểu anh một thời gian, tôi phát hiện "bí mật" đằng sau mái tóc ấy.

Đàn ông hiến tóc

Anh Duy biết đến Thư viện tóc giả của tổ chức Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam (BCNV) thông qua mạng xã hội năm 2016. Hình ảnh những cô, chị, em mắc ung thư vú rụng tóc đến trọc đầu để lại ấn tượng sâu sắc trong anh. “Tiếp xúc với mấy chị em, tôi thì thấy xót mà họ lại lạc quan và vui vẻ lắm. Cũng vì thế mà tôi thấy việc làm của mình vui và ý nghĩa”, anh chia sẻ.
Anh Duy đã hiến tóc 3 lần kể từ năm 2016. Hiện tại, anh đang nuôi tóc cho lần hiến thứ 4. Trước đây, độ dài tóc hiến tặng tối thiểu là 25cm. Anh mất 2 năm để nuôi. Bây giờ, tổ chức có quy định mới, độ dài tóc hiến tối thiểu là 30cm nên anh phải để tóc lâu hơn.
Người đàn ông 4 lần hiến tóc cho bệnh nhân nữ ung thư1

Là huấn luận viên bơi lội, anh Duy gặp nhiều bất tiện khi xử lý mái tóc sau khi bơi

“Tôi là dân bơi lội nên khá vất vả để xử lý tóc sau khi bơi lên. Lúc mới cắt thì tóc ngắn, dưỡng 1 năm đầu khá cực vì nó cứ lùm sùm, nóng nực lắm. Qua năm thứ 2, mình cột tóc lên được thì trông gọn gàng hơn”, anh Duy bộc bạch.
Qua nhiều lần chăm tóc đi hiến, anh rút ra kinh nghiệm cho mình. Tóc nên nuôi hơn 3 năm, để khi cắt vừa đảm bảo độ dài 30cm vừa còn đủ tóc để cột lên được. Anh cũng dùng thêm dầu xả để tóc mềm, suôn mượt hơn.
Hình ảnh một đàn ông với mái tóc dài khiến anh Duy nhận những ý kiến khá tiêu cực. Họ nhận định, đánh giá anh thế này, thế kia thông qua vẻ bề ngoài. Bỏ ngoài tai định kiến, anh vẫn tiếp tục duy trì việc nuôi tóc dài để hiến tặng.
Chia sẻ về điều này, anh nói: “Một mái tóc của mình sẽ giúp 1 chị/em ung thư bị rụng tóc nào đó có niềm vui. Cảm giác lúc mình cắt tóc rồi đem đi tặng cũng hạnh phúc lắm. Nhiều người không biết nói ra, nói vào. Nhưng khi biết tôi nuôi tóc vì điều gì thì họ lại thán phục và hiểu con người tôi hơn”.
Người đàn ông 4 lần hiến tóc cho bệnh nhân nữ ung thư2

Anh Duy ( giữa), anh Vũ (bên phải) và anh Cường đang nuôi tóc cho lần hiến tiếp theo

Chị Đậu Thùy Anh, Đại diện truyền thông của BCNV, cho biết anh Duy tham gia chương trình Ngày hội nón hồng hàng năm và gửi chuyển phát tóc của bạn bè về cho thư viện. Anh cũng theo dõi thường xuyên các hoạt động của BCNV.
“Có một thầy giáo từng liên hệ với chúng tôi bày tỏ mong muốn nuôi tóc để hiến tặng. Nhưng anh ấy sợ mọi người bàn tán vì xung quanh không có ai làm như vậy. Cho nên, việc anh Duy đang làm rất đáng quý trọng. Anh đang khiến việc đàn ông nuôi tóc dài trở thành điều bình thường trong cuộc sống”, chị Thùy Anh chia sẻ.

Rủ rê bạn bè tham gia

Không chỉ tham gia nhiều lần, anh Duy còn lôi kéo, rủ rê bạn bè tham gia. Những bài chia sẻ của anh trên mạng xã hội được nhiều người hưởng ứng và cùng đồng hành. Hội anh em thân thiết gồm 10 người của anh đã hiến tặng tóc 2 lần và đang dưỡng cho lần tiếp theo.
“Hầu hết mọi người đều hưởng ứng khi tôi kêu gọi, trừ anh em vì đặc thù công việc không để được tóc dài. Khoảng 30 người tham gia cùng đợt hiến với tôi, trong đó khoảng 20 người là nam giới. Theo quan điểm của tôi, nam giới nên thử 1 lần nuôi tóc. Trải nghiệm này vui lắm mà lại có ý nghĩa xã hội”, anh tâm sự.
Người đàn ông 4 lần hiến tóc cho bệnh nhân nữ ung thư3

Anh Duy đem tóc của bạn bè đến sự kiện hiến tóc tại Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tháng 4.2021

Người đàn ông 4 lần hiến tóc cho bệnh nhân nữ ung thư4

Đoạn tóc này sẽ mang ý nghĩa mới giúp ích cho nữ bệnh nhân ung thư

Anh Ngô Trọng Vũ (31 tuổi) tham gia "hội đàn ông nuôi tóc" sau chia sẻ của anh Duy. Anh Vũ đã hiến 2 lần và sắp tới đây là lần thứ 3. Với chiều dài tóc tối thiểu là 30cm, anh Vũ mất khoảng 2 năm nuôi cho 1 lần hiến. “May mắn là tôi kinh doanh tự do, nên việc để tóc không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Đôi lần thấy dài quá, gia đình cũng phản đối. Tuy nhiên khi mọi người hiểu thì đều ủng hộ”, anh chia sẻ.
Một người khác cũng tham gia là anh Bùi Cao Cường (25 tuổi). Chia sẻ về điều này, anh nói: “Tôi chỉ mới bắt đầu để tóc từ năm 2019. Việc trải nghiệm để tóc dài thực chất rất vướng víu và khó chịu, cũng bớt đẹp trai hơn. Nhưng nó giúp tôi rèn luyện tính kiên trì, chịu đựng và hiểu được cảm giác của chị em phụ nữ. Đây cũng là 1 trải nghiệm tốt và việc hiến tóc còn là cử chỉ cao đẹp góp phần giúp ích cho các bệnh nhân ung thư”.
Những người tham gia hiến tóc đều có chung suy nghĩ chia sẻ và hỗ trợ các bệnh nhân ung thư. Hóa chất lấy đi mái tóc yêu quý không chỉ riêng chị em phụ nữ mà cả cánh mày râu khiến họ phần nào tự ti, mặc cảm. Một mái tóc giả được làm bằng tóc thật hiến tặng giúp bệnh nhân K tự tin hơn, yêu đời hơn và đẹp hơn trong mắt mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.